Việt Nam đang có dân số trẻ cao nhất trong lịch sử

Việt Nam đang ghi nhận tỷ lệ dân số trẻ cao nhất trong lịch sử đặt ra những thách thức cho xã hội. Đó là những thông tin được Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) công bố mới đây trong báo cáo tình trạng dân số thế giới năm 2016 tại Hà Nội.

Theo UNFPA, nhóm dân số trong độ tuổi 10-24 ở nước ta hiện chiếm gần 40% dân số.

Bà Ritsu Nacken, Quyền Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam thông tin, chủ đề báo cáo tình trạng dân số thế giới 2016 là “10 tuổi: Tương lai chúng ta phụ thuộc vào trẻ em gái ở độ tuổi quyết định này như thế nào”. Đại diện UNFPA giải thích báo cáo tập trung vào các bé gái 10 tuổi bởi đây là mốc bắt đầu tuổi dậy thì. Đây là khoảng thời gian đặc biệt khi mỗi con người bước vào giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi thơ sang tuổi trưởng thành.

Thống kê trong báo cáo dân số toàn cầu cho thấy mỗi ngày có khoảng 48 ngàn bé gái chỉ khoảng 10 tuổi bị cưỡng ép kết hôn, mỗi ngày có hơn 20 ngàn bé gái dưới 18 tuổi sinh con. Và hiện có 61 triệu trẻ em ở độ tuổi tiểu học không được đến trường, hơn phần nửa trong số này là bé gái. Đặc biệt cứ ba bé gái thì có một từng trải qua bạo lực, bị bạo lực trong khoảng thời gian từ 10 đến 19 tuổi.

Quyền Trưởng Đại diện UNFPA cũng chỉ ra rằng, so với các bé trai thì bé gái ít cơ hội hoàn thành chương trình học tập. Song lại đối mặt với tình trạng kết hôn sớm, lao động trẻ em và nhiều hủ tục khác như hủ tục cắt âm vật.

Hơn một nửa trong khoảng 60 triệu trẻ em gái 10 tuổi đang sinh sống tại 48 quốc gia đang đối mặt với vấn đề bất bình đẳng giới vô cùng tồi tệ. Có tới 10% bé gái trong độ tuổi 5-14 toàn cầu làm việc nhà nhiều hơn 28 tiếng hàng tuần, gấp đôi so với trẻ em trai. Những hạn chế này sẽ gây tổn hại đến sức khỏe và quyền của trẻ em gái. Do đó, các em không phát triển hết tiềm năng khi trưởng thành.

Nội dung nữa trong báo cáo tình trạng dân số toàn cầu 2016 nhấn mạnh đó là chỉ ra thách thức làm sao để mở rộng các hoạt động can thiệp giúp tiếp cận với nhiều trẻ em gái hơn. Nhất là các em gái trong gia đình nghèo khó, sống ở vùng sâu vùng xa. Các nghiên cứu cho thấy nếu các bé gái được hỗ trợ đầu tư để trở thành người trưởng thành có học vấn, sức khỏe tốt thì các em khi lớn lên sẽ có thu nhập gấp ba lần so với các bé gái không có nền tảng.

Báo cáo công bố số liệu nghiên cứu đưa ra kết luận cứ thêm một năm đi học thì lương của trẻ em gái sau này tăng 11,7%. Và nếu tất cả các bé gái 10 tuổi tại các nước đang phát triển đã bỏ học, chưa bao giờ đi học được đi học thì các em sẽ tạo ra 21 tỷ đô la Mỹ dư lợi hàng năm.

Liên hệ đến tình trạng dân số ở Việt Nam, Quyền Trưởng Đại diện UNFPA lưu ý Việt Nam đang ghi nhận tỷ lệ dân số trẻ cao nhất trong lịch sử. Theo thống kê của cơ quan này, nhóm dân số trong độ tuổi 10-24 ở nước ta hiện chiếm gần 40% dân số. Thực tế này đặt ra cho Việt Nam thách thức trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em gái ở tuổi vị thành niên.

Tuy nhiên, Quyền Trưởng Đại diện UNFPA cũng cho rằng thách thức nói trên đang mang lại cho Việt Nam cơ hội lịch sử để biến giai đoạn vàng này thành động lực cho sự thịnh vượng về kinh tế - xã hội: “Chúng ta có thể thực hiện được nhiệm vụ này bằng cách đảm bảo cho mỗi người trẻ tuổi có được nền tảng giáo dục tốt để họ biến ước mơ thành hiện thực. Bây giờ là thời điểm để đầu tư và hỗ trợ người trẻ tuổi, nhất là trẻ em gái”, bà Ritsu nói.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho rằng muốn có một thế hệ trẻ tài năng, trước mắt Việt Nam cần làm tốt ba nhiệm vụ trọng tâm sau: Tuyên truyền, vận động mỗi gia đình cũng như toàn xã hội chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thanh thiếu niên học tập, lao động. Đặc biệt tạo điều kiện cho trẻ em gái tiếp cận thông tin, vui chơi, giải trí.

Thứ nữa, xã hội cần có cơ chế phát huy tốt vai trò lực lượng thanh thiếu niên trong việc thực thi những chính sách liên quan đến họ. Đồng thời phải hoàn thiện pháp luật, chính sách y tế, giáo dục để trẻ em được chăm sóc tốt nhất. Thứ ba, các tổ chức Đoàn - Hội - Đội cần phát triển tổ chức, nâng cao vai trò của mình. Trong đó ưu tiên phát triển ở những địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Mai Long

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-tri/viet-nam-dang-co-dan-so-tre-cao-nhat-trong-lich-su-301543.html