Việt Nam đặc biệt quan tâm tài chính toàn diện cho nông nghiệp, nông thôn

Ngày 24/2, NHNN Việt Nam chủ trì phiên họp ngày thứ 2 của Hội nghị các Thứ trưởng và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC về tài chính toàn diện với trọng tâm tập trung vào lĩnh vực tài chính cho nông nghiệp, nông thôn.

NHNN Việt Nam chủ trì Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC 2017. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn ngắn với bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam về những vấn đề liên quan.

Vấn đề tài chính toàn diện đã được quan tâm trên phạm vi toàn cầu như thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hồng: Tài chính toàn diện là việc cung cấp dịch vụ tài chính chính thống phù hợp và thuận tiện cho tất cả các thành phần trong xã hội, đặc biệt đối với người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tài chính toàn diện được coi là trụ cột quan trọng của tăng trưởng, phát triển và giảm nghèo, mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội.

Thời gian gần đây, tài chính toàn diện là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế do tầm quan trọng và ý nghĩa lớn mà tài chính toàn diện mang lại và được coi là một công cụ hữu hiệu góp phần thúc đẩy giảm nghèo và phát triển bền vững.

Vì lý do đó LHQ triển khai các chương trình thông qua Quỹ đầu tư phát triển của tổ chức này. Bên cạnh đó, các nước G20 đã thống nhất bộ nguyên tắc cho tài chính toàn diện và đây cũng là những trọng tâm của kế hoạch hành động Nhóm G20. Các nước ASEAN coi tài chính toàn diện là 1 trong 3 trụ cột của tầm nhìn chiến lược Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến năm 2025 và đã thành lập Nhóm công tác về tài chính toàn diện để thúc đẩy lĩnh vực này trong khu vực. Ngân hàng Thế giới (WB)/Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã xây dựng các chương trình/dự án để thúc đẩy tài chính toàn diện tại nhiều quốc gia; nhiều nước đã và đang xây dựng khuôn khổ/chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện.

Vì sao đơn vị chủ trì là NHNN Việt Nam lại đề xuất chọn chủ đề “Tài chính cho phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn” trong hợp tác APEC về tài chính toàn diện, thưa bà ?

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: VGP

Bà Nguyễn Thị Hồng: Vấn đề về tài chính toàn diện hiện nay đang được Đảng, Nhà nước ta, rất quan tâm. Chính phủ đã giao NHNN Việt Nam nhiệm vụ là cơ quan chủ trì phối hợp chặt chẽ với các nền kinh tế thành viên APEC để tìm biện pháp thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam cũng như trong APEC. Theo đó, NHNN đã nỗ lực tìm kiếm các biện pháp để thúc đẩy triển khai vấn đề này. Trong quá trình điều hành, quản lý, NHNN tập trung triển khai các chính sách bao hàm nhiều nội dung về tài chính toàn diện, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Tại Hội nghị APEC tổ chức ở Việt Nam năm nay, với tư cách là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, đầu mối về tài chính toàn diện tại Việt Nam, NHNN đã đề xuất chủ đề về tài chính toàn diện xuyên suốt cả năm APEC 2017 là tài chính cho nông nghiệp, nông thôn.

Có 3 lý do chính mà NHNN chọn chủ đề này. Thứ nhất, xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh tương đồng giữa các nền kinh tế APEC, nơi mà khu vực nông thôn đóng vai trò quan trọng trong nhiều nền kinh tế. Thứ hai, nông nghiệp, nông thôn là khu vực chịu ảnh hưởng và tác động trực tiếp bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, đòi hỏi cần có các giải pháp xử lý và khắc phục để phát triển bền vững. Thứ ba, nông nghiệp, nông thôn cũng được Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam và NHNN quan tâm với nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ và phát triển khu vực này.

Có thể khẳng định, phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn đang là mối quan tâm lớn không chỉ riêng của Việt Nam mà còn của nhiều nền kinh tế APEC và các tổ chức quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay. Nhưng để triển khai, đòi hỏi phải tiếp tục phát triển mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa thị trường và các sản phẩm dịch vụ tài chính đi kèm có chất lượng, dễ tiếp cận nhằm đáp ứng hiệu quả cho nhu cầu phát triển ngành nông nghiệp và nông thôn, qua đó góp phần giảm nghèo bền vững.

Thông qua các cơ chế hợp tác APEC 2017 về tài chính toàn diện, chúng ta kỳ vọng có thể tìm ra lời giải đáp để giúp các nền kinh tế APEC, đặc biệt là những nước đang phát triển như Việt Nam thực hiện thành công quá trình tái cơ cấu và phát triển một nền nông nghiệp có chất lượng, bền vững, qua đó thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nền kinh tế.

Xin Phó Thống đốc cho biết trong thời gian tới NHNN sẽ có những giải pháp thế nào để triển khai chương trình tài chính toàn diện ở Việt Nam?

Bà Nguyễn Thị Hồng: Thời gian vừa qua, NHNN đã huy động và phối hợp với nhiều đối tác phát triển như WB, ADB, Quỹ đầu tư phát triển LHQ, các quốc gia đối tác trong ASEAN để nghiên cứu xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai tài chính toàn diện cho Việt Nam nhằm tranh thủ nguồn lực và kinh nghiệm quốc tế.

Bên cạnh đó, NHNN cũng nghiên cứu tham gia các chương trình, diễn đàn quốc tế về tài chính toàn diện để kịp thời bổ sung kiến thức, nguồn lực, khuôn khổ thể chế và công nghệ phù hợp cho triển khai tài chính toàn diện tại Việt Nam thời gian tới.

Ở trong nước, nhận thấy tài chính toàn diện có độ bao phủ rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, do đó trong thời gian tới, NHNN dự kiến tham mưu Chính phủ huy động tổng hợp nguồn lực để tham gia xây dựng một chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, trong đó sẽ thiết lập một cơ chế điều phối, phối hợp để triển khai chiến lược này.

Theo tôi, việc phát triển các khuôn khổ này sẽ giúp Việt Nam xác định được tầm nhìn, mục tiêu, trụ cột ưu tiên và kế hoạch hành động để triển khai tài chính toàn diện một cách bài bản và hiệu quả. Qua đó sẽ giúp chúng ta hoàn thiện cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng tài chính, phát triển các kênh tiếp cận gắn với ứng dụng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ tài chính-ngân hàng chính thống phù hợp, thuận tiện và hiệu quả để tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng cho người dân, đặc biệt là người dân nghèo, vùng sâu vùng xa để giảm mức độ bị tổn thương và tăng cường năng lực để tạo thu nhập, đồng thời tăng cường khuôn khổ bảo vệ người tiêu dùng tài chính và nâng cao kiến thức tài chính cho người dân để họ có thể tối ưu hóa khả năng sử dụng nguồn tài chính của mình.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ chủ động và tích cực huy động cả nguồn lực trong nước và quốc tế để triển khai hiệu quả và thành công tài chính toàn diện tại Việt Nam, giúp Việt Nam theo kịp trình độ phát triển chung của khu vực và thế giới.

Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Huy Thắng (thực hiện)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tai-chinh/viet-nam-dac-biet-quan-tam-tai-chinh-toan-dien-cho-nong-nghiep-nong-thon/299400.vgp