Việt Nam đã được chi trả 41,2 triệu USD từ chuyển nhượng giảm phát thải khí nhà kính

Ngân hàng Thế giới đã thanh toán tiền ERPA đợt 1 là 41,2 triệu USD (khoảng 997,040 tỷ đồng), tương ứng với 80% kết quả GPT theo ERPA đã ký.

Bộ NN&PTNT vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tình hình thực hiện Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.

Ngân hàng Thế giới đã thanh toán tiền ERPA đợt 1 là: 41,2 triệu USD cho Việt Nam.

Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) được ký vào ngày 22/10/2020 giữa Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) với tư cách là Bên được ủy thác của Quỹ Đối tác carbon Lâm nghiệp (FCPF).

ERPA nhằm chuyển nhượng lượng giảm phát thải (GPT) 10,3 triệu tấn carbon dioxide (CO2) ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 cho FCPF thông qua WB, với đơn giá 5 USD/tấn CO2, tương đương 51,5 triệu USD, khoảng 95% kết quả chuyển nhượng sẽ được chuyển giao lại cho Việt Nam để đóng góp vào NDC1 (cam kết của Quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính để đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 -COP21).

Ngoài ra, WB có quyền mua bổ sung tối đa 5 triệu tấn CO2 từ Báo cáo kết quả GPT vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 với đơn giá 5 USD/tấn CO2 theo cơ chế ERPA đã ký.

Ngày 8/8/2023, WB đã thanh toán tiền ERPA đợt 1 là 41.200.000 USD tương đương 997.040.000.000 đồng (tương ứng với 80% kết quả GPT theo ERPA đã ký).

Số tiền còn lại 10,3 triệu USD tương đương 249,260 tỷ đồng đồng (tương ứng với 20% kết quả GPT còn lại), Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với WB thực hiện các thủ tục thanh toán sau khi hoàn thành việc chuyển giao 10,3 triệu tấn CO2 theo ERPA đã ký.

Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang giao là đầu mối, nghiên cứu, xây dựng phương án quản lý, sử dụng kết quả GPT còn lại (4,91 triệu tấn CO2), tổng hợp ý kiến của các Bộ/ngành và đề xuất của các địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo quy định, nguồn thu từ ERPA là nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam là cơ quan đầu mối tiếp tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn tiền từ ERPA và thực hiện điều phối cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) để chi trả cho các chủ rừng được giao quản lý rừng tự nhiên, Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên và các đối tượng khác có hoạt động liên quan đến GPT khí nhà kính để thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, góp phần giảm mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/viet-nam-da-duoc-chi-tra-41-2-trieu-usd-tu-chuyen-nhuong-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-1097568.html