Việt Nam - Cam-pu-chia đoàn kết, hợp tác hữu nghị cùng phát triển

Cách đây 50 năm, vào ngày 24-6-1967, Việt Nam và Cam-pu-chia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra trang sử mới trong quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Trong chuỗi các hoạt động phong phú, thiết thực nhằm kỷ niệm mốc son này, mới đây, tại thủ đô Phnôm Pênh của Cam-pu-chia diễn ra cuộc hội thảo với chủ đề 'Cam-pu-chia - Việt Nam: Quan hệ hợp tác hữu nghị cùng phát triển'.

Phó Thủ tướng Cam-pu-chia Men Xam On tham quan Nhà máy sữa Ăng-co do Công ty Vinamilk đầu tư ở ngoại ô Phnôm Pênh.

Tham gia hội thảo có nhiều đại biểu và nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội hai nước. Các ý kiến được thảo luận tại hội thảo đều nhất trí với nhận định của Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Cam-pu-chia Châu Bun Eng cho rằng, mối quan hệ đoàn kết hữu nghị lâu đời giữa Việt Nam và Cam-pu-chia đã được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, kể cả bằng xương máu của mình. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhân dân hai nước đã chia ngọt sẻ bùi, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước phồn vinh. Bà Bun Eng nhấn mạnh: “Nhân dân Cam-pu-chia luôn ghi nhớ nhân dân Việt Nam đã hy sinh xương máu giúp giải phóng Cam-pu-chia khỏi họa diệt chủng”.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Giáo sư, Viện sĩ Xom Xô-mu-ni, Viện trưởng Viện Nhân văn và Khoa học xã hội Cam-pu-chia khẳng định, đi lên gần như từ con số “0” sau khi tập đoàn bạo tàn Pôn Pốt Iêng Xa-ri bị đánh đổ, Cam-pu-chia phát triển được như ngày nay không thể tách rời sự hỗ trợ, hợp tác của Việt Nam. Đây là điều mà nhiều nhà lãnh đạo Cam-pu-chia vẫn luôn nhắc tới. Lấy lĩnh vực “trồng người” làm một minh chứng, Giáo sư Xô-mu-ni nói: “Sau Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng 7-1-1979, ở Cam-pu-chia, không có giáo viên bậc đại học, còn ở bậc phổ thông có rất ít, nhờ Việt Nam giúp đỡ đào tạo, như bản thân tôi, nếu không có Việt Nam giúp thì tôi cũng không thể trở thành nhà nghiên cứu như ngày hôm nay. Do có những nhóm cực đoan tuyên truyền, làm cho một số người dân Cam-pu-chia không hài lòng với người dân Việt Nam. Đây là việc sai, không phải là chuyện hợp lý. Chính phủ hiện nay, do Thủ tướng Hun Xen điều hành, đã thường xuyên giáo dục cho người dân hiểu rõ chân lý của lịch sử”. Ngày nay, hợp tác về giáo dục đào tạo vẫn luôn là ưu tiên cao trong quan hệ giữa hai nước. Hằng năm, Việt Nam và Cam-pu-chia vẫn dành hàng trăm suất học bổng dài hạn và ngắn hạn cho sinh viên, nghiên cứu sinh, cán bộ của các bộ, ngành và địa phương hai nước.

Các đại biểu dự hội thảo thống nhất cho rằng, mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai nước trong thời gian qua không ngừng được củng cố, phát triển sâu rộng trên mọi lĩnh vực. Hai bên thường xuyên tiến hành những chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao mỗi nước, những cuộc trao đổi đoàn giữa các bộ, ngành, địa phương, các hoạt động giao lưu nhân dân… Bên cạnh đó, những cơ chế hợp tác đa dạng như Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Cam-pu-chia về hợp tác kinh tế văn hóa, khoa học - kỹ thuật, Hội nghị hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới, Hội nghị Xúc tiến đầu tư đều được tổ chức hằng năm…

Hợp tác kinh tế có bước phát triển mạnh trong thập kỷ qua chính là chất keo kết dính tình đoàn kết và hữu nghị của hai dân tộc ngày càng bền chặt. Tính lũy kế về đầu tư đến nay, Việt Nam có khoảng 190 dự án tại Cam-pu-chia với tổng vốn đăng ký khoảng 2,9 tỷ USD, tăng hơn 100 dự án và tăng hơn tám lần về tổng vốn đăng ký so trước năm 2009. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Cam-pu-chia với kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng ba tỷ USD và hai bên quyết tâm nâng mức kim ngạch này lên năm tỷ USD trong thời gian sớm nhất. Việt Nam đã trở thành nước đứng đầu về lượng du khách đến thăm Cam-pu-chia, đạt 960 nghìn lượt người năm 2016, đồng thời Việt Nam cũng là điểm đến hàng đầu của du khách Cam-pu-chia.

Lấy dòng sông Mê Công yên bình làm hình tượng cho mối quan hệ gắn bó, tình hữu nghị, láng giềng tốt đẹp giữa nhân dân Việt Nam và Cam-pu-chia, Giáo sư Chum Pứt Lon thuộc Đại học Nông nghiệp Hoàng gia Cam-pu-chia nêu rõ, dòng Mê Công từ bao đời nay chảy qua hai nước vẫn tưới mát cho những vựa lúa, mang nguồn thực phẩm tôm cá dồi dào cho người dân có cuộc sống ấm êm. Dòng sông này sẽ mãi chứng kiến mối quan hệ đoàn kết, tình hữu nghị trong sáng giữa nhân dân hai nước ngày càng phát triển.

Bài và ảnh: TRƯỜNG SƠN
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Cam-pu-chia

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/33244802-viet-nam-cam-pu-chia-doan-ket-hop-tac-huu-nghi-cung-phat-trien.html