Việt Nam cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH

Là một quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó.

Sáng 25/10 tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) đã tổ chức “Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao giữa Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu và các đối tác phát triển”. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Đây là Diễn đàn rất quan trọng để Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) Việt Nam và các đối tác phát triển cùng trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, cập nhật các kết quả nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu và những tác động của biến đổi khí hậu tới Việt Nam.

Tại diễn đàn này, các đại biểu cùng nhau xác định các vấn đề còn thiếu hụt trong các cơ chế, chính sách, chương trình hành động của Việt Nam và khả năng hỗ trợ của các đối tác quốc tế để Việt Nam ứng phó có hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu, thực hiện Thỏa thuận Paris và các cam kết khác tại COP21.

Toàn cảnh Diễn đàn.

Toàn cảnh Diễn đàn.

Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, BĐKH đã và đang trở thành vấn đề khẩn thiết của toàn nhân loại. Việc thông qua Thỏa thuận Paris (COP21) đã mở ra một kỷ nguyên phát triển mới trên toàn cầu - kỷ nguyên hợp tác để thích ứng với BĐKH và phát triển bền vững theo hướng ít phát thải carbon, thân thiện với môi trường.

“Là một quốc gia chịu nhiều tác động của BĐKH, được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó thông qua việc xây dựng và thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH, Chiến lược Tăng trưởng Xanh (TTX), Chiến lược phòng chống thiên tai, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo… với nhiều chương trình, dự án được triển khai rộng rãi trên phạm vi cả nước để thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Việt Nam cũng đã đưa ra cam kết mạnh mẽ để cùng cộng đồng quốc tế ứng phó hiệu quả với BĐKH”. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết.

Cũng theo Phó Thủ tướng, tháng 9/2015, Việt Nam đã đệ trình dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC), bao gồm đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và đóng góp về thích ứng với BĐKH.

Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước, sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thể tăng lên thành 25% khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới trong Thỏa thuận khí hậu toàn cầu.

Về thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia về BĐKH nhằm tăng khả năng chống chịu, bảo vệ cuộc sống và sinh kế cho người dân, tạo điều kiện để có đóng góp lớn hơn trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn đối thoại.

Khẩn trương triển khai kết quả đạt được tại COP21

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, ngay sau COP21, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai kết quả COP21 tại Việt Nam trong đó có việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam với mục đích cụ thể hóa và bảo đảm các đóng góp của Việt Nam trong INDC được thực hiện.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao giữa Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu và các đối tác phát triển là cơ hội để cùng trao đổi, chia sẻ về các vấn đề như: Cập nhật các kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất về BĐKH và những tác động của BĐKH tới Việt Nam. Đây là cơ sở nền tảng để xem xét đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp.

Thứ hai theo Phó Thủ tướng, cần cập nhật về những nỗ lực của Việt Nam trong chuẩn bị triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam, thực hiện các cam kết đã nêu trong Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam và cùng cộng đồng thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu cần xem xét, xác định các vấn đề còn thiếu hụt trong các chính sách, chương trình hành động của Việt Nam và khả năng hỗ trợ của các đối tác quốc tế để Việt Nam ứng phó có hiệu quả với tác động của BĐKH, thực hiện Thỏa thuận Paris và các cam kết khác tại COP21.

Đại diện các đối tác phát triển của Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Pratibha Mehta, Điều phố viên thường trú LHQ, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, dữ liệu của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) và của Việt Nam cho thấy nguy cơ gặp bão, mưa cực đoan và lũ lụt trên sông cũng như hạn hán và tình trạng tăng xâm nhập mặn ngày càng tăng đối với Việt Nam. Tất cả những loại thiên tai này đều xảy ra trong năm nay và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

“Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris… điều này chứng tỏ rằng Việt Nam đã sẵn sàng cho những thách thức khí hậu”. “Thách thức này là rất lớn và ngày càng gia tăng, đòi hỏi những nỗ lực to lớn và Liên Hợp Quốc sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam giải quyết các thách thức này”, bà Pratibha Mehta cho biết./.

CTV Huy Hoàng/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/viet-nam-cam-ket-manh-me-cung-cong-dong-quoc-te-ung-pho-voi-bdkh-563301.vov