Viết lời tựa - Vinh dự, tri âm hay muôn nỗi trần ai?

Lời tựa, hoặc tựa, hoặc lời giới thiệu đặt ở đầu sách là bài viết để nhấn mạnh một vài điều về cuốn sách. Sách có lời giới thiệu hay không là do cảm xúc và ý chí của tác giả. Người cả đời viết văn, in sách chẳng cần đề tựa; người chọn một vài tác phẩm mình ưng ý nhờ bạn văn đề tựa, hoặc tự mình viết; người thì hầu như quyển nào cũng có lời giới thiệu một cách trân trọng.

1. Xưa nay, chuyện đề tựa sách cho nhau không hiếm trong giới sáng tác. Viết vì tri âm tri kỉ, bằng mối thâm tình đời người đời văn. Viết vì chuyện cơm áo gạo tiền. Viết vì nể nhau hoặc thương nhau. Có người viết lời tựa là vì tri âm, coi như cái tình với cảm xúc vinh dự, sung sướng. Có người mang nỗi trần ai, không muốn viết nhưng vì muôn chuyện cá nhân, mà bấm bụng phải viết.

Tập thơ "Lửa thiêng" của Huy Cận có lời tựa của Xuân Diệu.

Nhà thơ Xuân Diệu viết lời tựa cho tập thơ "Lửa thiêng" của Huy Cận là một tri âm, thâm tình. Nhà thơ Xuân Diệu và nhà thơ Huy Cận gặp nhau lần đầu ở trường Quốc học Huế vào năm 1936, rồi trở thành tri âm tri kỉ cả văn chương và cuộc sống suốt gần nửa thế kỷ. Lúc Xuân Diệu đang làm việc ở Nha Thương chính tỉnh Mỹ Tho, ông đã dành những lời chân tình đề tựa "Lửa thiêng" của bạn mình trong đó có đoạn: "… Ấy là Huy Cận đó - nhưng một thi sĩ "thiên nhiên" như ở chàng thì ở thời nào chẳng được, ở thời này cũng như ở thời xưa; chàng như không ở trong thời gian mà chỉ ở trong không gian; người ta muốn tưởng linh hồn Huy Cận là đám mây kia, là nỗi hắt hiu trong cõi trời, là hơi gió nhớ thương.

Trong thơ Việt Nam, nghe bay dậy một tiếng địch buồn. Không phải sáo Thiên Thai, không phải điệu ái tình, không phải lời li tao kể chuyện một cái "tôi"; mà ấy là một bản ngậm ngùi dài: có tiếng đìu hiu của khóm trúc, bông lau; có phải niềm than vãn của bờ sông, bãi cát; có phải mặt trăng một mình đang cảm thương cùng các vì sao?". Viết lời tựa mà Xuân Diệu chỉ ra phong cách thơ của bạn mình: "Cái buồn Huy Cận là cái thương vô hạn hóa thành cái tủi vô cùng: ấy là thứ "hận sầu dài dặc lâu bền nó gieo họa trong lòng bọn thi sĩ". Thật là tri kỷ tri âm!

Trong số nhà văn, nhà thơ viết lời tựa và các bài giới thiệu sách nhiều phải kể đến học giả, nhà văn Nguyễn Hiến Lê. Ông dịch cuốn sách: "Quẳng gánh lo đi và vui sống" của Dale Carnegie và viết tựa. Sau khi điểm qua về nội dung cuốn sách, ông xiển dương cách viết của Carnegie: "… Nếu xét kỹ, ta thấy văn ông có chỗ điệp ý, lại có đoạn ý tứ rời rạc, nhưng chính vì vậy mà lời rất tự nhiên, đột ngột, khiến đọc lên ta tưởng tượng như có ông ngồi bên cạnh, ngó ta bằng cặp mắt sâu sắc, mỉm cười một cách hóm hỉnh, mà giảng giải cho ta, nói chuyện với ta vậy". Bỏ qua chuyện hướng tới lợi nhuận, bán nhiều sách, đọc tựa của Nguyễn Hiến Lê vẫn thấy một cái nhìn sắc sảo, tầm nhìn bao quát, suy tư sâu sắc, lột tả được hồn vía quyển sách một cách công phu, kỹ lưỡng.

Năm 1941, nhà văn Nam Cao viết truyện ngắn “Chí Phèo” lúc đầu có tên là "Cái lò gạch cũ", ông mang bản thảo đến bán cho ông Trác Vỹ - chủ Nhà xuất bản Đời Mới. Ông Vỹ thấy cái tên truyện ấy không "câu khách", vả lại Nam Cao lúc đó mới viết chưa quen thuộc với bạn đọc, nên thuê Lê Văn Trương đang nổi tiếng đình đám trên văn đàn đọc, đổi tên là "Đôi lứa xứng đôi" và viết lời tựa để bán cho "ăn khách". Tôi nghĩ rằng: đổi tên truyện "Cái lò gạch cũ" thành "Đôi lứa xứng đôi" có yếu tố "tiếp thị", nhưng lời tựa của nhà văn Lê Văn Trương thì không "câu khách", mà chỉ thấy ông vô cùng trân trọng một giọng văn mới, một tài năng văn chương đã xuất hiện: "Giữa lúc người ta đang đắm mình trong những chuyện tình mơ mộng và hùa nhau "phụng sự" cái thị hiếu tầm thường của độc giả, ông Nam Cao đã mạnh bạo đi theo một lối riêng, nghĩa là ông không thèm đếm xỉa đến cái sở thích của độc giả. Những sắc cạnh của tài ông đã đem đến cho văn chương một lối văn mới sâu xa, chua chát và tàn nhẫn, thứ tàn nhẫn của con người biết tin ở tài mình, ở thiên chức của mình".

Các nội dung tiếp theo của lời tựa này là khẳng định Nam Cao không hạ mình bắt chước ai, dám bước vào làng văn bằng cái riêng "sắc cạnh" độc đáo, đem đến văn đàn một mỹ cảm mới. Đồng thời Lê Văn Trương tin Nam Cao là một văn tài nếu cứ giữ được cái "sắc cạnh" ấy mãi. Đặc biệt, lúc đó Lê Văn Trương đã nổi tiếng rực rỡ ở văn đàn, nhưng ông vẫn chân thành với tấm lòng liên tài: "Tôi sung sướng viết mấy dòng này để giới thiệu ông với độc giả". Tôi đồ rằng, không chỉ người viết lời tựa sung sướng, mà tác giả truyện ngắn cũng trào dâng sung sướng. Lời tựa của nhà văn Lê Văn Trương cho truyện ngắn "Đôi lứa xứng đôi" còn mang tính phát hiện, dự báo một tài năng văn chương Nam Cao.

2. Bây giờ, cũng có nhiều nhà văn giữ được tấm thịnh tình liên tài và dành cho bạn văn những lời chân thành, trân trọng.

Đây là quyển sách tập hợp hơn 50 bài tựa sách do Nguyễn Hiến Lê viết cho sách của ông và sách của bạn bè thân quen do ông Nguyễn Hiền Đức sưu tầm được.

Năm 2023, nhà văn Nguyễn Một in tiểu thuyết "Từ giờ thứ 6 đến giờ thứ 9" và được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Lời tựa của nhà văn Tạ Duy Anh, mở đầu là: "Không theo con đường của hai tiểu thuyết ‘Đất trời vần vũ’ và ‘Ngược mặt trời’ với lối viết huyền ảo, Nguyễn Một, quay trở lại với mảnh đất hiện thực của riêng mình, kiên nhẫn đào sâu hơn xuống những tầng vỉa mới của sự phi lý gây nên bởi chiến tranh. Câu chuyện dàn trải, nhiều tuyến nhân vật, nhiều sự kiện đan cài, nhiều số phận, nhiều góc nhìn, nhiều nỗi đau buồn, nhiều sự vu vơ… và nếu chỉ xét riêng về chuyện này, trên bề mặt hình thức, Nguyễn Một không trình ra được điều gì lạ lẫm, so với các tác giả khác và so cả với chính anh, về mảng đề tài này".

Một lời tựa điềm tĩnh, và chân tình nói với bạn rằng, bạn đã "kiên nhẫn đào sâu hơn xuống những tầng vỉa mới của sự phi lý gây nên bởi chiến tranh" nhưng cũng rất bản lĩnh nói: "xét riêng… về hình thức" thì Nguyễn Một "không trình ra được điều gì lạ lẫm" so với đồng nghiệp và chính Nguyễn Một. Ở phần sau, Tạ Duy Anh khen Nguyễn Một: "… chủ động xóa nhòa giữa hiện thực và hư cấu. Hiện thực giống như bịa, trong khi thứ tưởng bịa lại là hiện thực. Cứ thế nó đưa mỗi bạn đọc vào cuộc chiến của riêng mình…". Tôi nghĩ: nhà văn chẳng mấy ai "xóa nhòa hiện thực và hư cấu" đâu. Tạ Duy Anh không véo von khen lấy được, mà vẫn là điềm tĩnh, chân thành.

Năm 2009, nhà thơ Lê Quang Sinh in tập thơ chọc lọc sau 30 năm nhọc nhằn sáng tạo chữ nghĩa. Ông được nhà thơ Hữu Thỉnh đề tựa chân tình như một người anh đi trước nghĩ về thơ của một đứa em, khuyên em một cách chân thành: "Còn nhớ một ngày đang trôi trên phà Rạch Miễu (Bến Tre), tôi nói thơ Sinh nên ngắn lại. Trước sông Tiền vạm vỡ, từ nghìn vạn cây số chảy về, tại sao tôi lại nói câu ấy? Tôi nói thế trước hết là nói với mình...". Sau đó, ông nhận xét: "Thơ Lê Quang Sinh đậm về cảm. Mà cảm thì cũng vô cùng hóa hóa sinh sinh. Hơn nữa thơ không chỉ có cảm. Cảm là giao hòa, nhưng từ giao hòa đến đặc sắc, cần phải có cái riêng. Và ở đây, may mắn đã đến với Sinh…". Đúng là Hữu Thỉnh thi sĩ đề tựa cũng tràn ngập tâm hồn thi sĩ.

3. Trong đời sống văn chương hiện nay, nhiều nhà văn, nhà thơ in sách muốn có đề tựa của bạn nghề. Một số cây bút trẻ cũng mong muốn đàn anh "có vài lời ở đầu sách". Viết hay không, và nếu viết thì viết như thế nào cũng muôn nỗi trần ai.

Viết thì phải đọc, phải nghiền ngẫm, phải dụng công viết để lôi được hồn vía tác phẩm, để lảy ra cái riêng của tác giả… Nhưng, đôi khi lực bất tòng tâm. Bạn văn muốn thế này, mà mình lại đề tựa thế kia, thế là trật lấc; cuối cùng làm khó cho cho tác giả và cũng làm khó cho cả mình. Đôi khi viết, tâm lý yêu quý nhau trỗi dậy, vô tình kê cao bạn mình hơn giá trị đích thực, dành cho nhau những lời nhận xét, đánh giá nồng nhiệt… thế là mang tiếng "cánh hẩu" khen nhau bốc giời. Đề tựa tác phẩm của bạn bằng tấm lòng chân thành, nhưng kết quả lại ngoài ý muốn. Cũng là nỗi trần ai ai biết cho ai?!

Còn không viết đồng nghĩa với từ chối thì phải có lý do. Thôi thì trăm ngàn "nghệ thuật chối từ" được huy động: "Dạo này bận quá. Mắt mờ yếu lên độ, cứ đọc vài trang là chảy nước mắt". "Dạo này đang ưu tiên cho viết tiểu thuyết, không muốn thời gian và cảm xúc cắt vụn ra…". Nhưng có một lý do không viết bởi tình thâm chưa đến độ, văn chương không đến tầm, biết chắc giá trị văn chương người nhờ vả rất "khiêm tốn"; hoặc sáng tác cũng ổn, chỉ có điều không thuộc "gu", không cùng mỹ cảm. Tôi đã từng nghe bạn văn rào đón rằng: "Tớ vừa viết lời tựa cho một tập thơ, thế nào sách ra nó cũng tặng bạn. Bạn đọc chớ có cười tớ viết nhé".

Sách ra, tôi được tặng thật, đọc mới biết họ là chỗ bằng hữu chơi với nhau đã lâu. Quý nhau, muốn có bút tích và kỷ niệm bằng một lời tựa. Chất lượng tập thơ cũng bình bình thôi, nhưng đề tựa cố đưa vào vài kỉ niệm cuộc đời, cố lựa lấy chỗ được, chỗ hay nhất mà viết, rồi để không làm mất lòng nhau, cuối cùng hạ một câu: "Vượt lên trên tất cả là một tấm lòng thơ chân thành của tác giả cả đời sống chết với thơ". Cũng là khen, khen tấm lòng người làm thơ. Thì cũng là một cách đề tựa lịch lãm. Người viết lời giới thiệu không khen lấy được, không viết bằng mọi giá.

Ở phía ngược lại, có tác giả dở khóc dở cười khi nhận được bài giới thiệu của bạn văn. Người đề tựa không mặn mà với kiểu văn chương ấy, hoặc lười đọc, cứ phán chung chung, vô thưởng vô phạt. Bài viết khơi khơi chẳng ăn nhập gì tác phẩm, chả liên quan gì tác giả. Cái tình không có mà cái lý càng không, trót nhờ vả rồi, nhưng in không được mà bỏ không xong.

Có tác giả khổ sở, phát ngượng khi nhận được lời tựa của bạn văn, của bậc đàn anh khen véo von, vống vót. Bỏ không in thì mất bạn mất bè, mất anh mất em, mà in thì bị bạn nghề và độc giả chê cười.

Lại có tác phẩm văn chương, lời giới thiệu không phải là bạn văn mà là một vị quan chức lớn. Quan chức lớn đề tựa cũng chẳng sao nếu vị quan ấy yêu văn chương và có mỹ cảm nghệ thuật, chịu khó đọc tác phẩm trước khi thủ bút. Nhưng, tác phẩm in rất đẹp, mở ra chưa đọc đã thấy công phu dàn trang, bố cục sách, mà đề tựa chẳng ăn nhập gì với tác phẩm, tác giả. Lợi bất cập hại. Đúng là đề tựa muôn nỗi trần ai.

Đời nhà văn, ra được tập sách ưng ý lại có đề tựa hay thật quá hiếm hoi!

Sương Nguyệt Minh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/viet-loi-tua-vinh-du-tri-am-hay-muon-noi-tran-ai--i727926/