Viêm da dị ứng, bệnh nhỏ gây phiền

Nghĩ rằng da bị nổi mẩn đỏ, ngứa… đơn giản có thể tự chữa trị ở nhà khiến tình trạng diễn biến xấu. Có bệnh nhân còn bị nhiễm trùng nặng do dùng các loại thuốc gia truyền, thuốc dân gian rao bán trên mạng…

Bệnh nhân bị dị ứng vì tiếp xúc với xi măng đến điều trị tại Bệnh viện Da liễu tỉnh

Chủ quan và tự chữa

Anh Đ.V.Q. một thợ nề từ Quảng Bình lặn lội vào Bệnh viện (BV) Da liễu Thừa Thiên Huế khám vì dị ứng da nghiêm trọng. Bằng mắt thường có thể thấy cơ thể anh nổi nhiều đám mẩn ngứa, có nơi đã nhiễm trùng thành vết thương. Do đặc thù nghề nghiệp thường xuyên tiếp xúc với xi măng, cát bụi, cộng thêm thời tiết nắng nóng khiến bệnh anh Q. diễn tiến trầm trọng. Sau khi thăm khám, tư vấn, bác sĩ cho anh đi làm các xét nghiệm chuyên sâu mới đưa ra phác đồ điều trị hợp lý. Anh Q. chia sẻ: “Tuy là bệnh ngoài da nhưng nó gây cảm giác khó chịu và kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống và công việc hàng ngày. Sau khi đến các phòng khám tư và uống thuốc không khỏi, tôi quyết định khăn gói tìm một bệnh viện chuyên sâu mong điều trị dứt điểm”.

P.T.L, một học sinh lớp 12 ở Phú Lộc bị dị ứng cơ địa hai tháng qua. Mỗi lần giao thời mưa nắng, khắp người em nổi mẩn ngứa và đau nhức khó chịu. Hai tuần nay, mẹ con em khăn gói lên thành phố đến BV Da liễu điều trị. Bà L.T.C. mẹ L. nói rằng, mỗi lần thấy con ngứa ngáy ăn không ngon, ngủ không yên bà thấy xót cả ruột. Ban đầu cứ nghĩ con vướng sâu hay gặp gió nên chủ quan bôi dầu, tắm lá. Đến khi các đợt phát ban diễn ra ngày càng nhiều hơn, đến trạm y tế uống thuốc không khỏi, bà mới quyết định đưa con đến bệnh viện.

Tương tự mệ P.T.Đ. ở Quảng Điền bị dị ứng loét nặng ở chân. Hơn một tuần nằm nội trú tại BV Da liễu, vết thương đã tạm ổn, chờ ngày xuất viện. Mệ Đ. cho hay: “Thi thoảng, tui cũng bị ngứa như ri nên khi các vết mẩn xuất hiện tui dùng các loại lá dân gian giã, đắp cho đỡ, ai ngờ nhiễm trùng ngày càng nhiều. Đến khi lên khám bác sĩ bảo phải nhập viện. Cũng may hàng ngày được chăm sóc vết thương và uống thuốc. Thiệt lỡ một lần chơ bận sau đau ốm chi tui đi khám bác sĩ cho yên tâm”.

Theo BSCKI. Nguyễn Thị Liên Hồng, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Da liễu tỉnh: “Thời điểm này, gia tăng nhiều bệnh da liễu liên quan đến thời tiết nắng nóng. Trẻ nhỏ thì bị chốc nhọt, nhiễm trùng da. Người lớn có bệnh mãn tính chàm, viêm da dị ứng, nhất là các nghề tiếp xúc với hóa chất. Phần lớn các bệnh về da thường có triệu chứng tái phát. Qua khám, nhiều bệnh nhân báo tự chữa theo phương pháp dân gian, gia truyền do nghĩ rằng bệnh này không nguy hiểm. Khi đến bệnh viện, bệnh chuyển qua giai đoạn nặng nên điều trị mất thời gian hơn”.

Mùa hè, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị vì các bệnh về da liễu liên quan đến nắng nóng kéo dài tăng 15 - 20% so với trước đây. Bình quân mỗi ngày, có 150 - 200 bệnh nhân trong, ngoài tỉnh đến thăm khám, đa phần do những bệnh lý nhiễm khuẩn trên da.

Bệnh liên quan đến dị ứng ngày càng tăng

Tiết trời nắng nóng cũng là nguyên nhân góp phần gây nên dị ứng da khi dùng các loại mỹ phẩm chống nắng, dưỡng ẩm, kích trắng da. Hầu như tuần nào, Khoa Ngoại Lazer thẩm mỹ tại BV Da liễu cũng tiếp nhận bệnh nhân bị kích ứng da dạng này.

Trong thành phần đến điều trị dị ứng do mỹ phẩm, nữ giới chiếm phần lớn. Đặc biệt, lứa tuổi vị thành niên chưa nhận thức đầy đủ hoặc xem trên mạng, truyền tai nhau đặt mua dùng thử. Biểu hiện rõ nhất là da ửng đỏ, xuất hiện các mạch máu, rấm rứt, nóng rát, bong tróc, lên mẩn nước, mủ...

Các bác sĩ đang điều trị ngoại trú một trường hợp sử dụng rượu thuốc có ethanol mạnh gây lột da. Với việc dùng loại rượu thuốc không rõ nguồn gốc này có người da đẹp hơn song đó chỉ là biểu hiện trên bề mặt, phần sâu dưới da không kích thích sản sinh, về lâu dài, da nhanh bị lão hóa hơn. Có trường hợp nhiễm độc chì kéo dài rất khó chữa trị.

BS. Lê Thị Kiều Phương, Phó Trưởng khoa Ngoại Lazer thẩm mỹ, BV Da liễu tỉnh thông tin: “Kích ứng da do thuốc rượu thì cần điều trị nội trú trên dưới 1 tuần. Sau đó, tái khám theo dõi để điều trị dứt điểm. Tình trạng mặt bị nhiễm độc chì điều trị vài tháng đến 1 năm”. “Khi dùng mỹ phẩm, trước hết phải hiểu tình trạng da. Da mỗi người cần gì, trong những giai đoạn khác nhau dùng các loại mỹ phẩm khác nhau. Do đó, mỹ phẩm sử dụng phải rõ nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo phù hợp; tần suất bôi thoa cũng không được lạm dụng mà phải theo chỉ định”, BS Phương lưu ý.

Theo BSCKI. Nguyễn Đắc Hanh, Giám đốc BV Da liễu tỉnh, hiện đơn vị tiếp nhận nhiều bệnh nhân viêm da dị ứng, kể cả trẻ em lẫn người lớn. Công suất giường bệnh thời điểm này đạt 90 - 100%. Trong hoạt động khám, chữa bệnh ngoại trú, lượng bệnh nhân mắc các bệnh về da liên quan lĩnh vực dị ứng ngày càng tăng. Số liệu khám, chữa bệnh giai đoạn hiện nay cho thấy, tỷ lệ các bệnh khó điều trị dứt điểm ngày càng tăng, liên quan đến các nhóm bệnh thuộc lĩnh vực bệnh da miễn dịch, dị ứng, tự miễn. Đây là các nhóm bệnh (viêm da cơ địa, vảy nến, Luput ban đỏ, Pemphigus…) gây ra nhiều biến chứng, điều trị suốt đời, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống về lâu dài.

Dị ứng cơ địa tuy là bệnh ngoài da song có nhiều nguyên nhân, nếu không điều trị đúng phương pháp sẽ ảnh hưởng nhiều đến cơ thể, có thể dẫn đến biến chứng nặng nếu không được chăm sóc đúng cách. Theo các chuyên gia y tế, khi xuất hiện tình trạng viêm, dị ứng da, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn… Bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ điều trị và phối hợp chặt chẽ với bác sĩ thì việc điều trị mới hiệu quả.

Bài, ảnh: LINH TUỆ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/y-te-suc-khoe/viem-da-di-ung-benh-nho-gay-phien-131796.html