Việc đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù được quy định như thế nào?

Bạn đọc Lê Mạnh Cường ở thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, việc đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 11 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17-4-2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng. Cụ thể như sau:

1. Người chấp hành xong hình phạt tù tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 03 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Trường hợp người chấp hành xong hình phạt tù không thuộc đối tượng hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật, ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng này.

2. Người chấp hành xong hình phạt tù được vay vốn đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; được vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, được ưu tiên đăng ký tham gia chính sách việc làm công theo quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

Căn cứ tình hình kinh tế-xã hội của địa phương, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu ủy ban nhân dân cấp tỉnh sử dụng các nguồn tín dụng khác để hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với người chấp hành xong hình phạt tù để phát triển sản xuất, tạo việc làm.

3. Người chấp hành xong hình phạt tù dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm; trẻ em chấp hành xong hình phạt tù được thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật.

4. Căn cứ nhu cầu của người chấp hành xong hình phạt tù và thực tiễn thị trường lao động, trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho người chấp hành xong hình phạt tù; theo dõi, báo cáo tình trạng việc làm của người chấp hành xong hình phạt tù do trung tâm giới thiệu với cơ quan quản lý nhà nước về dịch vụ việc làm.

* Bạn đọc Phạm Thị Khánh ở xã Long Khánh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động khi lao động là người giúp việc gia đình?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 165 Bộ luật Lao động hiện hành. Nội dung cụ thể như sau:

1. Ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình.

2. Giao việc cho người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động.

3. Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động.

QĐND

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/viec-dao-tao-nghe-nghiep-tao-viec-lam-cho-nguoi-chap-hanh-xong-hinh-phat-tu-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-769497