Việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính còn rườm rà, mất nhiều thời gian

Nhìn chung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính khá đầy đủ, minh bạch. Tuy nhiên, còn một số quy định trong thực tiễn không đạt hiệu quả, thủ tục còn rườm rà, mất nhiều thời gian chờ các cấp có thẩm quyền xét duyệt.

Đây là ý kiến của Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Điểu Huỳnh Sang gửi đến Ban soạn thảo khi thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính vào sáng nay 22-10.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh và lãnh đạo văn phòng đoàn tham dự phiên thảo luận trực tuyến sáng 22-10

Các đại biểu Quốc hội tỉnh và lãnh đạo văn phòng đoàn tham dự phiên thảo luận trực tuyến sáng 22-10

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Điểu Huỳnh Sang dẫn chứng, quy định muốn đưa người nghiện vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc, thủ tục phải qua các ngành như: Y tế, Công an, Lao động Thương binh và Xã hội, Tư pháp và cuối cùng phải có quyết định của Tòa án. Trong thủ tục yêu cầu thông báo cho đối tượng nghiện ma túy biết về việc lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, một số đối tượng sau khi biết tin vì không muốn đi cai nghiện đã bỏ trốn, đối phó, gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng. Việc quy định giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với đối tượng nghiện ma túy trên thực tế lại không hiệu quả, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Từ thực tiễn đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại các thủ tục áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, giúp cho công tác thi hành Luật đạt hiệu quả.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo xem xét nênquy định quản lý “thống nhất chế độ báo cáo, mẫu báo cáo, thống kê dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính và biểu mẫu sử dụng trong công tác xử lý vi phạm hành chính”. Quy định này nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, chặt chẽ và thống nhất trong hoạt động quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cũng như đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, tránh chồng chéo, bất cập khi thực hiện đối với công tác này.

Liên quan đến quy định tại Điều 126 là hết thời hạn 1 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng thời hạn ra quyết định tịch thu tang vật không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp sau hơn 1 năm kể từ ngày tạm giữ là quá dài. Điều này không phù hợp đối với những tang vật là hàng hóa dễ hư hỏng vì khó bảo quản và hết hạn sử dụng đối với nhiều hàng hóa là thực phẩm.

Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét rút ngắn thời hạn ra quyết định tịch thu đối với nhóm tang vật không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp là những tang vật dễ hư hỏng để đảm bảo việc bảo quản và xử lý tang vật.

Trần Thể

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/viec-ap-dung-cac-bien-phap-xu-ly-hanh-chinh-con-ruom-ramat-nhieu-thoi-gian-58713