Vị Tết 'Huế' nơi cuối trời Tổ quốc

Cà Mau, tuy xa xôi nhưng vẫn có rất nhiều người ở khắp mọi miền Tổ quốc về khai khẩn, lập nghiệp. Tại xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, Cà Mau có nhiều người dân miền Trung vào bám trụ tới nay. Đã hơn nửa thế kỷ qua đi, văn hóa của bà con đã có nhiều giao thoa. Tuy nhiên, những con người miền Trung vẫn giữ được những nét văn hóa riêng.

Chúng tôi ghé thăm nhà ông Huỳnh Văn Dũng (Ba Dũng) những ngày cận Tết. Người đàn ông 78 tuổi đang chăm tỉa mấy cây mai trước nhà để chúng kịp nở rộ dịp Tết này. Giọng ông Dũng đã pha lẫn Nam bộ nhưng chất Quảng vẫn còn, người nghe dễ nhận ra ông không phải người gốc địa phương.

Ông Dũng kể, gia đình ông và nhiều người khác gốc Quảng Nam, Đà Nẵng về địa phương ở năm 1957. Họ ở tập trung thành 1 khu vực, cũng từ đó mà “Xóm Huế” ra đời.

Ông Ba Dũng và nhiều người gốc miền Trung ở xã Tân Dân chuẩn bị mai vàng để đón Tết.

“Huế” là từ người dân địa phương gọi chung những người dân ở miền ngoài di cư vào lập nghiệp. Ngày xưa nó mang nghĩa kỳ thị rất nặng nề, có cả những trận ẩu đả chỉ vì bị gọi là Huế. Thủa ban đầu khai phá khó khăn nên các gia đình người Quảng phải đi làm mướn cho các gia đình bản địa kiếm sống. Những nét văn hóa bắt đầu giao thoa, mọi người ngày càng gần gũi. Nghĩa của từ “Huế” nhạt dần, còn tình nghĩa giữa dân bản địa và dân xứ người ngày càng gắn bó, thể hiện rõ nhất trong mỗi dịp Tết cổ truyền đến.

Dân ta thường nói đến “Tết sum vầy”, “Tết sẻ chia”. Đối với người dân bản địa hay người “Huế” ở Tân Dân thì cũng vậy. Những hộ gia đình thân tình, cận Tết họ cũng sẻ chia với nhau. Hộ gốc người miền Nam tặng người miền Trung đòn bánh Tét, người miền Trung trao lại người bạn tốt mấy cái bánh Đa (bánh tráng). Để rồi, không ai biết từ khi nào Tết của các gia đình người dân xứ Quảng nơi đây nhà nào cũng có nồi thịt kho tàu, những đòn bánh Tét, mứt dừa,… rặt chất Nam. Gia đình ông Ba Dũng hay bất kỳ gia đình gốc Quảng nào đều chuẩn bị những cây Mai vàng chơi Tết.

Ông Ba Dũng bảo rằng, nhập gia tùy tục, tuy nhiên, những nét văn hóa truyền thống cốt yếu vẫn được người dân gốc Quảng giữ lấy cho riêng mình. Ngày 25 tháng Chạp họ vẫn có mâm cơm cúng đưa ông bà đi chơi, rồi đến ngày 30 lại có mâm cúng rước về. Đặc biệt, phong tục đi từng nhà chúc Tết vẫn được thực hiện.

"Ngày Tết, người miền Trung mình thường đi đến chúc Tết nhau. Trước tiên là chúc Tết cha mẹ, rồi anh em ruột thịt, sau đó đến bà con lối xóm. Đi tới ngày mùng 3 mùng 4 luôn, đến nhà nói chuyện Tết nhất rồi chúc qua chúc nhau lời tốt đẹp. Anh em hay con cháu thì chúc sang năm mới dồi dào sức khỏe, bình yên, người tuổi già là hưởng thêm một tuổi nữa như ý của mình vậy đó" - Ông Ba Dũng bày tỏ.

Chúc Tết là phong tục chung của người Việt nhưng cách chúc nhau thì có sự khác biệt. Tết đến nhà ai những người dân xứ Quảng ở xã Tân Dân vẫn đọc vang lớn những lời chúc tốt đẹp từ ngoài ngõ vào nhà. Bên cạnh những lời chúc thông thường được dùng như ông Ba Dũng đã nêu, bà con còn trao đến nhau những lời chúc đậm chất kinh tế địa phương và rất dân dã như: “nuôi tôm trúng tôm, nuôi cua được cua, nuôi sò trúng sò, nuôi con gì trúng con đó”; “tiền đầy túi, tình đầy tim, may mắn đầy mình”, là những lời chúc đong đầy niền vui cho những bạn trẻ. Nét văn hóa này vẫn được con cháu đời thứ 4 của những người gốc miền Trung vào lập nghiệp thực hiện và đó là “món ngon tinh thần” không thể thiếu trong ngày Tết.

Mặc dù văn hóa đã có nhiều giao thoa nhưng nhiều người gốc xứ Quảng ở Tân Dân vẫn giữ được nét văn hóa riêng.

Hay như gia đình ông Trịnh Văn Thư (Năm Thư), trước khi Tết đến, những người con ở gần đều mang “thớt thịt” đến để vợ chồng ông làm cơm cúng tổ tiên. Chỉ là “thớt thịt” ngày nay không còn là 1 cục thịt heo như thời nhiều khó khăn khi xưa nữa mà nó đa dạng hơn rất nhiều.

Ông Năm Thư giải thích: "Nét đặc trưng của người miền Trung, Tết trước hết là lo chỗ thờ cúng ông bà tổ tiên phải trang nghiêm, sạch sẽ. Tất cả mọi thứ trên bàn thờ đều phải sạch sẽ. Mấy đứa nhỏ ở gần thì về trước Tết, mua bánh, thịt đến cúng? Bà con không gọi cục thịt mà kêu là thớt thịt. Tụi nó thường nói, bữa nay vợ chồng con về có thớt thịt để ba má cúng ông bà. Nó là một cục thịt heo, còn có đứa thì mang con vịt hoặc con gà hay trái cây đều được".

Khoảng thời gian 1957 – 1958, chỉ có vài chục hộ dân xứ Quảng vào ở ấp Tân Phú, Tân Hiệp (xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi) lập nghiệp. Giờ đây, con cháu họ đã ở rải rác khắp địa bàn xã và chiếm khoảng 20% trong gần 1500 hộ dân của xã. Đức tính cần cù vẫn được họ giữ lấy, cách tiết kiệm hiệu quả vẫn được họ thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Quận, Chủ tịch UBND xã Tân Dân cho rằng: "Bà con miền Trung trên địa bàn xã Tân Dân luôn giữ bản chất, đầu tiên là đức tính cần cù, chịu khó cùng với tinh thần tiết kiệm nên hầu hết kinh tế bà con khá, giàu. Chuyện cho con cái học tập cũng rất được quan tâm, thực hiện rất tốt. Qua đó, góp phần chung vào sự phát triển của xã. Mặc dù cũng có xen lẫn với cái người Nam nhưng nét văn hóa của người miền Trung hiện nay vẫn có những đặc trưng. Những nề nếp phong tục, tập quán trong gia đình, bà con vẫn thực hiện theo nghi thức của của người miền Trung".

Con kênh Tân Hiệp ngày xưa được xẻ, chia cách người dân bản địa một bên và người dân xứ Quảng vào xã Tân Dân lập nghiệp một bên. Thế nhưng nay thì nhiều cây cầu bê tông trên tuyến kênh đã xóa khoảng cách địa lý, cái tình đã xóa khoảng cách lòng người. Dù vậy, bà con người miền Trung vào lập nghiệp vẫn có chất riêng. Họ vẫn giữ được những nét văn hóa, phong tục tốt đẹp đặc trưng của ông cha, không chỉ trong việc thờ cúng ông bà, cách chúc Tết nhau mà còn cả trong ẩm thực. Bánh Đa, mì Quảng vẫn là những món ăn rất riêng trong ngày Tết của nhiều người dân đất Quảng ở xã Tân Dân./.

Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/vi-tet-hue-noi-cuoi-troi-to-quoc-post997160.vov