Vì sao vắc xin phòng sốt xuất huyết khó sản xuất?

Với gần một nửa dân số thế giới có nguy cơ bị nhiễm bệnh, virus sốt xuất huyết là loại virus lây truyền qua động vật chân đốt có nguy hiểm lớn đối với con người. Mặc dù được coi là 'vũ khí' quan trọng phòng bệnh, nhưng quá trình sản xuất vắc xin sốt xuất huyết lại vấp phải không ít khó khăn.

Bất chấp nhiều nỗ lực trong nhiều thập kỷ, thế giới chỉ có một loại vắc xin sốt xuất huyết duy nhất được cấp phép ở nhiều quốc gia, nhưng những hạn chế và điều kiện sử dụng vắc xin này đã cản trở việc sử dụng vắc xin. Việc phát triển một loại vắc xin khả thi chống lại virus sốt xuất huyết nảy sinh sự khó khăn vì mầm bệnh thực sự có tới bốn loại virus và loại huyết thanh khác nhau. Trừ khi vắc xin có tác dụng bảo vệ chống lại cả bốn loại, nếu không vắc xin có thể gây hại nhiều hơn là có lợi.

Người nhiễm sốt xuất huyết sẽ nhiễm một trong bốn chủng của vi rút dengue là Den-1, 2, 3 và 4. Người nhiễm chủng vi rút nào sẽ có miễn dịch suốt đời với nó, nhưng không thoát được nguy cơ nhiễm ba chủng còn lại. Tệ hơn, người mắc sốt xuất huyết lần hai sẽ có các biến chứng nặng hơn lần đầu. Trên thực tế, một người có thể bị sốt xuất huyết đến bốn lần trong đời. Với loại vắc xin sốt xuất huyết hiện nay, có thể ngăn nguy cơ cơ thể trở nặng khi mắc sốt xuất huyết song không giảm lây nhiễm.

Quá trình sản xuất vắc xin phòng sốt xuất huyết khó khăn vì khó có thể chống lại cả 4 chủng loại virus.

Sathyamangalam Swaminathan - Nhà virus học ở Delhi (Ấn Độ) nhận định rằng "con đường tạo ra vaccine sốt xuất huyết rất khó khăn". Các điều kiện cần có trong vắc xin: Có khả năng miễn dịch lâu dài với 4 loại huyết thanh của virus, bất kể tuổi tác và tình trạng nhiễm trùng; phải có khả năng chống lại các triệu chứng lâm sàng của bệnh; ngăn chặn sự lây lan của 4 loại huyết thanh. Ngoài ra, vắc xin cũng cần loại bỏ nguy cơ sốt xuất huyết trở nặng.

Neelika Malavige làm việc tại tổ chức Sáng kiến về thuốc (Geneva, Thụy Sĩ) cho biết mối liên hệ giữa khả năng bảo vệ và biểu hiện của hệ miễn dịch cơ thể chưa được làm rõ, ví dụ tế bào T giúp kiểm soát virus song cũng gây phản ứng chéo, làm tăng mức độ nặng của bệnh. Tức là, khả năng sinh miễn dịch không đồng nhất với hiệu quả của vắc xin.

Các nhà nghiên cứu đang xem xét về phản ứng của tế bào T trong mối tương quan với hệ miễn dịch. Việc này cũng gặp khó khăn khi xác định cường độ tế bào phản ứng, tính đặc hiệu của tế bào liên quan tới khả năng bảo vệ, không có xét nghiệm chuẩn hóa để đo lường. Thách thức tiếp theo là vắc xin không hiệu quả đồng nhất với 4 loại huyết thanh, nguy cơ mắc còn cao. Do đó, gánh nặng sức khỏe cộng đồng do sốt xuất huyết vẫn tồn tại trong thời gian dài.

Trong số các ứng viên vắc xin đang thử nghiệm, một ứng viên có hiệu quả hơn với tuýp DENV-2 và không có hiệu quả ngừa DENV-3; ứng viên khác có hiệu quả kém đối với DENV-2 song có nhiều hứa hẹn hơn. Nhiều chuyên gia đánh giá còn quá sớm để kỳ vọng vào khả năng bảo vệ kéo dài của các loại vắc xin này.

Dengvaxia (CYD-TDV) là loại vắc-xin phòng sốt xuất huyết đầu tiên được cấp phép lưu hành

Hiện nay, trên thế giới đã có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết Dengvaxia (CYD-TDV). Theo thông tin của Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO), hiệu quả của vắc xin này trong việc bảo vệ cơ thể khỏi virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm độ tuổi, số lần tiêm và loại virus Dengue đang lưu hành trong khu vực. Vắc xin Dengvaxia thực chất là vắc xin vector, sử dụng một loại virus không gây bệnh để chứa và truyền gen của virus sốt xuất huyết. Khi tiêm vắc xin vào cơ thể, gen của virus sốt xuất huyết sẽ kích thích hệ miễn dịch sản xuất kháng thể chống lại virus này.

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vi-sao-vac-xin-phong-sot-xuat-huyet-kho-san-xuat-post280107.html