Vì sao UBND tỉnh Hà Nam chưa thực thi chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?

Dư luận đang đặt ra câu hỏi về tính thực thi nghiêm minh chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với UBND tỉnh Hà Nam khi để xảy ra vụ khiếu kiện kéo dài cả chục năm của gia đình bà Nguyễn Thị Nhàn ở thôn Bồng Lạng, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, mặc dù đã có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nay là Thủ tướng Chính phủ. Trong khi UBND tỉnh Hà Nam chưa thực hiện và báo cáo kết quả theo yêu cầu của Chính phủ thì mới đây bà Nhàn lại tiếp tục gửi đơn tố cáo thanh tra một đằng, kết luận một nẻo đối với ông Trần Hữu Lợi, Phó Cục trưởng Cục 1, Thanh tra Chính phủ, Trưởng đoàn thanh tra giải quyết khiếu nại cho gia đình bà Nhàn. Không biết vụ việc bao giờ mới kết thúc?

Diện tích 6.000m2 đất giáp sông Đáy của gia đình bà Nhàn từng nằm trong khu vực này, được sử dụng từ năm 1975, dùng làm bãi tập kết, chế biến đá và làm trụ bê tông phục vụ đưa đá xuống phương tiện thủy./.

Khởi nguồn từ thu hồi đất

Sự việc được khởi nguồn từ quyết định thu hồi và giao đất của UBND tỉnh Hà Nam cho Cty TNHH Xuân Thành xây dựng Nhà máy Xi măng Xuân Thành, tại thôn Bồng Lạng, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm từ năm 2008.

Ngày 18/09/2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nay là Thủ tướng Chính phủ, có văn bản số 7300, giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, kết luận và có biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu nại của gia đình bà Nguyễn Thị Nhàn. Ngày 24/10/2013, Tổng Thanh tra Chính phủ có Quyết định số 2455 thành lập Đoàn thanh tra do ông Trần Hữu Lợi, Phó Cục trưởng Cục 1 làm Trưởng đoàn.

Căn cứ kết quả xác minh, đoàn thanh tra thông báo vụ việc với gia đình bà Nhàn như sau: Một, đối với diện tích 908m2 đất ở, cụ Nguyễn Thành Loan, bố bà Nhàn nhận chuyển nhượng của cụ Huỳnh Văn Hóa năm 1975, Chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ Nguyễn Thị Cừu, vợ cụ Nguyễn Thành Loan. Bà Nhàn và gia đình nhất trí với kết quả xác minh của đoàn thanh tra.

Hai, đối với diện tích 6.000m2 đất giáp sông Đáy. Đây là diện tích đất lưu không, nằm ngoài đê bao sông Đáy, trước đây các hộ xã viên khai thác đá tự san lấp để làm bãi tập kết, chế biến đá và làm trụ bê tông phục vụ việc đưa đá xuống phương tiện thủy. Không có tài liệu chứng minh chính quyền địa phương cấp diện tích đất này cho cá nhân hay hộ gia đình nào quản lý, sử dụng. Bà Nhàn cho biết, gia đình bà đã sử dụng diện tích này từ năm 1975, trong giấy tờ mua bán giữa cụ Hóa và cụ Loan năm 1975 cũng nhắc đến diện tích đất này. Vì vậy, đề nghị đoàn thanh tra làm rõ để gia đình bà được bồi thường, hỗ trợ theo quy định sau khi bị thu hồi.

Ba, đối với diện tích đất ở Vụng Rổng 57.182m2. Qua giấy tờ mua bán của gia đình bà Nhàn, đoàn thanh tra xác định việc mua bán là có thật, nhưng do giấy tờ bị rách nên không xác định được rõ là ba sào hay ba mẫu. Tuy nhiên, khi thu hồi cơ quan chức năng đã đo đạc và công nhận diện tích đất trên là 14.399m2. Bà Nhàn cho biết, diện tích tại khu vực Vụng Rổng là 54.071m2, vì năm 1992 chính quyền địa phương giao cho gia đình bồi thường hoa màu cho các hộ dân để được sử dụng diện tích đất này (ngoài 3 mẫu trong giấy tờ mua bán).

Khu đất ở của gia đình bà Nhàn có diện tích 908m2 do Chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nay nằm giữa một vùng trời bụi không khí và tiếng ồn của Nhà máy xi măng Xuân Thành và các đoàn xe chở đá, vật liệu qua lại nườm nượp./.

Ngoài ra, tại buổi làm việc giữa đoàn thanh tra và gia đình bà Nhàn, bà Nhàn đề nghị đoàn thanh tra làm rõ việc chính quyền địa phương tiến hành cưỡng chế thu hồi đất tại khu vực giáp sông Đáy khi chưa được kiểm kê, sớm giải quyết khu vực nhà thờ và 3 ngôi mộ cùng đồ thờ cúng cho gia đình bà đã bị cưỡng chế, di dời, làm rõ số tiền 63.248.633 đồng chi phí khảo sát, thiết kế, lập dự toán đường điện cho Cty TNHH Đại Xuân, làm rõ việc cưỡng chế đất tại khu vực Vụng Rổng khi chưa kiểm kê xong tài sản trên đất, chưa thực hiện tái định cư đã cưỡng chế, làm rõ việc bắt, đánh, giam giữ, truy tố, xét xử các con cụ Cừu không có lý do…

Thanh tra Chính phủ có giải quyết triệt để vấn đề?

Ngày 4/7/2014, Thanh tra Chính phủ có báo số1559 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, xác minh khiếu nại của bà Nhàn, trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Hà Nam thực hiện: hủy bỏ biên bản xác định nguồn gốc đất lập ngày 21/09/2009 của Hội đồng BT, HT và TTĐC huyện Thanh Liêm và Báo cáo số 154 của UBND tỉnh Hà Nam. Chỉ đạo huyện Thanh Liêm kiểm tra, xác định lại khối lượng đất, đá mà gia đình bà Nhàn đã san lấp đối với diện tích 14.399m2 tại khu vực Vụng Rổng để xem xét hỗ trợ bà Nhàn theo quy định.

Hủy quyết định cấp và giao đất tái định cư cho cụ Nguyễn Thị Cừu (đã mất), cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các con cụ Cừu theo quy định. Bên cạnh đó, UBND huyện Thanh Liêm tổ chức kiểm điểm cá nhân và tập thể UBND xã Thanh Nghị buông lỏng quản lý đất đai, ký tên, đóng dấu xác nhận không đúng vào giấy tờ mua bán đất của gia đình bà Nguyễn Thị Nhàn.

Cũng tại báo cáo này, Thanh tra Chính phủ kết luận, đối với diện tích đất 6.000m2 ven sông Đáy và 57.182m2 đất tại khu vực Vụng Rổng mà gia đình bà Nhàn sử dụng làm bãi chứa và chế biến đá là do xã Thanh Nghị quản lý, giấy bán nhà, đất ở chưa đủ cơ sở để xem xét bồi thường về đất ở đối với 14.399m2 đất nông nghiệp. UBND huyện Thanh Liêm hỗ trợ khối lượng vượt lập đối với phần đất lưu không ven sông Đáy và khu vực Hang Rổng là phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo hợp đồng khai thác lập ngày 11/03/1993 và văn bản số 1236 ngày 03/08/2012 của UBND tỉnh Hà Nam, tại khu vực Hang Rổng là đầm lầy, có độ sâu trung bình 2,85m, gia đình bà Nhàn đã đầu tư san lấp cần được hỗ trợ theo quy định.

UBND xã Bồng Lạng từng giam giữ, liêm phong bàn thờ tổ tiên dòng họ Nguyễn Hữu của gia đình bà Nhàn tại gian phòng này./.

Bà Nhàn và gia đình cực lực phản đối và không chấp nhận kết luận này của Thanh tra Chính phủ, bởi thực tế gia đình bà đã san lấp, sử dụng ổn định, liên tục, không có tranh chấp đối với 2 diện tích 6.000m2 đất ven sông Đáy và 57.182m2 đất khu Vụng Rổng trước ngày 11/03/1993 đến khi có quyết định cưỡng chế thu hồi. Theo khoản 9, Điều 8, Nghị định 197 năm 2004 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003, khi thu hồi những diện tích đất này của gia đình bà Nhàn, nhà nước phải có nghĩa vụ bồi thường về đất chứ không chỉ hỗ trợ như kết luận, kiến nghị của đoàn thanh tra Chính phủ.

Đoàn thanh tra cũng kết luận, việc cưỡng chế của UBND tỉnh Hà Nam, huyện Thanh Liêm thực hiện cơ bản theo trình tự, thủ tục quy định. Tuy nhiên, bà Nhàn và gia đình lại cho rằng, kết luận này là cẩu thả, chủ quan, không phản ánh chính xác nội dung, diễn biến của vụ việc. Trên thực tế, UBND tỉnh Hà Nam, huyện Thanh Liêm đã vi phạm hàng loạt quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện như: không công bố quy hoạch và lấy ý kiến người dân cũng như các cơ quan, tổ chức xã hội khi đầu tư dự án, không thực hiện kiểm kê tài sản trên đất công khai, minh bạch, dân chủ khi thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, xâm phạm quyền công dân, xâm phạm mồ mả, hài cốt của người bị thu hồi đất, hủy hoại tài sản, cưỡng đoạt tài sản công dân khi cưỡng chế thu hồi đất.

Bà Nhàn và gia đình có ghi lại bằng chứng bằng hình ảnh, phim tư liệu để cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền.

Ngày 23/10/2014, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục có văn bản chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Hà Nam giải quyết khiếu nại cho bà Nhàn theo kết luận và kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại văn bản 1559, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chỉnh phủ kết quả thực thi trong tháng 12/2014. Tuy nhiên, đến thời điểm này mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. Còn bà Nhàn và gia đình tiếp tục gửi đơn tố cáo ông Trần Hữu Lợi, Phó Cục trưởng Cục 1, Thanh tra Chính phủ, Trưởng đoàn thanh tra giải quyết khiếu nại cho gia đình bà Nhàn.

Hà Nam là một tỉnh tập trung nhiều các loại khoáng sản cho phát triển ngành công nghiệp xi măng, hóa chất, san lấp, vật liệu chịu lửa. Thôn Bồng Lạng, xã Thanh nghị, huyện Thanh Liêm cũng không phải là ngoại lệ khi người dân bao đời nay gắn bó với nghề khai thác đá để kiếm kế sinh nhai. Đây cũng là hoạt động phù hợp với chỉ đạo điều hành của Hội đồng bộ trưởng, lãnh đạo tỉnh Hà Nam Ninh, rồi sau này là tỉnh Hà Nam về việc phát triển làng nghề, kiến tạo công ăn việc làm cho người lao động. Chính vì vậy, việc bị thu hồi đất đối với người dân làng Bồng Lạng như đòn giáng mạnh vào cuộc sống cần lao cực nhọc, dễ bị tổn thương khi mà kế sinh nhai không còn. Dù là ai cũng không dễ gì thích nghi ngay và thay đổi được.

Báo Xây dựng tiếp tục thông tin về vấn đề này./.

Thanh Nga

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/vi-sao-ubnd-tinh-ha-nam-chua-thuc-thi-chi-dao-cua-thu-tuong-chinh-phu.html