Vì sao U22 Việt Nam 'thích' sân xấu?

Điều kiện sân bãi, luyện tập không đảm bảo nhưng thầy trò HLV Hữu Thắng vẫn phải chọn TPHCM chứ không phải Hà Nội, lý do vì sao?

Ảnh: H.A

Sau khi tu sửa, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF có 3 sân tập rất đẹp, đúng tiêu chuẩn, trong đó có một sân dành riêng cho ĐTQG hay U22 Việt Nam khi tập trung. Trong khi đó, ngoài sân Mỹ Đình còn có 2 sân tập bên cạnh, mặt sân đều mới làm lại.

So sánh sân bãi cùng điều kiện ăn ở, sinh hoạt luyện tập ở Hà Nội thì rõ ràng “một trời một vực” so với các đợt tập trung của ĐT Việt Nam mới đây lẫn U22 Việt Nam hiện nay tại TPHCM. Không có sân tập, phải tập sân xấu, di chuyển cả tiếng đi Bình Dương hay Thành Long hoặc chấp nhận cả tập sân nhân tạo dành cho phong trào…, hết lần này đến lần khác phải kêu than, rõ ràng là vô lý và nghịch lý với các ĐTQG trước mỗi giải đấu lớn.

Tập sân không đảm bảo tiêu chuẩn nên nguy cơ chấn thương luôn rình rập cầu thủ. Ảnh: H.A

Có một câu hỏi cần phải đặt ra: Tại sao bài toán thiếu sân bãi, sân xấu không mới nhưng U22 Việt Nam và VFF vẫn chọn tập trung, thi đấu vòng loại U23 Châu Á 2018 tại TPHCM?

Đầu tiên, đó là vấn đề kinh tế. Nghịch lý bao năm qua vẫn không thay đổi, khi VFF phải thuê sân Mỹ Đình mỗi khi các ĐTQG thi đấu. Chỉ riêng chi phí thuê sân và phục vụ công tác tổ chức, một giải đấu kéo dài 5 ngày như vòng loại U23 Châu Á phải mất đến hơn 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các chi phí, dịch vụ liên quan nếu tổ chức ở Mỹ Đình đều đội lên rất cao. Với VFF ở 2-3 năm gần đây thì tài chính luôn là vấn đề phải cân nhắc đầu tiên.

Chi phí đắt và đội lên cao hơn nhiều so với ở TPHCM và quan trọng, khán giả ở Hà Nội không "máu". Do sân Mỹ Đình rộng, việc mỗi trận đấu của các ĐTQG chỉ có vài ngàn khán giả khiến không khí rất loãng. Nó khác xa so với Thống Nhất, với sự cuồng nhiệt của khán giả TPHCM. Kéo được nhiều khán giả đến sân và được thi đấu giữa các khán đài đông, các cầu thủ bao giờ cũng có thêm hỗ trợ về động lực, tinh thần và chuyên môn.

HLV Hữu Thắng hơn một lần phàn nàn về chất lượng sân bãi luyện tập. Ảnh: H.A

Và ngoài việc bán vé, khán giả đông còn liên quan đến hình ảnh, truyền thông cũng như các quyền lợi liên quan mà nhu cầu của nhà tài trợ, đối tác là ví dụ.

Thậm chí, việc chọn sân Thống Nhất cũng là một phần trong toan tính… chiến thuật, dựa trên những phân tích thực tế. Bài học từ 2 trận giao hữu với U20 Argentina là minh chứng, khi trận đấu giữa U20 Việt Nam và U20 Argentina ở TPHCM, đơn vị là đối tác đứng ra cùng VFF tổ chức, khai thác thương quyền trận đấu “thắng lớn”, trong khi ra Hà Nội thì “lỗ chổng vó”. Còn về chuyên môn, trên mặt sân tiêu chuẩn Mỹ Đình và trước đối thủ hơn hẳn về đẳng cấp trình độ, U22 Việt Nam “hiện nguyên hình”. Trong khi đó, đá trên sân mặt cỏ lá to, mặt sân cứng như Thống Nhất thì có lợi hơn hẳn cho những trận đấu phải tính toán, chơi “cửa dưới” mà trận hòa 0-0 với Jordan ở vòng loại Asian Cup 2019 mới đây là dẫn chứng tiêu biểu.

U22 Việt Nam dự vòng loại U23 Châu Á 2018 với mục tiêu giành tấm vé dự VCK cùng với Hàn Quốc. Mục tiêu là không thua hoặc thua tối thiểu trước đối thủ lớn này sau khi giành trọn 6 điểm trước 2 đối thủ yếu hơn là Đông Timor, Macau, thế nên ở điều kiện sân bãi không tốt thì đó cũng có thể coi là một… lợi thế.

Lịch thi đấu U22 Việt Nam:

Ngày 19.7: U22 Việt Nam – U22 Đông Timor

Ngày 21.7: U22 Việt Nam – U22 Macau

Ngày 23.7: U22 Việt Nam – U22 Hàn Quốc

(Vòng loại U23 Châu Á 2018 có 10 bảng đấu, chọn 10 đội đầu bảng và 5 đội nhì có thành tích tốt nhất vào VCK. Cả 3 trận đấu của U22 Việt Nam đều diễn ra vào lúc 20h00, được TTTT trên kênh VTV6)

G.A

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/vi-sao-u22-viet-nam-thich-san-xau-684320.bld