Vì sao Thụy Điển phải lôi tên lửa trong… bảo tàng ra chống Nga?

Với hy vọng có thể chống lại được sức mạnh của Moscow, Thụy Điển đã khôi phục các loại vũ khí có từ thời chiến tranh lạnh, đang cất trữ trong bảo tàng để ngăn chặn các chiến hạm Nga.

Thụy Điển khôi phục tên lửa chống hạm “đồ cổ” để chống Nga

Truyền thông Thụy Điển ngày 22/11 cho biết, quân đội nước này đang có kế hoạch tăng cường phòng thủ tại khu vực Biển Baltic bằng cách đưa các hệ thống tên lửa chống tàu, phóng từ trên bờ, được sản xuất từ thời Chiến tranh Lạnh trở lại hoạt động.

Tờ Times đưa tin, chính quyền Thụy Điển sẽ đặt trên đảo Gotland hệ thống Kustrobotbatteri 90, được thiết kế để phóng tên lửa chống hạm RBS-15 của hãng sản xuất vũ khí Saab. Ngoài ra, tháng 9 vừa qua, 150 lính bộ binh cũng đã được nước này triển khai đồn trú trên đảo.

Bình luận về vấn đề này, truyền thông Thụy Điển cho biết, vào năm 1987, Thụy Điển đã có kế hoạch chế tạo 4 tổ hợp phóng tên lửa cùng loại, nhưng do nhiều yếu tố khúc mắc, quân đội nước này chỉ nhận được vẻn vẹn 1 tiểu đoàn, rồi cuối cùng cũng đã giải tán vào năm 2000.

Để khôi phục lại hệ thống phòng thủ bờ biển trên đảo Gotland, quân đội Thụy Điển đã lấy lại các xe tải bệ phóng tên lửa Scania từ viện bảo tàng để chuẩn bị lắp đặt các cấu kiện hệ thống phóng tên lửa để khôi phục toàn bộ hoạt động của tổ hợp.

Các quan chức quốc phòng Thụy Điển tiết lộ, Kustrobotbatteri 90 là bệ phóng có khả năng phóng các tên lửa chống hạm tầm xa Robotsystem 15 (RBS-15) từ bờ biển. Đây là hệ thống tên lửa đặt trên xe cơ động với 4 ống phóng do nước này chế tạo.

Tên lửa hành trình chống hạm RBS-15 có tốc độ cận âm (khoảng 1.000 km/h), phiên bản mạnh nhất là Mk III có tầm bắn khoảng 250 km. Tên lửa có thể phóng từ bệ phóng trên bờ, trên tàu chiến và từ máy bay, với khả năng tiêu diệt cả tàu chiến lẫn các mục tiêu trên đất liền.

Hệ thống Kustrobotbatteri 90 với tên lửa RBS-15 Mk III có tầm phóng 250km

Loại tên lửa này sử dụng động cơ phản lực turbojet có chiều dài 4.33 m, sải cánh 1,4m, đường kính thân đoạn lớn nhất là 50 cm, trọng lượng phóng 800 kg, với đầu đạn 200 kg.

Việc khôi phục hệ thống tên lửa chống hạm này được xem là hướng đi sáng tạo, dù trên thực tế đây là việc tận dụng những sản phẩm đã lỗi thời của quân đội nước này, được so sánh với tên lửa chống hạm cận âm, chế tạo từ thập niên 70 là P-15 Termit của Liên Xô.

Tuy nhiên, các quan chức Thụy Điển cho biết, việc khôi phục lại hoạt động của các hệ thống này là “rất hiệu quả”, giúp nước này sở hữu hệ một thống tên lửa phòng thủ bờ đối hạm tầm xa, đủ sức chống lại mọi mối đe dọa.

Thụy Điển muốn gia nhập NATO để chống Nga?

Tổng tham mưu trưởng quân đội Thụy Điển Mikael Byuden nói rằng, Liên bang Nga có trách nhiệm chính “trong việc tình hình an ninh khu vực trở nên xấu đi”, việc nước này tăng cường phòng thủ Gotland là mong muốn "đề phòng" sức mạnh quân sự của Moscow.

Thời gian gần đây, Thụy Điển liên tục phát đi những cảnh báo đối với các máy bay Nga thường xuyên bay gần ranh giới không phận của nước này trên biển Baltic. Đồng thời, Stockhom đã bóng gió đề cập đến vấn đề gia nhập NATO để được sử dụng “cái ô bảo hộ” trong Điều 5 của khối này.

Xem video về sức mạnh tên lửa bờ đối hạm RBS-15:

Tờ Deutsche Wirtschafts Nachrichten viết, vừa qua, Stockhom cũng đã có những bước đi đầu tiên để tái lập quan hệ với NATO. Nước này đã ký một thỏa thuận với NATO về việc triển khai lực lượng quân sự, cố gắng tìm cách gửi đến Nga một "tín hiệu răn đe".

Theo đó, Quốc hội Thụy Điển đã phê duyệt "Hiệp định về hỗ trợ của nước chủ nhà", để cho phép NATO chuyển lực lượng quân sự phản ứng nhanh trên lãnh thổ nước này và tiến hành tập trận quân sự tại địa bàn đó.

Bằng cách đó, Thụy Điển đã tìm ra cách tái lập quan hệ với NATO, mà không cần phải là thành viên Khối Liên minh. Bộ Quốc phòng nước này giải thích sự cần thiết của một bước như vậy bằng luận điệu có sự hiện diện của "mối đe dọa ngày càng tăng từ phía Nga".

Theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultkvista, trước đây nước này kiềm chế không tham gia các liên minh và tránh xa những cuộc đối đầu quân sự. Nhưng bây giờ, chính sách của vương quốc cần thay đổi theo thời cuộc để sẵn sàng đẩy lùi các nguy cơ có thể.

Đáp trả lại những cáo buộc, Moscow nhấn mạnh rằng, Nga không đe dọa bất cứ ai trong các kế hoạch quân sự, chính trị, còn các cuộc tập trận chỉ đơn thuần là phản ứng đáp trả đối với sự tăng cường hoạt động của NATO, điều này cũng không khác gì những cuộc tập trận của khối này ở Biển Đen hay biển Baltic.

Nguyễn Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/vi-sao-thuy-dien-phai-loi-ten-lua-trong-bao-tang-ra-chong-nga/709684.antd