Vì sao răng bị ê buốt sau khi tẩy trắng?

Nhiều người sau khi tẩy trắng răng liền có biểu hiện răng bị ê buốt. Vậy, nguyên nhân do đâu, cách khắc phục thế nào?

Khá nhiều trường hợp răng bị ê buốt sau khi tẩy trắng là do thuốc tẩy tác động vào men răng. Thông thường, tình trạng ê buốt răng xuất hiện theo từng cơn, khoảng vài giờ sau khi tẩy sẽ hết cảm giác ê.

Nguyên nhân ê buốt răng sau khi tẩy trắng

- Do kỹ thuật tẩy trắng răng không đúng

Sau khi tẩy trắng răng sẽ cảm thấy hơi ê buốt. Tuy nhiên, cảm giác này không kéo dài quá 48 giờ và hoàn toàn biến mất sau đó. Ngược lại, nếu vẫn thấy ê buốt nhiều ngày liền thì có thể tại quy trình tiến hành tẩy trắng tại cơ sở nha khoa không thực hiện đúng quy trình.

Tay nghề nha sĩ thiếu kinh nghiệm hay kỹ thuật tẩy trắng không tốt, trang thiết bị không đáp ứng, chất tẩy trắng không an toàn… đều có thể làm cho các mô răng bị kích thích, nhất là khi ăn thức ăn nóng lạnh.

- Do sử dụng thuốc tẩy quá mạnh, vượt quá ngưỡng an toàn

Nếu trong thực hiện tẩy trắng răng, bác sĩ vô tình làm thuốc bị dính vào nướu sẽ gây ra cảm giác xót, ê buốt quanh răng. Nếu sử dụng thuốc tẩy trắng răng không rõ xuất xứ nguồn gốc sẽ rất nguy hiểm.

Những phương pháp tẩy trắng thô sơ, thủ công thường sử dụng thuốc tẩy trắng có nồng độ cao nhằm mang lại hiệu quả tẩy trắng răng nhanh chóng. Tuy nhiên, với nồng độ này thì sẽ dễ gây ra tình trạng ê buốt cho răng, gây khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.

Nếu vẫn thấy ê buốt nhiều ngày liền thì có thể tại quy trình tiến hành tẩy trắng tại cơ sở nha khoa không thực hiện đúng quy trình.

- Nguyên nhân bởi răng yếu

Trong thành phần của thuốc tẩy trắng răng có chứa các hoạt chất có tác dụng đánh bay các phân tử làm thay đổi màu răng, giúp răng trắng sáng hơn hẳn. Những hoạt chất này ít nhiều sẽ phản ứng với răng. Với nền răng chắc khỏe thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên với những nền răng yếu thì sẽ có tình trạng ê buốt sau khi tẩy trắng, thậm chí là ngay trong quá trình thực hiện tẩy trắng.

Ngoài ra, các bệnh lý về răng miệng như: viêm nướu, viêm chân răng, răng sâu, mòn men răng… nếu không được điều trị tốt trước khi thực hiện tẩy trắng thì sẽ làm răng dễ bị ê buốt hơn bình thường.

Cần làm gì khi răng bị ê buốt?

Khi tẩy trắng răng bị ê buốt cần phải làm gì? Trên thực tế để có thể giảm thiểu tình trạng ê buốt cần làm những điều sau:

Để giảm sự ê buốt răng sau khi tẩy trắng mỗi ngày ngậm và súc miệng bằng nước muối sinh lý khoảng 3 – 4 lần, mỗi lần 5 phút sẽ giúp cảm thấy đỡ ê buốt hơn. Nên mua nước muối sinh lý ở các nhà thuốc để đảm bảo an toàn, bởi nước muối tự pha sẽ sai nồng độ và không đảm bảo vô trùng.

Sau khi tẩy trắng răng nên chăm chỉ vệ sinh răng miệng và đánh răng ít nhất 2 lần/ngày để giữ răng luôn trắng sáng. Nên chọn bàn chải có đầu lông mềm để tránh gây tổn thương đến lớp men răng, đồng thời đảm bảo làm sạch mảng bám trên răng và chọn kem đánh răng chuyên biệt để phòng tránh tình trạng răng ê buốt.

Nên chọn kem đánh răng và nước súc miệng có chứa florua có thể giúp phục hồi men răng và chặn các tín hiệu đau đến dây thần kinh trong miệng.

Việc để nước khi tiếp xúc với răng vừa trải qua quá trình tẩy trắng cũng có thể gây khó chịu.

Sau khi tẩy trắng răng cần hạn chế ăn các loại thức ăn, đồ uống quá nóng hoặc quá lạnh hay các thực phẩm có tính acid như nước ngọt có gas, nước chanh,… Lý do là vì những thực phẩm có tính acid có thể gây mòn men răng làm hư tổn bề mặt răng, khiến răng nhạy cảm, ê buốt hơn.

Ngoài ra, việc để nước khi tiếp xúc với răng vừa trải qua quá trình tẩy trắng cũng có thể gây khó chịu. Nếu gặp tình trạng này, hãy thử dùng ống hút khi uống để nước không thể tiếp xúc trực tiếp với răng và nướu sẽ không thấy ê buốt.

Vài giờ đầu sau khi tẩy trắng răng có thể sẽ bị ê buốt răng, nếu tình trạng ê buốt vẫn kéo dài, không thuyên giảm thì có thể bác sĩ sẽ kê thuốc uống hoặc bôi thuốc giúp giảm ê buốt răng. Lưu ý cần thực hiện chỉ định của bác sĩ không tự ý tăng hoặc giảm liều lượng sử dụng thuốc.

BS. Nguyễn Thị Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-rang-bi-e-buot-sau-khi-tay-trang-169240119111041476.htm