Vì sao Quảng Bình hay xuất hiện hố tử thần?

Sau đợt mưa lớn vừa qua, tại xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, xuất hiện hố sụt lún sâu, nguy hiểm gần khu vực nhà dân.

Địa chất đá vôi, nhiều hang động, dễ có sụt lún

Vị trí hố sụt lún tại vườn nhà ông Hồ Bình Hiền, ở bản Km14, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Hố sụt nằm cách móng nhà bếp ông Hiền 3m về phía Đông Bắc, cách Tỉnh lộ 10 khoảng 100m về phía Tây Bắc, đường kính miệng hố 4,2m, độ sâu khoảng 12m, nước trong hố sụt không đục, hơi trong xanh. Được biết, sau nhiều ngày mưa to vừa qua, tại vườn nhà ông Hiền xảy ra hiện tượng sụt lún tạo thành hố sâu. Xã Ngân Thủy đã khoanh vùng cảnh báo nguy hiểm.

Trước đó tại Quảng Bình cũng liên tục xuất hiện hố tử thần. Ngày 12/10, trên tuyến đường xuống bãi tắm Khe Chuối xuất hiện 1 hố sụt do lún kích thước lớn. Ghi nhận tại hiện trường, hố sụt lún có độ sâu khoảng 3 - 4m; đường kính rộng khoảng 3,5m, nằm choán hết một làn đường.

Hố tử thần xuất hiện phía sau nhà dân ở Quảng Bình.

Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Quảng Bình và các đơn vị liên quan đã tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá nguyên nhân gây ra hiện tượng hố sụt này. Theo nhận định của đoàn khảo sát, khu vực nhà ông Hồ Bình Hiền có tầng phủ chủ yếu là đất sét và sét pha với bề dày khoảng từ 7-20m, mặt đá vôi ở độ sâu không đồng đều từ 7-20m, trên nền cấu trúc địa chất là hệ Devon và hệ tầng Cô bai, bao gồm đá vôi và đá vôi xen Dolomit.

PGS.TS Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, hiện tượng sụt sập hay sụt lún nền đất, một quá trình địa chất vẫn thường xảy ra trong tự nhiên hay còn gọi là "tai biến" địa chất. Quảng Bình là nơi có địa chất các hố đá vôi phân bố không liên tục, khả năng xảy ra sụt lún ở đây là rất bình thường, không phải là hiện tượng bất thường như người dân lo lắng. Đối với những hộ dân cạnh hố sụt cần phải tiến hành sơ tán đến nơi khác ngay. Khi một nơi đã xuất hiện hố tử thần thì nhiều khả năng sẽ tiếp tục xuất hiện thêm các hố tử thần khác. Nguyên nhân gây ra hố tử thần có rất nhiều, đơn giản như mưa liên tục hoặc nắng nóng, hạn hán liên tục cũng có thể xảy ra sụt lún.

Hiện tượng này hay xảy ra ở vùng núi đá vôi. Ở các vùng đá vôi thì luôn luôn có những chỗ mà đá vôi chìm dưới lớp đất phủ. Tính chất đặc biệt của đá vôi (và một số loại đá có thành phần vôi, hoặc các loại đá muối) là dễ bị dòng nước hòa tan, rửa lũa, tạo nên hang hốc. Những hang hốc này rộng lớn dần và sập đổ cơ học ngày càng chiếm ưu thế so với hòa tan, rửa lũa, càng làm hang hốc rộng lớn thêm. Quá trình hòa tan, rửa lũa, sau kết hợp với sập đổ cơ học tạo thành hang hốc, gọi chung là quá trình karst.

Những nơi đá vôi bị lớp đất phủ che lấp có thể xảy ra quá trình karst ngầm. Đến một lúc nào đó thì khoảng trống bên dưới lớp đất phủ có thể trở thành quá lớn, trần hang có thể trở thành quá mỏng để đỡ được lớp đất phủ bên trên và có thể xảy ra sụt sập một cách tự nhiên hoặc khi có một yếu tố kích hoạt tự nhiên (thí dụ do hạ mực nước ngầm đột ngột) hoặc nhân sinh (thí dụ do khoan khai thác nước) nào đó.

Dấu hiệu nhận biết sắp có hố tử thần

TS Trần Tân Văn cho biết, hố tử thần thường xảy ra bất chợt, khó ngờ. Nhưng trước đó có một số dấu hiệu như từ những sụt nhỏ có dấu hiệu loang ra lớn dần. Tường nhà bị nứt vỡ, mái nhà bị cong vênh. Lúc sắp xảy ra sập sụt thì hay có tiếng động ở trong lòng đất… Nếu trường hợp buộc phải sinh sống trên khu vực đó thì cần đặc biệt để tâm đến các dấu hiệu này. Khi xuất hiện thì phải chuẩn bị sơ tán trước khi sập sụt xảy ra.

Việc lấp hố tử thần từ trước đến nay chỉ được một thời gian ngắn, ở các vùng caster có các hố sụt như vậy đều có diễn tiến giống nhau. Chính quyền cần thực hiện ngay điều tra khảo sát, đánh giá quy mô hố sụt lớn hay nhỏ, nông hay sâu, từ đó có biện pháp phòng tránh.

Còn nếu lấp lại rồi lại tiếp tục sinh sống trên hố tử thần là không ổn vì nguy cơ vẫn còn. Hiện, có nhiều công nghệ có thể biết được quy mô của hố sụt như thế nào như đo địa vật lý hay dùng radar xuyên đất. Qua đó biết cấu trúc lượng đất bên dưới thế nào. Khảo sát địa chất xem xung quanh có chỗ nào có điểm lộ hang đá vôi hay không. Các cơ quan địa chất sẽ có phương pháp nghiên cứu cho từng địa điểm cụ thể.

TS Trần Tân Văn khuyên, đối với các công trình xây dựng ở các vùng có núi đá vôi, cần phải khảo sát kỹ, điều tra địa chất của các hố đá vôi xem mức độ hoạt động như thế nào. Có thể mời các nhà khoa học về tận nơi đánh giá, bằng các thiết bị, công cụ đo, dễ dàng biết được địa chất khu vực đó có ổn định không, có thể xây dựng các công trình lớn được hay không.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-quang-binh-hay-xuat-hien-ho-tu-than-169231028152502992.htm