Vì sao nhiều người chưa biết đến Bác sĩ gia đình?

Mô hình bác sĩ gia đình là giải pháp rất hiệu quả để chăm sóc sức khỏe, phát hiện sớm bệnh lý và can thiệp kịp thời, giảm biến chứng và giảm chi phí khám chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa biết tới mô hình này cũng như những hiệu quả tích cực mà mô hình mang lại.

Ảnh minh họa

Đã có 332 phòng khám bác sĩ gia đình được thành lập…

Bác sĩ gia đình (BSGĐ) là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất. BSGĐ biết rõ từng người bệnh và những vấn đề liên quan đến sức khỏe gia đình của họ trên cơ sở xem xét lối sống của bệnh nhân trong cộng đồng.

Mô hình BSGĐ đã phát triển mạnh ở nhiều nước trên thế giới từ năm 1960 của thế kỷ trước. Mô hình ra đời đầu tiên ở Mỹ, Anh và một số nước, sau đó nhân rộng ra các nước thuộc khu vực châu Âu đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng với sự chuyển đổi mô hình bệnh tật trên toàn cầu. Cuba là quốc gia được coi là mẫu hình về phát triển mô hình BSGĐ. Năm 1995, có 56 nước đã phát triển và áp dụng chương trình đào tạo y học gia đình. Hiệp hội BSGĐ toàn cầu (WONCA) đã được thành lập năm 1972 và đến nay đã có khoảng 100 quốc gia thành viên.

Tại Việt Nam, năm 1998, Dự án phát triển đào tạo BSGĐ với sự tài trợ bởi quỹ CMB (China Medical Board of New York) được Bộ Y tế phê duyệt. Tháng 3 năm 2000, Bộ Y tế chính thức công nhận chuyên ngành Y học gia đình và cho phép đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I Y học gia đình. Năm 2002, Trung tâm đào tạo BSGĐ được thành lập tại Trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Y- Dược TP HCM, ĐH Y Thái Nguyên và bắt đầu triển khai đào tạo chuyên khoa cấp I Y học gia đình. Đến nay đã có thêm Trường ĐH Y Hải phòng, ĐH Y- Dược Huế, ĐH Y- Dược Cần Thơ triển khai đào tạo chuyên khoa cấp I y học gia đình.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, việc triển khai mô hình BSGĐ sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp và góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Bởi vậy sau một thời gian triển khai, tính đến tháng 6/2016, đã có 332 phòng khám BSGĐ được thành lập tại 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương so với chỉ tiêu đề ra ban đầu là 80 phòng khám.

Trong đó có 234 phòng khám BSGĐ công lập gắn với cơ sở khám chữa bệnh thuộc bệnh viện, phòng khám đa khoa công lập, trạm y tế (chiếm 98,33%), đã thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) do các cơ sở khám chữa bệnh này đang được tham gia cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT.

Từ kết quả trên, Bộ Y tế đặt ra mục tiêu giai đoạn 2016-2020, ngành y tế sẽ nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ theo lộ trình để bảo đảm đến năm 2020 có khoảng 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai mô hình phòng khám BSGĐ trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là kiện toàn, thành lập các mô hình phòng khám BSGĐ: Trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, phòng khám BSGĐ tư nhân, phòng khám BSGĐ thuộc bệnh viện đa khoa nhà nước.

Nhưng dân vẫn không hay

BSGĐ được hiểu theo đúng nghĩa là bác sĩ điều trị, chăm sóc ngoại trú, ban đầu cho người bệnh đối với những vấn đề sức khỏe thường gặp. BSGĐ có trách nhiệm chăm sóc liên tục 24 giờ mỗi ngày trong tuần, chăm sóc suốt đời (từ lúc còn là bào thai cho đến lúc qua đời); chăm sóc sức khỏe cho cả một gia đình và chăm sóc một cách thân thiện, gần gũi. Tuy nhiên, nhiều người dân đã nhầm lẫn coi BSGĐ và dịch vụ bác sĩ đến khám tại nhà là một. Thậm chí, có người dân còn chưa biết tới dịch vụ này.

Ông Trần Quý Tường - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết bác sĩ đến khám tại nhà được gia đình gọi tới chỉ là đến khám, mang tính nhất thời. Còn mô hình BSGĐ mà Bộ Y tế đang hướng tới là mô hình chăm sóc sức khỏe lâu dài, liên tục và có tính cộng đồng cao. Mô hình này có nhiệm vụ hướng dẫn phòng bệnh, phát hiện sớm bệnh cũng như kiểm soát bệnh mãn tính.

Người chịu trách nhiệm chuyên môn của phòng khám phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề về y học gia đình. Phòng khám BSGĐ phải có hồ sơ quản lý toàn diện về sức khỏe của cá nhân, hộ gia đình đồng thời có trách nhiệm giữ bí mật thông tin cá nhân của người đăng ký quản lý sức khỏe theo quy định của pháp luật.

Trong Hội nghị trực tuyến về phát triển mô hình Phòng khám BSGĐ giai đoạn 2016 – 2020 diễn ra vào 15/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng đây là mô hình hay, có hiệu quả thiết thực trong vấn đề giảm tải bệnh viện. Tuy nhiên, bên cạnh các ưu điểm, việc triển khai hoạt động BSGĐ ở nước ta hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Góp ý giải pháp để phát triển mô hình này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: "Chỉ có đổi mới cơ chế cho y tế cơ sở mới có cơ hội phát triển, thu hút được bác sĩ về công tác. Một bác sĩ ở Trạm y tế lương tháng chỉ 3,5-5 triệu đồng, Trạm trưởng Trạm y tế cũng không được mở phòng khám tư thì làm sao thu hút được bác sĩ về với xã?”.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, nếu cứ để cơ chế như hiện nay thì dù Bộ Y tế có đề ra lộ trình phát triển cũng không thành công. Hiện một số cơ sở triển khai mô hình bác sĩ gia đình mới tăng được 15-20% lượt khám là quá ít, không thể tạo ra sự chuyển biến.

Ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP HCM cũng cho rằng, để phát triển mô hình BSGĐ, không chỉ riêng ngành y tế mà cần phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương: “Nếu chỉ có một mình ngành y tế, không có chính quyền địa phương vào cuộc thì rất khó để mô hình này thành công”.

Vướng nhất ở khâu BHYT

Khó khăn của việc triển khai mô hình BSGĐ là nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình còn gặp khó khăn. Chưa hấp dẫn tư nhân tham gia thành lập phòng khám BSGĐ, nên các phòng khám BSGĐ tư nhân còn quá ít.

Chưa xây dựng được quy chế phối hợp, chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám BSGĐ với hệ thống khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình quản lý bệnh nhân. Phí dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà còn mang tính tự phát, chưa được thanh toán BHYT.

Chưa xây dựng được mẫu bệnh án giấy thống nhất, bệnh án điện tử của phòng khám BSGĐ. Người dân còn chưa hiểu về mô hình phòng khám BSGĐ … Vướng mắc lớn nhất hiện nay là chưa có cơ chế định giá cũng như thanh toán BHYT cho các dịch vụ trong mô hình hoạt động của BSGĐ.

Thuận Thắng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/camera-benh-vien/vi-sao-nhieu-nguoi-chua-biet-den-bac-si-gia-dinh-285400.html