Vì sao ngành bán dẫn được nhiều trường đại học mở rộng quy mô đào tạo?

Nhằm đón đầu xu thế dòng vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam, đây cũng là cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất lĩnh vực công nghệ lõi nên các trường đại học Việt Nam đã mở rộng đào tạo nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hiện nay, có rất nhiều trường đại học mở chuyên ngành đào tạo điện tử, bán dẫn, nhiều trường mở rộng quy mô đào tạo. Lý do được giải thích nhằm đón đầu xu hướng đầu tư vào lĩnh vực chip - bán vào Việt Nam.

Đây cũng là lĩnh vực được đánh giá Việt Nam có thế mạnh. Thực tế, đây là một lĩnh vực không mới, quy mô của ngành công nghiệp này trên nghìn tỉ đô.

Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế việc dịch chuyển đầu tư thì Việt Nam nổi lên như một điểm đến đầy tiềm năng cho lĩnh vực công nghệ cốt lõi này.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành trung tâm của ngành sản xuất chíp - bán dẫn toàn cầu (ảnh minh họa).

Theo đó, Đại học Bách khoa Hà Nội hiện có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn.

Cụ thể các ngành Điện tử Viễn thông; Thiết kế vi mạch; Hệ thống nhúng Điện/Tự động hóa; Cơ điện tử; Kỹ thuật máy tính/Khoa học máy tính; Vật lý kỹ thuật; Vật liệu/Vật liệu điện tử; Công nghệ Vi điện tử và nano với tổng số hơn 3.300 sinh viên.

Lộ trình đào tạo các cử nhân, kỹ sư làm việc trong lĩnh vực chip bán dẫn tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã rút ngắn đào tạo tại doanh nghiệp từ 6-9 tháng xuống 3-6 tháng.

Chuyên ngành Thiết kế vi mạch trong ngành đào tạo Kỹ thuật Điện tử Viễn thông và ngành Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano được Đại học Bách khoa Hà Nội mở năm 2023, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành bán dẫn. Các chương trình này tập trung vào cung cấp nhân lực chất lượng cao, chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và sản xuất - đóng gói - kiểm tra vi mạch.

Tại Đại học Quốc gia Hà Nội, mỗi năm trường này đào tạo 1.500 sinh viên có liên quan đến thiết kế vi mạch, công nghiệp bán dẫn và dự kiến sẽ tăng số lượng đào tạo lên gấp đôi.

Ngoài kỹ sư, cử nhân sẽ đào tạo cả sinh viên đã học những ngành liên quan trong vòng 6 tháng đến 1 năm để kịp thời bổ sung nhân lực cho ngành này, chú trọng đào tạo thêm các chuyên gia phát minh sáng chế.

Đại học Quốc gia Hà Nội đã giao cho Trường Đại học Công nghệ triển khai các kế hoạch đào tạo, nghiên cứu khoa học tập trung vào những lĩnh vực có liên quan tới công nghiệp bán dẫn/chip bán dẫn từ rất sớm.

Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công nghệ bán dẫn. Trong giai đoạn 2023-2030, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch Việt Nam và thế giới.

Các trường đại học thành viên Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh triển khai đào tạo trên 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ ngành thiết kế vi mạch. Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng chương trình đào tạo hiện đại, cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư.

Dự kiến trong năm 2024, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thành lập hai phòng thí nghiệm mới, có khả năng chia sẻ trong toàn hệ thống Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh lẫn các trường đại học khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, thành lập Viện Công nghệ Bán dẫn là đơn vị đầu mối, thực hiện nghiên cứu chuyên sâu, R&D trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn.

Năm nay, 3 trường kỹ thuật của Đại học Đà Nẵng, gồm: Trường Đại học Bách Khoa, Trường đại học Sư Phạm Kỹ thuật, Trường đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn đào tạo ngành thiết kế vi mạch bán dẫn, với tổng 200 chỉ tiêu.

Năm nay, Trường Đại học công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch bán dẫn nên nhà trường dành suất học bổng cho những sinh viên điểm cao đỗ vào ngành thiết kế vi mạch bán dẫn.

Chủ trương mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn thuộc ngành Kỹ thuật máy tính đã được Trường Đại học Cần Thơ thông qua. Để chuẩn bị cho chương trình đào tạo này, Trường Bách Khoa trực thuộc trường này đã ký kết hợp tác với Trường Đại học Quốc lập Thành Công (National Cheng Kung University - Đài Loan) để liên kết đào tạo song phương trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực Thiết kế vi mạch bán dẫn.

Từ năm 2024, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội bắt đầu triển khai đào tạo ngành Công nghệ Vi mạch bán dẫn (mã ngành: 7520401). Chương trình đào tạo hướng tới trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng chuyên môn liên quan đến thiết kế, chế tạo và đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn tích hợp. Qua đó, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn cao, đón đầu xu hướng phát triển của ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vi-sao-nganh-ban-dan-duoc-nhieu-truong-dai-hoc-mo-rong-quy-mo-dao-tao-post284783.html