Vì sao 'Nếu biết trăm năm là hữu hạn' không có phần 2

Trong buổi giao lưu ra mắt phiên bản sách nói 'Nếu biết trăm năm là hữu hạn', đồng tác giả Đặng Nguyễn Đông Vy đã chia sẻ những câu chuyện thú vị xung quanh cuốn sách này.

Nếu biết trăm năm là hữu hạn là cuốn sách nổi tiếng của Phạm Lữ Ân (bút danh chung của cặp vợ chồng tác giả Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy).

Cuốn sách gồm 44 tản văn viết về cuộc sống của những người trẻ, được nhìn nhận từ nhiều phía, soi chiếu dưới nhiều góc độ, nhưng cũng rất gần gũi bởi sự mộc mạc, chân thành, giản dị trong mỗi câu chuyện.

Ngay từ bản in đầu tiên năm 2012, cuốn sách có được sức hút mạnh mẽ trong cộng đồng bạn đọc trẻ tuổi, đồng thời nhanh chóng lọt vào danh sách best seller và liên tục tái bản.

Đến nay cuốn sách được tái bản 30 lần, với 300 nghìn bản in. Nhiều câu trích dẫn từ cuốn sách đã được đưa vào đề thi các kỳ thi học sinh giỏi Văn, các kỳ thi tại một số trường PTTH.

Tác giả Đặng Nguyễn Đông Vy (trái) chia sẻ tại buổi ra mắt phiên bản sách nói. Ảnh: Fonos.

Mở đầu buổi giao lưu, tác giả Đông Vy cho biết lý do tại sao hai vợ chồng chị lại chọn bút danh chung là Phạm Lữ Ân. Đây cũng là bút danh được dùng duy nhất một lần cho tác phẩm Nếu biết trăm năm là hữu hạn (tính đến thời điểm này).

Tác giả Đông Vy cho biết vào khoảng năm 2004-2006, hai vợ chồng chị cùng làm ở báo Hoa học trò. Khi ấy thị trường sách có rất ít sách truyền cảm hứng, hướng dẫn về tâm thức, về sự phát triển cho người trẻ... Trong khi đó, những người trẻ thời bấy giờ cũng có những mối ưu tư, bận tâm riêng.

Nhận thấy điều này, hai vợ chồng chị đã viết những bài tản văn nhẹ nhàng phản ánh những tâm tình của người trẻ liên quan đến tình yêu, sự nghiệp, các mối quan hệ, ước mơ... Những bài viết này đăng trên mục “Cảm thức” của báo Hoa học trò, sau này được tập hợp xuất bản thành sách Nếu biết trăm năm là hữu hạn.

Tác giả Đông Vy cũng cho biết ở thời điểm này hai vợ chồng chị đã khẳng định được tên tuổi của mình trên báo Hoa học trò.

Tuy nhiên, với muốn bạn đọc chú ý đến nội dung chia sẻ hơn là cái tên tác giả, hai anh chị đã quyết định không dùng tên thật mà đặt ra một bút danh mới là Phạm Lữ Ân. Tên này dựa trên một bút danh cũ của tác giả Phạm Công Luận là Lữ Ân (chiết tự từ chữ Luận) có ghép chữ Phạm, với ý nghĩa nhắc đến họ là nói đến gia đình.

Mặt khác, cũng từ việc dùng bút danh “xa lạ” này, tác giả Đông Vy cũng muốn thử thách chính bản thân mình. Chị nói: “Tôi xem đó là một thách thức với nghề viết, nếu một người xa lạ viết sách mà được bạn bè, bạn đọc đồng cảm, thì những gì mình viết mới đúng là tác phẩm đã chạm đến được trái tim người đọc”.

Sách Nếu biết trăm năm là hữu hạn (bản tái bản lần thứ 27), Phương Nam book và NXB Hội nhà văn liên kết phát hành. Ảnh: M.C.

Đề cập tới việc tại sao không làm tiếp tập 2 khi cuốn sách đang rất ăn khách, tác giả Đông Vy cho hay, khi thấy cuốn sách này bán chạy nhiều nhà xuất bản đã đề nghị chị viết tiếp tập 2. Tuy nhiên, chị không muốn tiếp tục, vì làm như thế là “ăn theo” tác phẩm best seller.

“Các đơn vị xuất bản có lý khi đề nghị một tác giả đã nổi, có sách best seller viết tiếp tập hai cuốn sách. Tôi nghĩ cuốn thứ hai sẽ bán chạy, bất kể nó hay dở như thế nào”, tác giả Đông Vy bày tỏ.

Chị cũng chia sẻ “Nếu tôi viết cuốn sách thứ hai với bút danh Phạm Lữ Ân thì tôi đã làm không đúng với mong muốn ban đầu của mình khi làm cuốn sách này, làm như vậy là vì danh lợi rồi”.

“Với tôi nội dung cuốn sách như thế là đủ, còn nếu bạn đọc cảm thấy chưa đủ với những vấn đề được nói đến trong sách, thì có thể tìm đọc những tựa sách khác cùng chủ đề. Tôi nghĩ mình dành thời gian cho việc khác, viết những cuốn sách khác”.

Cũng tại buổi giao lưu, tác giả Đặng Nguyễn Đông Vy còn chia sẻ chuyện hai vợ chồng chị trao đổi, chia sẻ như thế nào khi viết chung cuốn sách. Ngoài ra, chị cũng chia sẻ những cảm nhận của mình khi đọc lại cuốn sách sau gần 10 năm và điều chị nuối tiếc nhất khi khi để cho bạn đọc biết tên thật của mình…

Minh Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-neu-biet-tram-nam-la-huu-han-khong-co-phan-2-post1209255.html