Vì sao Mỹ cấm mọi hoạt động khai thác dầu khí mới tại Alaska?

Chính quyền Biden vừa tuyên bố rằng họ sẽ cấm tất cả các dự án khai thác dầu khí mới tại một khu vực rộng lớn ở phía bắc Alaska để đối phó với 'cuộc khủng hoảng khí hậu'.

Tổng thống Mỹ Joe Biden

Lệnh cấm này được áp dụng đối với khu vực có diện tích hơn 4 triệu ha, tương đương diện tích Đan Mạch, trong Khu bảo tồn Dầu mỏ Quốc gia Alaska (NPR-A), một vùng sinh thái quan trọng đối với quần thể gấu xám, gấu Bắc Cực, tuần lộc Caribu và hàng trăm ngàn loài chim di cư.

Trong một tuyên bố về quyết định nêu trên, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh rằng "Alaska là nơi có nhiều kỳ quan thiên nhiên đẹp nhất nước Mỹ", do đó, "khi cuộc khủng hoảng khí hậu khiến Bắc Cực ấm nhanh hơn gấp đôi so với phần còn lại của thế giới, thì Mỹ phải có trách nhiệm gìn giữ vùng đất quý báu này cho các thế hệ mai sau".

Bộ Nội vụ Mỹ cũng thông báo đã hủy hợp đồng cho thuê 7 địa điểm khai thác dầu mỏ và khí đốt ở NPR-A được cấp phép dưới thời chính quyền tiền nhiệm. Hồi tháng 3, chính quyền của tổng thống đảng Dân chủ đã bị các nhà môi trường chỉ trích nặng nề sau quyết định cho phép gã khổng lồ ConocoPhillips (Mỹ) khai thác trong khu dự trữ dầu mỏ quốc gia này.

Tuy nhiên, quyết định được công bố hôm thứ Tư (6/9) không ảnh hưởng đến dự án này vì dự án được phê duyệt trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, dự án đã giảm xuống còn 3 khu vực thăm dò thay vì 5 khu vực ban đầu theo yêu cầu của công ty. Dự án này sẽ tiêu tốn từ 8 - 10 tỷ USD và dự kiến sẽ tạo ra tổng lượng phát thải gián tiếp tương đương với 239 triệu tấn CO2.

Nhiều tổ chức môi trường tố cáo đây là một thảm họa khí hậu và một số người cho rằng lệnh cấm này là một nỗ lực của chính quyền Biden để bù đắp phần nào thảm họa này.

Một công nhân sử dụng thiết bị khoan ở Công viên Quốc gia Denali, Alaska, ngày 21/9/2022

Sự đối lập

Ngoài ra, kế hoạch mới này còn cấm khoan tại một khu vực rộng hơn 1 triệu ha ở biển Beaufort, nằm ở phía bắc bờ biển phía bắc Alaska, và viện trợ cho người dân địa phương. Những biện pháp này "là bất hợp pháp, liều lĩnh, bất chấp lẽ thường và là bằng chứng mới nhất cho thấy chính sách năng lượng của Tổng thống Biden không nhất quán", Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa của Alaska, Lisa Murkowski, cho biết, đồng thời chỉ trích chính quyền vì thiếu tham vấn với các cộng đồng bản địa bị ảnh hưởng.

Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Mary Peltola, người đại diện cho Alaska tại Hạ viện Mỹ, cho biết bà "vô cùng thất vọng", đồng thời cáo buộc chính quyền Biden làm ngơ trước yêu cầu của người dân. Tổng thống Biden cũng phải đối mặt với làn sóng phản đối từ các thành viên nổi bật của các cộng đồng bản địa địa phương vì những tác động kinh tế của biện pháp này trong khu vực.

"Cộng đồng của chúng tôi đã đấu tranh rất nhiều để vùng đồng bằng ven biển mở cửa cho các hợp đồng khai thác dầu khí", bà Annie Tikluk, thị trưởng thành phố Kaktovik, nói về 7 giấy phép hoạt động được cấp phép. "Cộng đồng của chúng tôi bị bỏ lại phía sau về mặt kinh tế. Chúng tôi không ngừng tìm kiếm các cơ hội mới để đảm bảo cuộc sống bền vững lâu dài của chúng tôi", bà nói thêm.

Theo các nhà phân tích, lệnh cấm này là một cách để khôi phục uy tính của ông Biden về khí hậu. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Biden đã hứa sẽ đóng băng các giấy phép dầu mỏ nhưng hiện vẫn chưa được thực hiện. Một số người chỉ ra rằng các hành động pháp lý do các bang Cộng hòa đưa ra đã làm hạn chế phạm vi thực hiện của ông trong trường hợp này.

Năm ngoái, tổng thống của đảng Dân chủ cũng đã thông qua kế hoạch đầu tư khổng lồ về khí hậu trị giá 400 tỷ USD. Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 7 trên tạp chí Science, kế hoạch này sẽ giảm lượng phát thải khí nhà kính của Mỹ từ 43 - 48% vào năm 2035 so với năm 2005, nhưng không cho phép Mỹ giảm một nửa lượng khí thải của mình từ nay đến năm 2030.

Ý Thiên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/vi-sao-my-cam-moi-hoat-dong-khai-thac-dau-khi-moi-tai-alaska-693746.html