Vì sao làm sếp lại cô đơn và câu chuyện tâm - tài - tầm

Đứng trên tập thể nhân viên, vì sao những người sếp lại cô đơn. Tuy nhiên, đó không phải là trở ngại. Bạn cần có đủ tâm, đủ tài, đủ tầm để dùng đúng người vào việc họ giỏi nhất.

Sếp luôn mặc định bị gạt ra mọi cuộc ăn chơi của nhân viên. Sếp là người “ngoài hành tinh”, “thú dữ”. Tuy nhiên, có bao giờ bạn suy nghĩ làm sếp sao lại cô đơn chưa? Nếu làm sếp, bạn muốn mình là người sếp cô đơn hay lý tưởng trong tưởng tượng của tất cả nhân viên...

1.Tâm – Sự công bằng, ghi nhận

Một người sếp có tâm rất dễ nhận diện. Tâm ở đây không chỉ là hướng thiện, quan tâm nhân viên mà còn là công tâm. Sếp không cần làm bạn với tất cả nhân viên nhưng sẽ đối tốt với mọi người, đặc biệt họ đối xử công bằng và biết ghi nhận.

Vậy tại sao họ lại cô đơn? Vì họ công bằng và sự kỳ vọng của nhân viên áp đặt lên họ. Thực tế, ai cũng kêu gọi sự công bằng nhưng vẫn luôn mong muốn mình được nhiều hơn người khác.

2.Chữ tài liền với chữ tai một vần

Sếp không có tài thì không được nhân viên tôn trọng và tin tưởng được. Ngược lại nếu tài thực thì họ lại cô đơn. Không phải ai cũng sẽ nhìn nhận cái tài một cách tích cực. Thử hỏi 10 nhân viên về sếp của họ thật cởi mở, có tới 7 người sẽ mở đầu bằng câu:

- Sếp của tôi tốt, nhưng….

Sau đó kể hàng trăm tật xấu, những tin đồn thất thiệt, mâu thuẫn với sếp, những điều vụn vặt được truyền miệng đó lâu dần khiến nhân viên sợ, có ác cảm, không thiện chí với sếp. Hiệu ứng khiến ông sếp tài ba ấy nghi ngờ chính mình.

3.Tầm nhìn của “chủng loại khác người”

Nhiều nhân viên cảm thấy khó chịu vì ý kiến đột phá của mình bị sếp bạt ngang. Tuy nhiên, hãy nhìn nhận vấn đề theo nhiều cách khác nhau. Trước hết, bạn nên nhìn lại chính mình đã trình bày tốt và đúng thời điểm chưa? Cũng có thể hôm đó sếp “trở trời” thật, nhưng cũng có thể đứng ở tầm nhìn của sếp việc đó thực sự chưa cần thiết hoặc không nằm trong danh sách công việc ưu tiên cho tổ chức thì sao?

Kết quả là một người sếp có tầm lại dễ bị cô đơn. Nhân viên thì thiếu hụt về thông tin, cũng vì vậy mà được liệt vào sổ đỏ “chủng loại khác người”.

Hãy xem cách họ ra quyết định, thường ít bị tác động bởi cảm xúc, còn nhân viên dễ bị cảm xúc chi phối hơn.

Nói họ có tầm nhìn mà không tình cảm cũng không đúng. Vì họ là người đứng sau thúc đẩy tổ chức tiến lên dù phải đóng khá nhiều vai “ác” nhưng thời gian sẽ trả lời bằng việc tổ chức đi đến đâu, đi bao xa. Trên góc độ công việc, những vị sếp có tầm sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp và cách suy nghĩ của nhân viên, nhưng ít ai nhận ra giá trị của quý ông “dở hơi” này.

4. Lời kết dành cho ai có sếp bị cô đơn

Ai cũng có 2 con người, dù bạn có công nhận điều đó hay không. Con người bạn thấy trong công việc và con người ở đời rất khác nhau. Có thể trên cương vị lãnh đạo đôi lúc không thể là hình mẫu lý tưởng của toàn thể nhân viên được. Nhưng hãy cảm ơn nếu bạn đang làm việc với một vị sếp bị cô đơn.

Trong không ít trường hợp những người thiên hướng lãnh đạo mạnh mẽ này sẽ là người bảo vệ quyền lợi của nhân viên tốt hơn những người luôn làm bạn với nhân viên.

5. Lời kết dành cho những ai sắp và đang làm sếp

Cô đơn không phải là trở ngại. Bạn cần có đủ tâm, đủ tài, đủ tầm để dùng đúng người vào việc họ giỏi nhất. Tâm phục sẽ làm cho họ có động lực làm việc và tin tưởng sếp hơn.

Tuy nhiên, trong công việc bị cô đơn thì rất bình thường, nếu không trong công việc mà vẫn bị cô lập thì bạn có chút vấn đề thật đấy.

St

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/vi-sao-lam-sep-lai-co-don-va-cau-chuyen-tam--tai--tam-164212/