Vì sao lạm phát tại Indonesia tăng cao?

Tỷ lệ lạm phát của Indonesia tiếp tục tăng trong tháng 7/2022, đạt 4,94% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ tháng 10/2015.

Giá hàng hóa tăng cao đẩy lạm phát tại Indonesia chạm đỉnh bảy năm. (Nguồn: Indonesia Expat)

Theo ông Margo Yuwono, người đứng đầu Cơ quan thống kê Indonesia, mức lạm phát này được ghi nhận trong bối cảnh giá lương thực và năng lượng tăng cao trên toàn cầu.

Ông Yuwono cho biết: “Giá hàng hóa tăng cao trên toàn cầu kết hợp cùng một số tình huống xảy ra trong nước và chính sách của chính phủ liên quan đến năng lượng đã ảnh hưởng đến lạm phát của Indonesia trong tháng 7.

Những yếu tố chính góp phần làm lạm phát chạm đỉnh bảy năm bao gồm giá ớt và hẹ tây tăng do mất mùa. Thêm vào đó, giá vé máy bay và chi phí nhiên liệu gia dụng tăng cao hơn cũng là một trong những yếu tố dẫn đến lạm phát tăng”.

Trong tháng 5, Indonesia - quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới - có kỳ nghỉ lễ Idul Fitri kéo dài 10 ngày. Trước đó, chính phủ đã quyết định cho phép người dân nghỉ lễ về quê (Mudik) sau 2 năm bị ngăn cách vì đại dịch Covid-19.

Bộ Giao thông Vận tải Indonesia ước tính, hơn 85 triệu người Indonesia đã đổ về quê hoặc đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ dài ngày này, làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ trên khắp quần đảo.

Theo Channel News Asia, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lạm phát nhập khẩu và xung đột Nga-Ukraine là những lý do khiến lạm phát tại Indonesia tăng cao.

Chuỗi cung ứng bị gián đoạn

Giám đốc điều hành của Trung tâm cải cách kinh tế cách Indonesia (CORE) Mohammad Faisal cho rằng, tỷ lệ lạm phát cao hơn là do nguồn cung hàng hóa tổng thể thấp trong bối cảnh nhu cầu cao.

Ông Mohammad Faisal giải thích rằng, chuỗi cung ứng của nhiều mặt hàng khác nhau đã bị gián đoạn. Đồng thời, các biện pháp hạn chế vì Covid-19 đã được nới lỏng, khiến nhu cầu di chuyển của người dân cao hơn, từ đó, giá hàng hóa và dịch vụ cũng cao hơn.

Cùng quan điểm, ông David Sumual, chuyên gia kinh tế trưởng tại Bank Central Asia (BCA) nhấn mạnh: “Chúng tôi nhận thấy, nhu cầu di chuyển của người dân đang bắt đầu được cải thiện, tăng trưởng tín dụng cũng đã tăng lên, kéo theo đà tăng của lạm phát lõi”.

Nhu cầu di chuyển của người dân Indonesia bắt đầu được cải thiện, khi các biện pháp hạn chế Covid-19 được nới lỏng. (Nguồn: Reuters)

Lạm phát nhập khẩu

Ông Faisal cũng tin rằng, vấn đề nguồn cung là yếu tố đóng góp mạnh hơn vào đà tăng của lạm phát. Điều này đặc biệt đúng khi xem xét lạm phát nhập khẩu.

Lạm phát nhập khẩu xảy ra khi giá nhiên liệu và vật liệu nhập khẩu cao hơn, dẫn đến tăng chi phí sản xuất trong nước.

Giám đốc điều hành CORE cho biết, đây đã là một vấn đề xảy ra tại Indonesia từ cuối năm ngoái. Đơn cử như việc giá dầu ăn trong nước tăng do giá dầu cọ cao hơn trên toàn cầu.

Ông Faisal nhấn mạnh: “Những yếu tố này không tồn tại trong 7 năm qua. Đó là lý do tại sao tỷ lệ lạm phát ở mức cao hiện nay”.

Nhà kinh tế Bhima Yudhistira, Giám đốc điều hành tại Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và luật có trụ sở tại Jakarta cho biết, với giá các sản phẩm nhập khẩu cao hơn, các nhà sản xuất trong nước không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá hàng hóa.

Thêm vào đó, lạm phát nhập khẩu cũng có thể được kích hoạt bởi sự trượt giá tỷ giá hối đoái .

Khi đồng Rupiah suy yếu, hàng nhập khẩu sẽ có giá cao hơn. Vào tháng 7, đồng Rupiah đã phá vỡ mốc 15.000 so với USD, mức thấp nhất trong hai năm.

Theo GS. Sri Adiningsih tại Đại học Gadjah Mada, giá thực phẩm và năng lượng nhập khẩu cao ảnh hưởng đến Indonesia, dù chính phủ đã trợ cấp.

GS. Sri Adiningsih nhấn mạnh: “Chính phủ Indonesia đã 'mạnh tay' trợ cấp trong nhiều lĩnh vực bao gồm nhiên liệu, điện và thậm chí cả gạo. Các khoản trợ cấp nhằm mục đích giữ cho giá cả phải chăng, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp - chiếm phần lớn trong tổng số 270 triệu dân của Indonesia.

Tuy nhiên, chính phủ không thể làm mọi thứ. Khi giá cả hàng hóa trên thế giới tăng cao, giá hàng hóa ở Indonesia cũng tăng lên, bất kể có trợ cấp hay không”.

Tác động của xung đột Nga-Ukraine

Bên cạnh hai lý do kể trên, chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cũng góp phần làm tăng tỷ lệ lạm phát ở Indonesia.

Ông Faisal cho hay, xung đột Nga-Ukraine đã đẩy giá dầu toàn cầu lên cao vì chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Bên cạnh đó, Indonesia nhập khẩu phân bón từ Nga. Thời gian qua, cung ứng đã bị ảnh hưởng và khiến giá nhiều mặt hàng lương thực ở quốc gia Đông Nam Á này tăng cao.

Với tình hình thế giới biến động như hiện tại, ông Yudhistira nhận định, lạm phát tại Indonesia sẽ tiếp tục tăng, có thể lên tới 6,5%.

GS. Adiningsih cũng tin rằng, lạm phát tại quốc gia Đông Nam Á còn tăng trong những tháng còn lại của năm.

(theo Channel News Asia)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vi-sao-lam-phat-tai-indonesia-tang-cao-194405.html