Vì sao lại thêm ngoại ngữ khác dạy trong trường phổ thông từ năm 2017

Ngay sau khi thông tin dự kiến sẽ thí điểm dạy một số ngoại ngữ khác như tiếng Nga, tiếng Trung từ lớp 3 vào năm 2017 (báo LĐTĐ đã có bài phản ánh 2 kỳ về đề án dạy ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020: Một chưa xong… mong gì ba, bốn), dư luận đã có nhiều thắc mắc.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Ban Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 (Bộ GD&ĐT) cho biết, việc lựa chọn ngoại ngữ thứ nhất được thực hiện theo quy định tại Chương trình giáo dục phổ thông kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 và Quyết định số 2051/QĐ-BGDĐT ngày 18/5/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong đó các ngoại ngữ tiếng Nga và tiếng Trung Quốc cùng với tiếng Anh, tiếng Pháp, và tiếng Nhật. Đề án ngoại ngữ tại thời điểm hiện nay không thực hiện việc lựa chọn hay xem xét lựa chọn các ngoại ngữ khác ngoài các ngoại ngữ được quy định tại các quyết định nêu trên để lựa chọn giảng dạy thành ngoại ngữ thứ nhất.

(ảnh minh họa)

Đối với tiếng Nga, tiếng Trung Quốc đã và đang được dạy và học như ngoại ngữ thứ nhất nhiều năm nay trong trường phổ thông cấp THCS và THPT theo Chương trình hiện hành - 7 năm, từ lớp 6 THCS đến lớp 12 THPT trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Song thực hiện Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo tính hài hòa giữa các ngoại ngữ thứ nhất, Đề án đã trình Bộ trưởng Kế hoạch triển khai giai đoạn 2016 -2020 trong đó có hoạt động xây dựng Chương trình môn học tiếng Nga, tiếng Trung Quốc theo Chương trình mới – 10 năm, từ lớp 3 Tiểu học đến lớp 12 THPT. Việc triển khai xây dựng chương trình này nhằm đảm bảo tính phù hợp với Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc hiện nay.

Được biết, theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006, học sinh được lựa chọn một trong bốn ngoại ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc làm ngoại ngữ thứ nhất, từ lớp 6 THCS đến lớp 12 THPT (hệ 7 năm). “Ngoại ngữ thứ hai” là ngoại ngữ tự chọn, không bắt buộc.

Ví dụ, học sinh đã học tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất, có thể chọn học tiếng Nga hoặc tiếng Pháp, hoặc tiếng Nhật, hoặc tiếng Trung Quốc là ngoại ngữ thứ hai. Gần đây, tiếng Đức và tiếng Hàn được Bộ GD&ĐT cho phép dạy học thí điểm là ngoại ngữ thứ hai ở các địa phương, trường học có nhu cầu và có đủ điều kiện dạy và học.

Kim Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/vi-sao-lai-them-ngoai-ngu-khac-day-trong-truong-pho-thong-tu-nam-2017-42743.html