Vì sao Kính Chủ - Nhẫm Dương được đưa vào hồ sơ di sản thế giới?

Mới đây, 2 di tích Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn, Hải Dương) đã được bổ sung vào hồ sơ đề cử quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Chùa Nhẫm Dương, một trong những di tích được đưa vào hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là di sản thế giới

Vô tình được phát hiện

2 di tích Kính Chủ, Nhẫm Dương thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương của Kinh Môn. Trong hồ sơ đề cử quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới trước đó không có 2 di tích này.

Năm 2021, để hoàn thiện hồ sơ đề cử, UBND tỉnh Quảng Ninh đã mời Trung tâm Karst và Di sản địa chất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu các đặc điểm, giá trị địa chất - địa mạo và đa dạng sinh học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử” (tên lúc đầu của hồ sơ).

Phạm vi nghiên cứu gồm các khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử; khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều (Quảng Ninh), khu di tích và danh thắng tây Yên Tử (Bắc Giang) và khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai (Hải Dương). Mỗi khu, đoàn thực hiện khảo sát từ 10 - 20 điểm di tích và danh thắng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thấy có nhiều yếu tố liên quan nên đoàn đã mở rộng phạm vi điều tra, khảo sát, nghiên cứu cả khu vực ranh giới chạy dọc theo sông Lục Nam (Bắc Giang); về phía tây là Lục Đầu Giang (Hải Dương); về phía nam là tuyến các sông Đuống, Kinh Thầy, Bạch Đằng và một chút về phía sông Kinh Môn (Hải Dương); về phía đông kéo dài từ cửa sông Bạch Đằng đến các đảo Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng (Quảng Ninh). Tổng diện tích nghiên cứu khoảng 11.280 km2.

Động Tĩnh Niệm - nơi lưu giữ nhiều tư liệu cổ

Bà Nguyễn Thị Kha, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Kinh Môn cho biết đoàn khảo sát đã nghiên cứu các cứ liệu liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 gồm bãi cọc Yên Giang, đồng Vạn Muối, đồng Má Ngựa thuộc khu di tích lịch sử Bạch Đằng (Quảng Ninh) và cho rằng có liên quan đến vùng đất Kinh Môn nên về địa phương tìm hiểu. Bà Kha đã cung cấp cho đoàn những tài liệu chứng minh vùng đất Kinh Môn còn lưu giữ nhiều tư liệu quý của thời cổ đại. Đoàn điền dã tại một số vùng đất của thị xã và phát hiện ra nhiều điều thú vị, có ý nghĩa quan trọng về mặt lịch sử, văn hóa. “Sau khi có những chứng cứ, tư liệu cần thiết, đoàn đã lập hồ sơ và nhiều lần bảo vệ trong các cuộc họp của lãnh đạo 3 tỉnh. Đến cuối tháng 2/2023, động Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương chính thức được đưa vào hồ sơ khoa học đề nghị công nhận là di sản thế giới", bà Kha nói.

Giá trị lịch sử, văn hóa

Trong chùa Nhẫm Dương còn chứa nhiều cổ vật

Chùa Nhẫm Dương nằm ở phường Duy Tân, được khởi dựng thời Trần với tên gọi Thánh Quang tự. Từ thế kỷ 17, chùa trở thành chốn tổ phái Tào Động Việt Nam do Thiền sư Thủy Nguyệt trụ trì. Nổi bật nhất trong các hang động ở chùa Nhẫm Dương là động Thánh Hóa, nơi Đệ nhất Tổ Thủy Nguyệt viên tịch. Đây cũng là nơi có tầng văn hóa cổ sinh khảo cổ học dày 4 m, trong đó đã tìm thấy xương răng của nhiều giống loài động vật cổ sinh như tê giác, voi châu Á, nai... đặc biệt là đười ươi (Pongo) có niên đại 3-5 vạn năm và nhiều di vật khảo cổ nhiều thời kỳ từ Đông Sơn, Đông Hán đến Đinh - Tiền Lê, Lý - Trần... Bộ sưu tập di vật khảo cổ ở chùa Nhẫm Dương đã góp phần khẳng định truyền thống định cư, sinh hoạt, giao thương... của người tiền sử xưa và người Việt trong lịch sử cận, hiện đại ở khu vực chùa Nhẫm Dương. Các di tích liên quan đến vai trò, ảnh hưởng của Phật giáo Trúc Lâm trong cuộc sống Đại Việt và chi tiết thêm về truyền thống sử dụng tài nguyên đất, nước… của người Việt.

Động Kính Chủ nằm ở phường Phạm Thái có từ thời nhà Lý. Vua Lý Thần Tông khi đến đây được người dân địa phương nghênh đón đã cảm động ban tặng hai chữ “Kính Chủ”, từ đó thành tên. Vua Lê Thánh Tông đã xếp Kính Chủ là “Nam Thiên đệ lục động”. Trong động có nhiều ban thờ Tam giáo, thờ vua Lý Thần Tông và tín ngưỡng bản địa. Trên các vách đá và trần hang còn có 54 bia ma nhai của danh nhân văn hóa các thời kỳ. Trong đó có 2 tấm bia thời Trần, khắc bài thơ “Hành dịch đăng gia sơn” và bia khắc 4 chữ lớn “Vân Thạch Thư thất” của Phạm Sư Mạnh - một vị quan và nhà thơ thời Trần đã khắc lên vách núi mô tả quang cảnh hào hùng tại đại bản doanh của hai vua Trần và Trần Hưng Đạo khi chuẩn bị cho chiến trường Bạch Đằng năm 1288...

Động Kính Chủ được mệnh danh là “Nam Thiên đệ lục động”

Với những giá trị đặc biệt về mặt khảo cổ, lịch sử và văn hóa, chùa Nhẫm Dương và động Kính Chủ xứng đáng được đưa vào hồ sơ đề nghị là di sản thế giới. "Được công nhận là di sản thế giới sẽ góp phần nâng giá trị của 2 di tích lên tầm cao mới, góp phần phát triển du lịch của địa phương, từ đó sẽ thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển", bà Nguyễn Thị Kha cho biết thêm.

THANH HÀ

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/vi-sao-kinh-chu-nham-duong-duoc-dua-vao-ho-so-di-san-the-gioi-376813.html