Thái Lan: Lễ hội té nước Songkran trong ngày đầu năm mới

Mỗi nền văn hóa Phật giáo có những cách tổ chức khác nhau để đón chào năm mới. Đối với nhiều người Phật tử, đây là một ngày quan trọng và thiêng liêng, gắn liền với sự đổi mới và thanh lọc thân tâm cũng như môi trường xung quanh.

Thái Lan, Tết truyền thống Songkran được tổ chứ c chính thức vào ngày 13 đến 15-4 năm nay.

Lễ hội năm mới Songkran còn được biết đến với tên gọi “Lễ hội té nước” vì những cuộc té nước vào nhau tưng bừng trên đường phố để biểu trưng cho sự thanh tẩy những điều bất tịnh và sự cầu chúc may mắn đến những người xung quanh. Ngoài ra, các nghi lễ gắn liền với chùa chiền Phật giáo cũng được người dân ưu tiên hàng đầu trong những ngày này.

Songkran của người Phật tử

Việc thăm viếng các ngôi chùa và cúng dường cho các nhà sư là hoạt động được đặt lên hàng đầu trong lễ Songkran. Phật tử Thái Lan dành cả buổi sáng trong ngày đầu năm mới ở chùa, nghe pháp, làm công quả và cầu nguyện. Thậm chí, còn có một số người đến viếng thăm chín ngôi chùa để bày tỏ lòng tôn kính của mình đối với Phật và chư Tăng tại những địa điểm thiêng liêng này. Tại đây, các tín đồ dâng thực phẩm, rửa tay và rửa chân cho các nhà sư trong chùa để cầu mong phước lành cho năm mới.

Rửa tay cho chư Tăng

Tại Bangkok, những ngôi chùa nổi tiếng như Wat Pho, Wat Arun, Wat Boworn và Wat Benchamabophit thu hút rất đông số lượng Phật tử về thăm viếng trong dịp Tết, điều này phản ánh ý nghĩa văn hóa và tôn giáo của Songkran đã ăn sâu vào xã hội Thái Lan qua nhiều thập kỷ.

miền Bắc Thái Lan, người dân còn mang cát đến các ngôi chùa, với ý nghĩa giải phóng “bụi bẩn” của năm cũ. Bảo tháp được xây dựng bằng cát và được trang trí rực rỡ bằng những lá cờ đủ màu sắc để cúng dường và cầu nguyện cho những điều tốt đẹp trong năm mới.

Ở Chiang Mai, cái nôi của lễ hội té nước, người dân sẽ trang trọng tổ chức lễ rước Phật vào ngày 12-4, thời điểm đã chuẩn bị mọi thứ cho ngày đầu năm. Lễ rước Phật này thu hút rất nhiều người tham gia, với hành trình vòng quanh thành phố, từ cầu Nawarat-cổng thành Thapae - các ngả đường và điểm cuối là chùa Wat Prasingh.

Nghi thức tắm Phật

Songkran còn là dịp để các Phật tử bày tỏ lòng tôn kính của mình đối với Đức Phật thông qua nghi lễ truyền thống Song Nam Phra. Phương pháp thực hành thiêng liêng này bao gồm tắm Phật hoặc vẩy nước lên tôn tượng của vị Thầy tôn kính bằng nước thơm để tẩy sạch mọi trần cấu còn sót lại, đón nhận sự thanh tịnh mới mẻ. Hoạt động này là một phần quan trọng trong lễ hội Songkran, và thể hiện sự tôn kính, đón nhận bản chất tâm linh, mong ước về sự chuyển hóa và phước lành trong năm mới, khiến cho bức tranh văn hóa của lễ kỷ niệm năm mới của Thái Lan phong phú và sặc sỡ hơn.

Bày tỏ sự kính trọng đối với người lớn tuổi

Trong dịp Songkran, người Thái ăn mừng bằng cách thắt chặt tình cảm gia đình thông qua nghi thức Rod Nam Dam Hua. Người dân địa phương, dù đi làm ăn xa, vẫn cố gắng trở về quê thăm cha mẹ, ông bà và những người lớn tuổi trong gia đình và dòng họ. Trong buổi lễ Rod Nam Dam Hua, con cháu sẽ đổ nước vào lòng bàn tay những người lớn tuổi để biểu hiện sự kính trọng và lòng biết ơn. Nghi thức này không những giúp củng cố mối quan hệ gia đình mà còn nhấn mạnh đến các giá trị tốt đẹp của lòng hiếu thảo và truyền thống uống nước nhớ nguồn, nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong cộng đồng người Thái nhân ngày lễ Songkran.

Hoạt động té nước đặc trưng trong ngày Songkran của Thái Lan cũng đã trở nên nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông trong nước cũng như nước ngoài, và đã thu hút nhiều khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến tham gia lễ hội đặc sắc này. Bắt đầu từ những hoạt động nhỏ nhất liên quan đến việc té nước, như đổ nước để dọn dẹp nhà cửa, thanh tẩy tượng Phật bằng nước, rửa tay chân cho các nhà sư và những người lớn tuổi,… Songkran đã dần phát triển thành lễ hội và hoạt động té nước cho tất cả mọi người xung quanh để cầu mong sự thanh tẩy và phước lành đến cho họ. Trong thời gian này, những ai bị té nước nhiều nhất được xem là những người may mắn nhất.

“Songkran” (สงกรานต์) bắt nguồn từ tiếng Phạn Sakrānti có nghĩa là “đi vào” hoặc “di chuyển”, đề cập đến sự chuyển động của cung hoàng đạo. Diễn ra vào thời gian cao điểm của mùa hè Thái Lan, đây là dịp để tạm ngưng mọi công việc và lên đường trở về quê hương của để kết nối lại với gia đình và bạn bè. Vào năm 2023, UNESCO đã thêm Songkran vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại bởi những hoạt động ý nghĩa và giàu giá trị văn hóa mà lễ hội này mang lại.

Tâm Tuệ tổng hợp/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/thai-lan-le-hoi-te-nuoc-songkran-trong-ngay-dau-nam-moi-post71340.html