Vì sao khó hạ nhiệt 'điểm nóng' Biển Đỏ?

Liên quân Mỹ - Anh cùng lực lượng hải quân của một số quốc gia đã tham gia bảo vệ tàu dầu, tàu hàng trên Biển Đỏ song vẫn không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tuyến vận tải biển huyết mạch quan trọng bậc nhất đối với nền kinh tế, thương mại toàn cầu này trước mối đe dọa từ lực lượng Houthi ở Yemen.

Mối đe dọa thường trực tuyến vận tải biển huyết mạch

Việc lực lượng Houthi nắm quyền kiểm soát khoảng một nửa lãnh thổ Yemen nằm sát Biển Đỏ liên tục dùng tên lửa, máy bay không người lái (UAV) tấn công vào các tàu chở dầu, tàu hàng những ngày qua đã khiến tuyến vận tải biển huyết mạch này đã nóng càng trở lên nóng bỏng hơn. Trong đó, lực lượng Houthi ngày 20-2 cho biết, đã tiến hành vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào một tàu Israel ở vịnh Aden gần Biển Đỏ.

Mỹ và liên quân đã triển khai lực lượng quân sự mạnh song vẫn chưa thể đảm bảo an toàn cho tàu hàng trên Biển Đỏ

Theo người phát ngôn quân sự của Houthi Yahya Sarea, lực lượng này đã bắn một số tên lửa vào tàu vận tải MSC Silver mang quốc tịch Israel, cũng như một số tàu chiến Mỹ đang di chuyển trên Biển Đỏ và biển Arab. Truyền thông Israel cùng ngày 20-2 dẫn các nguồn tin từ các hãng vận tải và bảo hiểm xác nhận đã xảy ra một số vụ tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào các tàu liên quan Israel, Mỹ và Anh tại Biển Đỏ và vùng biển lân cận.

Một trong những vụ tấn công nghiêm trọng nhất thời gian qua là vụ Houthi bắn tên lửa vào tàu mà lực lượng này cho là “tàu của Anh”. Chiếc tàu hàng Rubymar của Anh đã phải hứng chịu “một số tên lửa khiến nó bị hư hại con tàu và phải dừng hoạt động hoàn toàn. Đài truyền hình Sky News Arabia sau đó dẫn các nguồn tin ở Yemen cho biết, con tàu của Anh bị lực lượng Houthi tấn công ở vịnh Aden đã bị chìm.

Không chỉ tàu của Mỹ, Anh hay Israel mà có cả những tàu hàng mang các quốc tịch khác, không nằm trong danh sách “thù địch” của lực lượng Houthi cũng bị trúng tên lửa, UAV trong các cuộc tấn công mà Houthi nói là “tấn công nhầm”. Mới đây nhất, nguồn tin của Bộ Vận tải Hy Lạp cho biết, tàu Sea Champion mang cờ Hy Lạp khi đang chở ngũ cốc từ Argentina đến Aden, trụ sở của chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen, đã bị “tấn công nhầm” 2 lần bằng tên lửa khiến một số nơi trên tàu bị hư hỏng.

Cường độ tấn công tàu hàng trên Biển Đỏ và các vùng biển lân cận của lực lượng Houthi phần nào có thể thấy qua thông báo ngày 20-2 của Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM) khi cho biết, trong 2 ngày qua, lực lượng Mỹ và đồng minh đã bắn hạ 10 UAV ở Biển Đỏ và vịnh Aden, ngoài khơi Yemen. Một tàu khu trục Mỹ cũng đã bắn hạ 1 tên lửa hành trình chống hạm hướng về phía tàu này vào sáng sớm 20-2, sau khi lực lượng Mỹ phá hủy 1 UAV và 1 bệ phóng tên lửa ở Yemen một ngày trước đó.

Những động thái đáng lo ngại trên cho thấy, xung đột giữa liên quân do Mỹ đứng đầu với lực lượng Houthi đang có nguy cơ leo thang trên Biển Đỏ, tuyến vận tải biển quan trọng hàng đầu trên thế giới. Cuộc xung đột này bắt đầu từ trung tuần tháng 11-2023 khi lực lượng Houthi kiểm soát một nửa lãnh thổ Yemen nằm sát Biển Đỏ cùng UAV và tên lửa tấn công vào các tàu hàng, tàu chở dầu mà lực lượng này cho là của Israel và những nước hậu thuẫn cho Israel trên vùng biển này.

Lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn tuyên bố, các cuộc tấn công tàu hàng trên Biển Đỏ và các vùng biển xung quanh nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với người Palestine và Phong trào Hồi giáo Hamas, lực lượng cũng được Iran hậu thuẫn. Kể từ ngày 19-11-2023 đến nay, lực lượng Houthi đã dùng UAV và tên lửa liên tục tiến hành các cuộc tấn công vào các tàu hàng, tàu chở dầu và cả tàu chiến của Mỹ trên Biển Đỏ.

Quân sự không phải là giải pháp

Việc lực lượng Houthi liên tục tấn công tàu hàng đi qua Biển Đỏ, biển Arab đã gây lo ngại sâu sắc và thiệt hại nghiêm trọng bởi đây là một trong những tuyến vận tải biển mang tính huyết mạch hết sức quan trọng với không chỉ khu vực mà toàn cầu. Biển Đỏ nối với Địa Trung Hải qua kênh đào Suez, tạo ra tuyến vận tải biển ngắn nhất kết nối châu Âu và châu Á, trong đó eo biển hẹp Bab al-Mandab trên Biển Đỏ tiếp giáp với Yemen có ý nghĩa chiến lược quan trọng bởi chiếm khoảng 30% thương mại hàng hóa bằng tàu container, tức khoảng 10-15% thương mại hàng hóa toàn cầu.

Vùng biển mà Houthi tiến hành các cuộc tấn công là nơi lưu thông khoảng 12% lượng dầu và 8% lượng khí tự nhiên hóa lỏng được vận chuyển bằng đường biển của thế giới. Do đó, bất kỳ sự gián đoạn nào trên tuyến đường này đều có thể gây ra những hậu quả dây chuyền với giá dầu và các mặt hàng xuất khẩu.

Các cuộc tấn công của Houthi thời gian qua đã buộc nhiều hãng tàu thế giới phải định lại tuyến đường vận chuyển dài hơn quanh mũi Hảo Vọng ở Nam Phi. Theo CNBC, bất ổn ở Biển Đỏ đã khiến các hãng tàu phải chuyển hướng số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD sang đường vòng dài hơn qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, đẩy giá cước vận tải biển lên cao.

Kể từ khi lực lượng Houthi ở Yemen tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ tháng 11 năm ngoái, hầu hết các hãng vận tải đã ngừng sử dụng tuyến vận tải thông thường từ châu Á đến châu Âu qua Biển Đỏ và kênh đào Suez, thay vào đó chuyển sang tuyến đường vòng qua mũi Hảo Vọng. Điều này khiến mỗi chuyến đi giữa châu Á và Bắc Âu mất thêm 10 ngày đến 2 tuần, trong khi các tàu thường xuyên cập cảng không đúng lịch trình. Áp lực đảm bảo đúng lịch trình khiến các hãng tàu gặp khó khăn trong việc neo đậu tại một số cảng, gây tình trạng ùn tắc.

Việc chuyển hướng tuyến vận tải cũng gây ra tình trạng thiếu tàu. Một hành trình trên tuyến giữa châu Á và Bắc Âu qua mũi Hảo Vọng và quay trở lại mất tới 102 ngày, đồng nghĩa một hãng vận tải sẽ cần triển khai 16 tàu cho dịch vụ hàng tuần, thay vì 12 tàu như trước đây. Công suất đội tàu thế giới dự kiến sẽ tăng khoảng 8% trong năm nay, cao hơn khoảng 3% so với mức tăng nhu cầu dự kiến.

Giá cước vận tải vì thế đã tăng 150% trong 45 ngày qua sau khi nhiều nhà vận tải biển phải chuyển hướng tàu để “né” Biển Đỏ. Một báo cáo từ cơ quan xếp hạng tín dụng Ind-Ra (Ấn Độ) cho biết việc tuyến hàng hải qua Biển Đỏ bị gián đoạn - xuất phát từ làn sóng tấn công của phong trào Houthi ở Yemen - khiến các doanh nghiệp chủ yếu kinh doanh thương mại quốc tế sẽ phải chịu mức tăng 25-30% đối với chi phí vận chuyển và giao nhận hàng hóa. Theo báo Daily Mail (Anh), giá vận chuyển container toàn cầu đã tăng hơn 300% trong khoảng thời gian từ tháng 11-2023 đến tháng 1 năm nay.

Không dừng lại ở đó, giá cước vận chuyển tăng còn có nguy cơ thổi bùng lạm phát trở lại trong bối cảnh giá dầu cũng tăng lên đáng kể thời gian qua. Theo số liệu từ Viện Kinh tế Đức IfW Kiel, thương mại toàn cầu giảm 1,3% từ tháng 11 đến 12 -2023 do cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ dẫn đến khối lượng hàng hóa vận chuyển ở khu vực trọng điểm giảm mạnh.

Nhằm đảm bảo an toàn cho tuyến vận tải biển huyết mạch, Mỹ phải lập một liên quân với sự tham gia của Anh và một số đồng minh ở châu Âu, cử tàu chiến và lực lượng quân sự túc trực, tuần tra trên Biển Đỏ. Mới nhất, Liên minh châu Âu (EU) ngày 19-2 cho biết đã chính thức triển khai một lực lượng với sự tham gia của tàu chiến 4 quốc gia Đức, Pháp, Italia và Bỉ nhằm giúp bảo vệ việc vận chuyển hàng hóa tại Biển Đỏ trước các cuộc tấn công của lực lượng Houthi.

Thế nhưng, dù đã liên tục tấn công vào các cứ điểm, cơ sở quân sự trên đất liền cũng như bắn chặn các tên lửa, UAV của lực lượng Houthi, liên quân do Mỹ đứng đầu vẫn chưa thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tàu hàng trên Biển Đỏ. “Điểm nóng” trên Biển Đỏ là phản ứng dây chuyền từ cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. Do đó, muốn hạ nhiệt trên Biển Đỏ phải gắn liền với cuộc xung đột Isarel - Hamas. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ) hồi trung tuần tháng 1-2024, Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed nhấn mạnh, các biện pháp quân sự sẽ không thể ngăn chặn được các cuộc tấn công do Houthi tiến hành nhằm vào các tuyến vận tải thương mại trên Biển Đỏ, song chấm dứt xung đột tại Dải Gaza sẽ có thể giúp giải quyết vấn đề này.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vi-sao-kho-ha-nhiet-diem-nong-bien-do-post567703.antd