Vì sao HSBC nhận định cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan có upside lên đến 46%?

Tập đoàn HSBC vừa cập nhật định giá mới đối với cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan với đánh giá có thể tăng thêm 46% trong vòng 12 tháng tới đây trong bối cảnh tập đoàn này có thể chuyển niêm yết cổ phiếu Masan Consumer.

Tập đoàn Masan hiện đang cân nhắc việc IPO cổ phiếu MCH của Masan Consumer.

Trong cập nhật mới nhất, tập đoàn tài chính quốc tế HSBC đã nâng mức giá mục tiêu của cổ phiếu MSN của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan lên mức 98.000 đồng/cổ phiếu.

Kết thúc ngày 26/4, thị giá cổ phiếu MSN đạt 67.200 đồng/cổ phiếu. Như vậy với mức định giá của HSBC, cổ phiếu MSN có triển vọng tăng giá (upside) lên đến gần 46%.

HSBC nhận định các mảng kinh doanh của Tập đoàn Masan hiện có triển vọng phát triển tích cực. Trong đó, Masan Consumer (mã cổ phiếu MCH - sàn UPCoM) - trụ cột mảng kinh doanh tiêu dùng của Tập đoàn Masan duy trì mức tỷ suất lợi nhuận cao kể từ năm 2018 đến nay, tăng trưởng doanh thu ổn định và vượt xa đáng kể so với các công ty cùng ngành trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và thực phẩm đóng gói trong khu vực Đông Nam Á.

Trong năm ngoái, Masan Consumer đã thiết lập mức lợi nhuận kỷ lục mới, đạt 7.195 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2022. Qua đó, giúp mức EPS của cổ phiếu MCH cải thiện mạnh lên mức 9.888 đồng/cổ phiếu, so với mức 7.612 đồng/cổ phiếu của năm 2022.

Tính đến ngày 26/4, thị giá cổ phiếu MCH đạt 140.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa 99.961 tỷ đồng (gần 4 tỷ USD). Masan Consumer Holdings - thành viên của Tập đoàn Masan đang chi phối 93,57% vốn cổ phần của Masan Consumer.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Với giá trị vốn hóa thị trường của Masan Consumer hiện đang lớn hơn cả giá trị vốn hóa của Tập đoàn Masan (96.153 tỷ đồng). Trong khi đó, theo phương pháp định giá SOPT (tổng các giá trị thành phần), HSBC định giá Masan Consumer chiếm 52% tổng giá trị của Tập đoàn Masan.

Đáng chú ý, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vừa diễn ra ngày 25/4, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan tiết lộ đang cân nhắc việc chuyển niêm yết cổ phiếu MCH từ sàn UPCoM lên sàn HoSE và hướng đến việc đẩy mạnh phát triển ra các thị trường quốc tế.

HSBC cùng nhiều tổ chức tài chính đánh giá nếu kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu MCH của Masan Consumer được Tập đoàn Masan thực hiện thành công thì các kế hoạch mở rộng kinh doanh sẽ trở nên thuận lợi đáng kể, đặc biệt là trong việc tiếp cận các dòng vốn quốc tế.

Bên cạnh đó, HSBC đánh giá chuỗi siêu thị WinCommerce - trụ cột mảng phân phối bán lẻ của Tập đoàn Masan đang ở giai đoạn có nhu cầu vốn lớn để mở cửa hàng mới và sắp đạt điểm hòa vốn ở cấp độ toàn chuỗi.

Do đó, việc chuyển niêm yết cổ phiếu MCH là một lựa chọn hợp lý, thuận lợi hơn cho Tập đoàn Masan. Đồng thời, động thái này cũng là một trong các bước chuẩn bị cho chiến lược tối ưu hóa giá trị của nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất của Tập đoàn Masan là The CrownX - nền tảng hợp nhất của Masan Consumer và WinCommerce, HSBC nhận định.

Chuỗi siêu thị WinCommerce đang tiến gần đến mức hòa vốn ở cấp độ toàn chuỗi và tạo ra lợi nhuận cho Tập đoàn Masan.

Tại WinCommerce, mô hình cửa hàng mới đang dần chứng minh hiệu quả và tiếp tục nhân rộng số lượng, đồng thời cải thiện biên lợi nhuận nhờ khai thác các dòng nhãn hàng riêng, tối ưu hóa chi phí và hưởng lợi từ chi phí khấu hao giảm.

Đặc biệt, khi mức lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) của chuỗi WinCommerce tăng lên, nhu cầu tiền mặt sẽ giảm dần xuống, cùng với việc giảm lợi ích tại mảng kinh doanh tiêu dùng không cốt lõi, áp lực về các nghĩa vụ tài chính đối với Tập đoàn Masan Group cũng sẽ giảm theo.

Tính đến cuối năm 2023, Tập đoàn Masan sở hữu khoảng gần 17.000 tỷ đồng lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Dòng tiền tự do (Free Cash Flow - FCF) của tập đoàn này cũng đã cải thiện mạnh lên mức 7.454 tỷ đồng trong năm 2023, so với mức 887 tỷ đồng trong năm 2022.

Vừa qua, Tập đoàn Masan cũng hoàn tất thương vụ việc nhận khoản đầu tư 250 triệu USD từ quỹ Bain Capital (Mỹ). Trong bối cảnh tỷ giá USD cao kỷ lục, khoản đầu tư này giúp Tập đoàn Masan thu về ròng hơn 6.200 tỷ đồng.

Khoản đầu tư này được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện đáng kể bảng cân đối kế toán và gia tăng thanh khoản để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của Tập đoàn Masan. Hiện tập đoàn này đặt mục tiêu giảm chi phí lãi vay với mục tiêu Nợ ròng trên EBITDA về dưới ngưỡng 3,5X.

Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Ngân hàng Techcombank, mã cổ phiếu TCB) - công ty liên kết của Tập đoàn Masan vừa qua đã quyết định chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ lên tới 15%. Với việc sở hữu 19,9% vốn tại Ngân hàng Techcombank, Tập đoàn Masan dự kiến sẽ nhận về hơn 1.000 tỷ đồng tiền mặt trong thời gian tới, giúp tăng cường năng lực tài chính để thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/vi-sao-hsbc-nhan-dinh-co-phieu-msn-cua-tap-doan-masan-co-upside-len-den-46-120233.htm