Vì sao Hà Nội dễ ảnh hưởng bởi rung chấn động đất từ xa?

Khu vực Hà Nội cũng là vùng có nền đất không tốt nên dễ cảm nhận được rung chấn khi có động đất lớn ở nơi khác. Hà Nội đã từng xuất hiện các đợt rung lắc do ảnh hưởng bởi dư chấn động đất từ Lào, Trung Quốc.

Sáng 17/11, một số khu vực tại thủ đô Hà Nội xuất hiện tình trạng rung lắc trên các tòa nhà cao tầng. Tình trạng này khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết rung chấn này xuất phát từ trận động đất có độ lớn 5.4 xảy ra tại khu vực biên giới Myanmar - Trung Quốc. Vị trí xảy ra xảy ra động đất cách Hà Nội khoảng 660 km. Mặc dù cách xa tâm chấn, thời điểm xảy ra trận động đất, nhiều người dân sinh sống tại các tòa nhà cao tầng ở Thủ đô Hà Nội, có thể cảm nhận, thấy rõ đồ đạc bị rung lắc.

Trận động đất sáng nay ở biên giới Myanmar - Trung Quốc gây rung chấn cho các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội.

PGS.TS Cao Đình Triều, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam, Viện trưởng Viện Địa Vật lý ứng dụng cho biết dấu hiệu rung lắc này là bình thường. Theo ông Triều, thực tế trong nhiều năm qua cho thấy dư chấn từ một số trận động đất xảy ra ở Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào cũng đã khiến người dân ở một số tòa nhà cao tầng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cảm nhận được sự rung lắc nhẹ.

Thành phố Hà Nội nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng-sông Chảy, nơi đã từng xảy ra các trận động đất có độ lớn từ 5,1-5,5 độ richter. Thông thường, chu kỳ lặp lại động đất mạnh 5,3 độ richter ở thành phố Hà Nội là 1.100 năm và trận động đất mạnh cuối cùng xảy ra cách đây hơn 700 năm (1285).

Giải thích lý do động đất ở rất xa vẫn gây rung lắc cho Hà Nội, PGS.TS Cao Đình Triều cho biết, khu vực Hà Nội cũng là vùng có nền đất không tốt nên dễ cảm nhận được rung chấn khi có động đất lớn ở nơi khác. Thưc tế thời gian qua cho thấy Hà Nội đã từng xuất hiện các đợt rung lắc do ảnh hưởng bởi dư chấn động đất từ các nước láng giềng như Lào, Trung Quốc.

Gần đây nhất, vào khoảng 20 giờ 43 phút ngày 24/12/2021, nhiều người dân sống tại các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội đã cảm nhận có rung lắc mạnh. Nguyên nhân sau đó được xác định là do ảnh hưởng của trận động đất mạnh 5,5 độ richter tại Lào.

Bên cạnh các dư chấn động đất từ nước ngoài, trong những năm qua, tại nhiều địa phương trên cả nước cũng đã xảy ra hàng loạt trận động đất kích thích. Thậm chí, trong lịch sử, ở Việt Nam cũng đã xuất hiện trận động đất mạnh lên tới 6,9 độ richter tại lòng chảo Điện Biên (năm 1935). Vì thế, theo ông Triều, tác động bởi dư chấn của những trận động đất lớn xảy ra ở trong nước cũng là mối nguy cơ tiềm ẩn.

Cần quan tâm đến kháng chấn khi xây dựng

Theo PGS.TS Cao Đình Triều, dù là vùng có địa chất ổn định song nguy cơ xảy ra động đất ở Hà Nội không phải là không có. Nếu động đất xảy ra ở vùng đứt gãy sông Hồng-sông Chảy (đới động đất này đi qua thành phố Hà Nội) với số liệu tối đa ghi nhận được bằng trạm quan trắc ở cấp độ 6, thì khả năng tác động trong tự nhiên cũng có thể lên tới cấp độ 8.

Theo chuyên gia, dù cảm nhận được rung lắc song người dân không quá phải lo lắng, bởi khi xây dựng các tòa nhà cao tầng, người ta đã thiết kế, tính đến yếu tố kháng chấn. Hơn nữa, rung lắc nhẹ do động đất cũng xảy ra hàng ngày, rất phổ biến ở trên thế giới. Tuy vậy, ông cũng lưu ý với những trường hợp động đất gần, khi xảy ra rung lắc mạnh khiến bóng đèn hay quạt trần, đồ vật trong nhà bị chao đảo thì người dân nên chủ động cũng như có phương án di chuyển đến nơi an toàn.

Theo chuyên gia, các nước phát triển như Trung Quốc, ở các thành phố lớn hay các khu công nghiệp lớn - họ đều có giám sát động đất cẩn thận; thậm chí giám sát mức độ biến dạng địa hình tại các khu vực công trình lớn. Đặc biệt, tại nhiều nước phát triển như Trung Quốc còn có cả Luật về động đất. Trong khi đó, Việt Nam chưa có luật này nên hoạt động giám sát động đất thông qua việc lắp đặt các trạm quan trắc động đất tại các khu vực công trình vẫn còn giới hạn, ngoại trừ các công trình thủy điện hay hồ đập thủy lợi lớn.

Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng cần để ý hơn tới câu chuyện kháng chấn đối với các công trình xây dựng, nhất là đối với công trình dân sinh (như chung cư cao tầng,…) để đảm bảo an toàn cũng như giảm thiểu các nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra, ảnh hưởng tới người dân.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-ha-noi-de-anh-huong-boi-rung-chan-dong-dat-tu-xa-16923111716474921.htm