Vì sao giới trẻ thường ăn chè đậu đỏ trong ngày Thất tịch?

Ngày lễ Thất tịch, còn gọi Tết ngâu hay ngày ông Ngâu bà Ngâu, là ngày 7/7 âm lịch hàng năm, gắn liền với sự tích Ngưu Lang và Chức Nữ. Vào ngày này, nhiều người thường ăn món chè đậu đỏ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết vì sao sinh ra thói quen này.

Theo tương truyền, Ngưu Lang là một anh chàng chăn trâu nghèo khó nhưng lại rất chăm chỉ, thiện lương nên đã dành được tình cảm của nàng tiên Chức Nữ - con gái út của Vương Mẫu Nương Nương. Nàng có nhiệm vụ chuyên dệt các đám mây ngũ sắc trên bầu trời.

Hai người nên duyên vợ chồng, trải qua những năm tháng hạnh phúc bên nhau và có được 2 người con, một trai một gái.

Nhưng vào một ngày, Chức Nữ phải trở về thiên đình theo lệnh của Ngọc Đế. Ngưu Lang đau khổ đuổi theo, nhưng bị chặn lại bởi con sông Thiên Hà, ranh giới giữa hai cõi phàm tiên. Thế nhưng Ngưu Lang không rời đi mà ở đó chờ đợi mãi.

Từ đó, bên cạnh sông Thiên Hà có thêm một vì sao, mọi người gọi đó là sao Ngưu Lang. Vương Mẫu vì cảm động trước tình cảm chân thành của Ngưu Lang nên đã đồng ý cho họ mỗi năm gặp nhau một lần vào ngày Thất tịch (7 /7 âm lịch).

Do vậy, ngày này trở thành ngày biểu tượng cho tình yêu đôi lứa ở một số quốc gia phương Đông.

Tại Trung Quốc, Thất tịch là một lễ hội quan trọng và còn được gọi với cái tên khác là lễ hội Trùng Thất. Lễ hội này được cho là du nhập vào Nhật Bản vào thế kỷ thứ 8 và có tên gọi là “Tanabata”.

Ở Việt Nam, ngày lễ Thất tịch hay còn gọi là ngày “ông Ngâu bà Ngâu”, các đôi lứa yêu nhau thường đến chùa, làm lễ và cầu mong cho tình duyên bền vững, son sắt.

Vào ngày này, ngoài việc trời thường có mưa ngâu, dân gian còn lưu truyền thói quen ăn chè đậu đỏ. Nhiều quốc gia quan niệm, đậu đỏ là loại thực phẩm mang lại nhiều may mắn bởi màu đỏ tượng trưng cho sự tốt lành, vui vẻ, may mắn và hạnh phúc.

Ngoài ra, theo truyền thuyết, nếu người đang độc thân ăn đậu đỏ vào ngày lễ Thất tịch sẽ nhanh chóng tìm được ý trung nhân. Ngược lại, những người đã có đôi ăn đậu đỏ vào ngày này, tình yêu sẽ bền chặt, bên nhau cả đời.

Thế nên, vào ngày này, món chè đậu đỏ đặc biệt được người đang cô đơn, độc thân, thậm chí cả những cặp tình nhân lựa chọn làm món ăn ưa thích.

Ngoài chè đậu đỏ, trong ngày lễ Thất tịch, mọi người cũng thường ăn những món ăn được làm từ đậu đỏ như xôi đậu đỏ, cháo đậu đỏ, kem cá đậu đỏ, bánh bao nhân đậu đỏ,…

Trong giới trẻ ngày nay, nhiều bạn không tin câu chuyện "đậu đỏ giúp thoát ế" nhưng vẫn hứng khởi hưởng ứng trào lưu này như một cách tô điểm cho cuộc sống thêm màu sắc. Hơn nữa, chè đậu đỏ cũng là món ăn rất tốt cho cơ thể. Vì thế, cứ gần đến ngày 7/7 âm lịch là những thanh niên còn độc thân lại bắt đầu rủ nhau ăn chè đậu đỏ để sớm tìm được nửa kia của mình.

Chuyên gia phong thủy Linh Quang thì cho rằng, đậu đỏ không chỉ bổ dưỡng mà còn là vật phẩm phong thủy rất hiệu nghiệm. Theo khoa học phong thủy, đậu đỏ có màu đỏ sậm rất đẹp, tượng trưng cho sự may mắn.

Đây là màu sắc sẽ giúp gia chủ rước thêm tài lộc vào nhà, đẩy lui đi mọi điều xui xẻo, buồn phiền. Không chỉ vậy, vận mệnh của người giữ hạt đậu đỏ sẽ đi lên theo hướng tích cực, tình duyên tấn tới, mọi việc thuận buồm xuôi gió vì đậu đỏ sẽ giúp "hóa hung thành cát"…

Tuy vậy, chuyên gia này cũng lưu ý rằng, dẫu ý nghĩa tượng trưng của đậu đỏ trong phong thủy là giúp gia chủ hóa hung thành cát nhưng để sử dụng cho đúng và có hiệu quả lại là một vấn đề lớn.

Bởi, ngoài yếu tố bản thân cần nỗ lực cố gắng còn do mệnh số, điều kiện hoàn cảnh của từng người chứ không phải cứ sử dụng hạt đậu đỏ, ăn chè đậu đỏ là sẽ đạt được điều mong muốn.

Anh Thư

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/vi-sao-gioi-tre-thuong-an-che-dau-do-trong-ngay-that-tich-79880.html