Vì sao dự án nuôi thủy sản 170 tỷ đồng ở Quảng Ninh không hiệu quả?

Một dự án nuôi trồng thủy sản ở huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) trị giá 170 tỷ đồng nhưng không hiệu quả, khiến ngư dân lâm vào cảnh khó khăn.

Con giống thủy sản chết hàng loạt

Giữa trưa hè nắng gắt, dẫn PV Báo Giao thông ra thăm đầm nuôi cua rộng hơn 2.000m2 của gia đình ở khu nuôi trồng thủy sản tập trung thôn Bình Minh, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, chị Nguyễn Thị Huệ vớt lên những con cua giống đã chết cứng, cho biết: "Vụ này em thả vài ngàn con giống, nhưng mấy hôm nay, cua bò lên bờ chết la liệt".

Chồng mất do TNGT gần chục năm trước, chị Huệ trông vào nguồn thu từ đầm thủy sản này để nuôi con. Năm nay, thời tiết bất thường, nguồn nước không ổn định lại bị ô nhiễm, nên chị Huệ đang bị thiệt hại vài chục triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Huệ xót xa trước cảnh những con cua giống đang kỳ sinh trưởng tốt bị chết hàng loạt

Chị Nguyễn Thị Huệ xót xa trước cảnh những con cua giống đang kỳ sinh trưởng tốt bị chết hàng loạt

Cùng ở khu nuôi trồng thủy sản tập trung thôn Bình Minh, đầm của gia đình ông Hoàng Việt, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bình Minh cũng chết hàng loạt tôm giống. Ông Việt cho rằng, thời gian gần đây, do nguồn nước cung cấp cho đầm không đảm bảo chất lượng, nên con giống bị bệnh rồi chết hàng loạt.

"Khi huyện triển khai dự án nuôi thủy sản tập trung, những tưởng rủi ro cho người nuôi sẽ giảm bớt. Nhưng hệ thống cung cấp nước cho các đầm của dự án không đảm bảo. Đặc biệt, có thời điểm, nhiều hộ ở cuối nguồn phải lấy nước từ đầm vừa xả ra với nhiều tạp chất, dư lượng thuốc... khiến con giống bị bệnh, chết", ông Việt phân tích.

Theo nhiều người dân, do nguồn nước trong khu nuôi trồng thủy sản tập trung không đảm bảo nên con giống chết hàng loạt

Theo nhiều người dân, do nguồn nước trong khu nuôi trồng thủy sản tập trung không đảm bảo nên con giống chết hàng loạt

Một vấn đề mà nhiều người dân ở xã Hải Lạng bức xúc, là trong khu nuôi trồng thủy sản tập trung, có nhiều nhà kiên cố được xây dựng, nhiều phương tiện vận chuyển vật liệu gây bụi, gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, việc cung cấp điện tại khu nuôi trồng thủy sản tập trung cũng gặp khó khăn do chưa bàn giao cho ngành điện quản lý. Hậu quả là, khi xảy ra sự cố mất điện, việc khắc phục bị chậm, ảnh hưởng đến thủy sản đang nuôi trồng.

Ai chịu trách nhiệm?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Văn Ninh, Phó chủ tịch phụ trách UBND xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên cho biết: Xã có 1.028ha nuôi trồng thủy sản, chiếm 48% tổng diện tích nuôi thủy sản của cả huyện Tiên Yên, trong đó đã có 86ha được chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp. Đây cũng là xã được Tiên Yên quy hoạch là vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của huyện.

Hệ thống kênh dẫn nước là hợp phần quan trọng nhất của dự án trị giá 170 tỷ đồng, nhưng chưa phát huy được hiệu quả.

Hệ thống kênh dẫn nước là hợp phần quan trọng nhất của dự án trị giá 170 tỷ đồng, nhưng chưa phát huy được hiệu quả.

Để khai thác thế mạnh này trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân, huyện Tiên Yên đã đầu khu nuôi trồng thủy sản tập trung với 350ha tại xã Hải Lạng.

Dự án cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại xã Hải Lạng có tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng, được bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% và 30% kinh phí do huyện Tiên Yên đối ứng, gồm các hạng mục đầu tư: Hệ thống đường điện và 7 trạm biến áp, hồ xử lý nước thải có diện tích 20ha; tuyến kênh tiêu N1 và kênh cấp nước ngọt cho toàn bộ vùng nuôi trồng thủy sản tập trung…

Một số hộ dân xây dự nhà ở trong khu vực nuôi thủy sản tập trung

Một số hộ dân xây dự nhà ở trong khu vực nuôi thủy sản tập trung

Ông Trần Văn Ninh, Phó chủ tịch phụ trách UBND xã Hải Lạng cho biết: Trên địa bàn hiện có gần 200 hộ nuôi quảng canh, hơn 60 hộ nuôi công nghiệp. Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn có gần 38 hộ nuôi bị thiệt hại với 65 ao trên diện tích 11,2 ha, ước thiệt hại khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Theo ông Ninh, nguyên nhân chính dẫn đến việc con giống chết hàng loạt trong khu nuôi trồng thủy sản tập trung là do chất lượng con giống và thời tiết cực đoan. Việc cung cấp nước cho các đầm cũng bị ảnh hưởng một phần do việc cho đấu thầu hệ thống kênh cấp nước.

"Cuối năm nay, thời hạn hợp đồng với những hộ trúng thầu sẽ kết thúc. Khi đó, chính quyền sẽ xem xét việc đấu thầu này để đảm bảo nguồn nước cho các hộ nuôi nhằm tránh thắc mắc, kiến nghị", ông Ninh nói và xác nhận, quá trình thực hiện dự án, bước đầu có thể nhận thấy là chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi. Thời gian tới, chính quyền sẽ tập trung xử lý triệt để những vấn đề phát sinh.

Phương tiện vận tải vật liệu san lấp chạy qua vùng dự án, ảnh hưởng đến môi trường nuôi trồng thủy sản

Phương tiện vận tải vật liệu san lấp chạy qua vùng dự án, ảnh hưởng đến môi trường nuôi trồng thủy sản

Về việc nhiều hộ dân xây dựng nhà trong vùng dự án và một số hộ tự ý san lấp đất nông nghiệp, lãnh đạo UBND xã Hải Lạng cho biết, khi thực hiện dự án, cơ quan chức năng đã không làm phương án đền bù, giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư cho mấy chục hộ. Do vậy, sau khi giải phóng một phần đất để thi công kênh dẫn nước, một số hộ đã xây dựng nhà, công trình ở trên phần đất chưa giải phóng mặt bằng như hiện nay.

"Tới đây, chính quyền sẽ tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai, tài nguyên và phổ biến cho bà con những quy định của pháp luật để tránh tình trạng thắc mắc, kiến nghị về vấn đề này", ông Ninh cho hay.

Quang Minh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-du-an-nuoi-thuy-san-170-ty-dong-o-quang-ninh-khong-hieu-qua-d596112.html