Vì sao doanh nghiệp phân bón 'xin' chịu thuế giá trị gia tăng?

Trong khi nhiều ngành hồ hởi bởi được bỏ ra khỏi danh sách phải chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT), thì ngành phân bón lại trông chờ được áp loại thuế này. Thực tế khi áp dụng Luật Thuế số 71/2014/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (Luật Thuế 71) từ ngày 1/1/2015 để giảm gánh nặng giá phân bón cho nông dân, mục đích không những không đạt được mà còn gây tác dụng ngược khi giá thành phân bón bị tăng thêm 5 - 8%.

Giá thành phân bón bị tăng thêm gây áp lực cho người nông dân.

Theo số liệu của Bộ Công thương, ước tính khi thực hiện Luật Thuế 71, giá thành phân đạm tăng 7,2 - 7,6%; phân DAP tăng 7,3 - 7,8%; phân supe lân tăng 6,5 - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2 - 6.1%. Ngoài ra, số doanh nghiệp phân bón chịu ảnh hưởng không được giảm thuế rất lớn.

Cụ thể, mỗi năm Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có số tiền không được hoàn thuế của các đơn vị sản xuất phân bón xấp xỉ 900 tỷ đồng, con số này đã lên tới hơn 6.000 tỷ đồng từ năm 2015 đến nay. Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau mỗi năm không được khấu trừ gần 350 tỷ đồng tiền thuế; Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí không được khấu trừ khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.

Hiện doanh nghiệp phân bón trong nước không được kê khai, khấu trừ các chi phí VAT đã bỏ ra trong quá trình sản xuất (VAT đầu vào), gồm đầu tư, mua sắm tài sản cố định, do phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế này. Chi phí này sau đó tính vào giá thành sản xuất, khiến giá bán tăng và lợi nhuận giảm.

Tại Hội thảo lấy ý kiến dự án luật thuế GTGT (sửa đổi) do Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội tổ chức ngày 15/3, bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau cho rằng, Luật Thuế 71 quy định phân bón không chịu thuế GTGT không chỉ doanh nghiệp chịu thiệt, người nông dân cũng bị ảnh hưởng do phải mua với giá cao hơn 5-8% vì doanh nghiệp phải hạch toán một phần thuế không được khấu trừ vào chi phí sản xuất.

“Ở Dự thảo, Quốc hội đã đưa phân bón vào nhóm đóng thuế suất 5%. Tất cả các đầu vào hiện nay của ngành phân bón Việt Nam là khoảng 8%, có nghĩa là còn 3% của đầu vào, chủ yếu là thuế suất cho các vật tư, thiết bị thì không được khấu trừ. Việc khấu trừ tỷ lệ nhập máy móc, thiết bị hiện đại rất quan trọng bởi liên quan đến giá thành”, bà Nguyễn Thị Hiền nói.

Các chuyên gia cũng nhận định, việc chuyển các đầu vào hàng hóa là việc quan trọng cho nông nghiệp như ngành phân bón hay máy móc thiết bị sản xuất nông nghiệp từ không chịu thuế sang chịu thuế 5% là phù hợp, sẽ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo ông Cao Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính, sản lượng phân bón hiện nay vào khoảng 15 triệu tấn, trong đó 11 triệu tấn là sản xuất trong nước. Quy định không chịu thuế với mặt hàng này đang có lợi cho hàng nhập khẩu. Bởi vậy, việc đánh thuế GTGT 5% hay 10% cần được tính toán cụ thể.

Theo giới chuyên gia, doanh nghiệp, việc Bộ Tài chính đề xuất áp thuế VAT đầu vào 5% đối với mặt hàng phân bón sẽ giúp sản phẩm phân bón trong nước có khả năng cạnh tranh hơn so với sản phẩm nhập khẩu. Việc áp dụng đối tượng chịu thuế VAT 5% đối với phân bón là phù hợp với thực tiễn bởi VAT có tính chất liên hoàn, số thuế phải nộp bằng số thuế đầu ra trừ số thuế đầu vào.

Doanh nghiệp nộp VAT ở đầu ra sẽ được khấu trừ thuế VAT đã nộp ở đầu vào khi tính các chi phí sản xuất. Trong khi đó, hiện nay phân bón không thuộc đối tượng thuế, doanh nghiệp không phải nộp thuế ở đầu ra, nhưng đầu vào họ phải nộp VAT 5-10%, và không được khấu trừ, điều này gây tổn thất cho doanh nghiệp và giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong nước.

Nếu phân bón được áp thuế theo dự thảo Luật thuế GTGT sửa đổi, điều này sẽ có lợi cho doanh nghiệp phân bón. Các doanh nghiệp sản xuất nhận được 5% đầu vào của nguyên liệu sẽ tìm cách giảm giá thành sản xuất. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu sẽ giảm. Đáng nói hơn, khi được khấu trừ 5% doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư công nghệ mới, sản phẩm mới.

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/12/2023, Việt Nam nhập khẩu 3,9 triệu tấn phân bón các loại, kim ngạch hơn 1,33 tỷ USD, bình quân 7,8 triệu đồng/tấn, trong đó nhập từ Trung Quốc hơn 1,8 triệu tấn, kim ngạch hơn 600 triệu USD, giá bình quân khoảng 7,6 triệu đồng/tấn. Việt Nam nhập khẩu tương đối nhiều phân bón từ nước ngoài, phần lớn các nước này đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT nên doanh nghiệp của họ được hoàn thuế đầu vào khi xuất khẩu sang Việt Nam. Mặt khác, phân bón nhập khẩu vào Việt Nam lại không phải chịu thuế GTGT tại khâu nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán và cạnh tranh không công bằng với phân bón sản xuất trong nước.

PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan Học viện Tài chính cho biết: “Không chịu thuế thì không được khấu trừ đầu vào, nên bị hiệu ứng tăng giá thành sản phẩm, đặc biệt là trong bối cảnh đang cạnh tranh với máy móc chuyên dùng nhập khẩu trong nông nghiệp, dẫn đến khó khăn như hiện nay. Bởi các nước xuất khẩu thì được hoàn thuế, đến Việt Nam họ không chịu thuế nên giá bán của họ thấp hơn so với doanh nghiệp sản xuất trong nước”.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/vi-sao-doanh-nghiep-phan-bon-xin-chiu-thue-gia-tri-gia-tang-167710.html