Vì sao dân ngăn đường?

Người dân đã dùng xe ngăn đường trước cổng KCN Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương làm tắc nghẽn, tê liệt toàn bộ hoạt động trên tuyến Quốc lộ 5 đoạn từ cầu Lai Vu đến Phạm Xá (khoảng 30km) vào sáng ngày 15.10.2016. Lý do là dân mong muốn giải quyết khiếu nại đất đai kéo dài chục năm nay.

Đây không hề là trường hợp cá biệt mà người dân biết sai luật vẫn làm. Họ làm để biểu thị nguyện vọng của mình trước sự thờ ơ của một số cán bộ thiếu trách nhiệm.

Ngày 13.10.2016, nhiều người dân ở xã Long Sơn, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã mang xác cá chết ra Quốc lộ 51 để phản đối tình trạng ô nhiễm kéo đi gây chết cá nuôi lồng bè nhiều lần. Chỉ riêng trong năm 2016, nơi đây đã có 4 lần hiện tượng cá chết vì ô nhiễm. Trước đó, ở Cam Ranh, Khánh Hòa, việc dân chặn Quốc lộ 1A vì cá, tôm nuôi lồng bè chết trắng cũng đã xảy ra vào ngày 20.4.2015.

Đông đảo người dân chặn đường khiến quốc lộ 5 tắc nghẽn.

Dân ngăn quốc lộ và "bắt" xe rác gây ô nhiễm ở Ninh Hòa, Khánh Hòa (12.8.2016). Dân mang gạch đá chặn xe tải chở đất đá gây bụi ở Triệu Sơn, Thanh Hóa (18.5.2016). Dân chặn quốc lộ vì nhiệt điện ở Tuy Phong, Bình Thuận (ngày 14 và 15.4.2015). Dân ngăn đường quốc lộ ngay tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu để phản đối công trình thi công chậm gây bụi (22.12.2013-6.1.2014).v.v..

Theo quan sát của người viết, việc người dân ngăn đường xuất hiện lẻ tẻ trước năm 2015 và rộ lên trong năm 2016. Hành vi ngăn đường dù là quốc lộ hay tỉnh lộ đều nguy hiểm cho tính mạng người dân, tài xế lái xe và gây thiệt hại cho nền kinh tế (kẹt xe). Điều đáng lo ngại là hành vi ngăn đường này nếu được "phổ biến", kéo dài sẽ hết sức nghiêm trọng đến cả kinh tế vi mô lẫn vĩ mô.

Nhưng trước mắt, hành vi này lại đánh động được cơ quan nhà nước địa phương! Vì lần nào dân ra ngăn đường thì cán bộ nhà nước tại địa phương phải khó khăn lắm mới thuyết phục người dân đối thoại tìm cách giải quyết.

Theo tìm hiểu của người viết, chưa có một cuộc nghiên cứu sâu bằng phương pháp xã hội học nào về tâm lý của những người dân ngăn đường. Chỉ có những điểm chúng là sinh kế và đời sống của người dân bị ảnh hưởng vì môi trường bị hủy hoại. Và điều này là điều chính phủ cần hết sức quan tâm bởi đây là hệ lụy từ việc buông lỏng quản lý của các ban ngành cấp địa phương.

Ví dụ như câu chuyện ngăn đường Quốc lộ 51 vào ngày 13.10.2016 ở xã Long Sơn, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu để phản đối tình trạng ô nhiễm kéo đi gây chết cá nuôi lồng bè nhiều lần. Người dân không nhớ hết số lần cá chết vì ô nhiễm trong 8 năm nay (từ 2008) nhưng chỉ riêng trong năm 2016, nơi đây đã có 4 lần cá chết.

Vụ việc này cũng đã ra tòa vào đầu năm 2016 với sự xác minh về thiệt hại, địa điểm xả thải, độ độc hại của chât thải bởi Viện Môi trường và Tài nguyên nhưng chưa giải quyết xong thì cá lại chết. Trong phiên hòa giải tại tòa vào 22.6.2016, ông Nguyễn Thanh Hùng, cán bộ Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH QG TP HCM) cho biết: "Sau khi xảy ra sự việc cá chết, Viện đã nghiên cứu xác định cá chết do thiếu oxi, nguyên nhân thì có 4 nguyên nhân chính nhưng việc xả thải từ cống số 6- nơi tập trung nước thải các doanh nghiệp xả thải ra chiếm tới 76%. Khi trời mưa, cống thải mở thì độc tố từ nguồn nước thải sẽ theo cống số 6 đổ ra sông khiến cá chết hàng loạt."

Khi nào môi trường còn bị ô nhiễm, cán bộ còn thờ ơ trách nhiệm thì có lẽ chuyện ngăn đường của người dân sẽ còn tiếp diễn. Đừng bắt người dân chọn cách cư xử trái pháp luật để phải nhận thêm những bức xúc bên cạnh những thiệt thòi

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/vi-sao-dan-ngan-duong-715834.html