Vì sao CEO Apple, Microsoft thay nhau đến Indonesia

Tim Cook và Satya Nadella đến Indonesia chỉ cách nhau 2 tuần. Các nhà quan sát đánh giá Indonesia là điểm đến tiềm năng cho những khoản đầu tư lớn của các doanh nghiệp công nghệ.

Indonesia tích cực thu hút đầu tư nước ngoài để hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045. Các doanh nghiệp công nghệ đánh giá đây là thị trường tiềm năng, với dân số lớn nhất Đông Nam Á và nguồn tài nguyên dồi dào.

Thị trường lớn nhất Đông Nam Á

Tim Cook đến Indonesia hôm 17/4 để khánh thành một học viện và gặp lãnh đạo nước này. CEO Apple cho biết sẽ xem xét việc đặt dây chuyền sản xuất sau gợi ý của Tổng thống Joko Widodo. Chưa đầy nửa tháng sau, Giám đốc Điều hành Microsoft Satya Nadella cũng viếng thăm xứ “Vạn đảo”. Đi kèm với hoạt động này là lời hứa đầu tư 1,7 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng đám mây và AI ở Indonesia.

Đất nước này là điểm chung duy nhất của CEO Apple và Microsoft trong đợt công du đến các nước Đông Nam Á. Tim Cook đến thăm thêm cả Việt Nam và Singapore. Trong khi đó, Nadella dừng chân ở Thái Lan và Malaysia.

CEO Microsoft ở Indonesia. Ảnh: Bisnis.

The Straits Times nhận định sự quan tâm đặc biệt của các ông lớn công nghệ cho Indonesia được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố. Trong đó, quy mô thị trường lớn nhất khu vực là thế mạnh nổi bật. Ông Muhammad Habib Abiyan Dzakwan, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chiến lược và Quốc tế Singapore cho biết các chuyến thăm thể hiện tiềm năng của Indonesia trong lĩnh vực sản phẩm và dịch vụ công nghệ.

“Nền kinh tế số của Indonesia đang phát triển mạnh. Nước này có nhiều công ty khởi nghiệp thương mại điện tử và tài chính kỹ thuật số giàu tiềm năng”, ông Habib nhận định.

Indonesia là nước đông dân nhất ASEAN với khoảng 277 triệu người, chiếm hơn 40% cả khu vực. Theo công ty nghiên cứu từ Momentum Works hồi 2023, hơn một nửa đơn hàng trực tuyến của Đông Nam Á xuất phát từ người dùng nước này. Mới tháng 12/2023, TikTok gây chú ý khi chi 1,5 tỷ USD mua lại phần lớn công ty TMĐT Tokopedia của Indonesia.

Đồng thời, lãnh đạo Microsoft và Apple tới xứ “Vạn đảo” ngay lúc kết quả cuộc bầu cử tổng thống được an bài. Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto đã giành chiến thắng và sẽ thay thế ông Widodo từ tháng 10. Những cáo buộc gian lận cũng bị bác bỏ trong ngày 20/4.

Giám đốc Điều hành Apple gặp Bộ trưởng quốc phòng Prabowo Subianto, cũng là tổng thống đắc cử của Indonesia. Ảnh: Bisnis.

“Với quyết định này, những bất ổn chính trị liên quan đến tổng thống tiếp theo của Indonesia đã được giải quyết. Trước đó, các nhà đầu tư đều trong trạng thái chờ đợi”, Tiến sĩ Maria Monica Wihardja, thành viên thỉnh giảng tại Viện ISEAS-Yusof Ishak trả lời The Straits Times.

Ông Oki Ramadhana, Giám đốc Điều hành ngân hàng đầu tư lớn nhất Indonesia cho biết trước bầu cử, các tổ chức nước ngoài e ngại việc đầu tư vào quốc gia nói trên, do vẫn còn tồn tại nguy cơ bất ổn chính trị, tác động đến hoạt động kinh doanh.

Ngoài lượng người dùng khổng lồ, Indonesia còn hấp dẫn nhờ nguồn tài nguyên dồi dào. Ví dụ, nước này có trữ lượng niken lớn nhất thế giới. Đây là vật liệu quan trọng trong nhiều linh kiện, từ smartphone đến pin xe điện.

Chiến trường công nghệ cao

Các nhà quan sát cũng nhấn mạnh xu hướng đa dạng hóa nguồn cung của các doanh nghiệp, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. Đông Nam Á trở thành khu vực hứa hẹn để chuyển dịch và mở rộng kinh doanh.

Những căng thẳng địa chính trịnh gần đây cũng thúc đẩy việc tìm kiếm địa điểm mới cho đầu tư và phát triển. Giáo sư Lawrence Loh từ Khoa Chiến lược và Chính sách tại Trường Kinh doanh NUS cho rằng khu vực đang trở thành “chiến trường công nghệ cao”.

“Nhà hoạch định chính sách Indonesia hiểu sự cần thiết của việc chủ động thu hút các doanh nghiệp công nghệ lớn, vì họ phải cạnh tranh với những nền kinh tế mới nổi khác trong và ngoài khu vực”, ông Habib nhận định.

Kế hoạch xây nhà máy của Tesla ở Indonesia thất bại vì nhiều lý do. Ảnh: ABC.

Thiếu nhân lực chất lượng cao là một vấn đề khác Indonesia cần giải quyết. Gần đây, nhà chức trách nước này ra quy định về việc cấp quốc tịch kép cho người gốc Indonesia để thu hút lao động lành nghề. Trước đó, nước này phải chịu tình trạng chảy máu chất xám khi giới chuyên gia phải tìm kiếm công việc ở nước ngoài hoặc chịu cảnh làm trái ngành.

“Nhiều người Indonesia có khả năng về nước khi được cấp hai quốc tịch. Trong số đó sẽ bao gồm cả nhân tài công nghệ”, bà Maria nói. Nhưng việc này phải cần thêm kế hoạch sắp xếp công việc cho người hồi hương.

Mặt khác, Indonesia vẫn có rào cản thương mại và đầu tư cao hơn các quốc gia ASEAN khác. Một trong những quy định khắc nghiệt nhất là yêu cầu về hàm lượng địa phương hóa trong sản phẩm. Nhà chức trách Indonesia yêu cầu các doanh nghiệp phải đảm bảo một tỉ lệ nhất định thành phần sản xuất nội địa.

“Không có gì lạ khi các kế hoạch đầu tư đổ bể vì những vấn để trong nước mà nhà đầu tư không thể giải quyết”, bà Maria nói.

Một ví dụ gần đây là sự thất bại của kế hoạch xây nhà máy ở Indonesia hồi năm 2022 của Tesla. Các cuộc đàm phán bắt đầu từ 2020, đi đến ngõ cụt vì các điều khoản liên quan đến cung cấp nguyên liệu thô để sản xuất máy phát. Vụ việc vẫn là rào cản tâm lý cho nhiều doanh nghiệp khi nghĩ đến việc rót tiền vào quốc gia này.

Xuân Sang

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-ceo-apple-microsoft-thay-nhau-den-indonesia-post1473812.html