Vì sao cả 4 nhà mạng Việt Nam đều chọn 1800 MHz để triển khai 4G?

Băng tần cho 4G LTE là vấn đề đã và đang gặp phải của các nhà khai thác đang muốn triển khai công nghệ này. Mặc dù tần số cho LTE dường như đang “bí”, song vẫn có nhiều dải tần có thể sử dụng được cho công nghệ này. Mỗi băng tần đều có các ưu điểm và nhược điểm riêng và do đó việc lựa chọn băng tần nào cần dựa trên thực trạng của từng nước để đạt được hiệu quả cao nhất.

1800 MHz đang là băng tần phổ biến nhất cho triển khai và thương mại hóa công nghệ 4G LTE

Việc cả 4 nhà mạng di động (bao gồm VNPT, Viettel, MobiFone và Gtel) vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép triển khai và cung cấp dịch vụ 4G đều chọn 1800 MHz để triển khai và cung cấp dịch vụ 4G cho thấy 1800 MHz có những ưu điểm và lợi thế nhất định so với các băng tần khác.

Gần 50% mạng LTE thương mại của thế giới được triển khai trên băng tần 1800 MHz

Theo lý thuyết, 1800 MHz, với tần số “hơi cao”, độ khỏe của sóng sẽ hạn chế và do đó vùng phủ của một trạm thu phát sẽ không lớn, dẫn tới số lượng trạm thu phát nhiều và do đó, chi phí triển khai mạng lưới cũng sẽ tăng lên tương đối.

Tuy nhiên, theo thống kê thực tế của Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu (GSA) thì 1800 MHz lại đang là phổ tần phổ biến nhất cho triển khai và thương mại hóa công nghệ 4G LTE khi có tới 246 trong tổng số 521 mạng LTE thương mại được triển khai trên băng tần này, chiếm tỉ trọng 47%. Cũng theo GSA, mạng LTE sử dụng băng tần 1800 MHz hay còn gọi là LTE1800 đã được triển khai tại 110 trong tổng số 170 quốc gia trên thế giới đã thương mại hóa 4G.

Trong khi đó, với ưu điểm là tín hiệu “khỏe” hơn, nghĩa là tín hiệu truyền xa hơn và cung cấp chất lượng phủ sóng trong các tòa nhà tốt hơn các tần số cao và vì vậy, các nhà khai thác cần ít trạm gốc hơn để phủ sóng một vùng điều này dẫn đến giá đầu tư thấp hơn nhưng băng tần 800 MHz lại chỉ được triển khai trên 119 mạng 4G LTE thương mại và là băng tần phổ biến theo sau băng tần 1800 MHz và băng tần 2,6 GHz (121 mạng thương mại).

Gần 60% thiết bị hỗ trợ LTE có thể hoạt động trên 1800 MHz

Ngoài chiếm ưu thế tuyệt đối về số mạng thương mại, 1800 MHz cũng là băng tần có số lượng thiết bị hỗ trợ người dùng lớn nhất khi có đến 3.889 trong tổng số 6.504 mẫu thiết bị hỗ trợ LTE, tương đương gần 60% có thể hoạt động trên băng tần này. Và điều này cũng cho thấy, ngoài các nhà mạng thì các nhà nghiên cứu, sản xuất và cung cấp thiết bị cũng rất quan tâm đến băng tần này.

Nếu tính theo thiết bị hỗ trợ, ngoài 1800 MHz thì 2600 MHz, 2100 MHz và 800 MHz cũng là những băng tần có nhiều thiết bị hỗ trợ với lần lượt là 3.566, 3.094 và 2.173 mẫu.

Trong khi đó, là một băng tần thấp và được đánh giá là có nhiều ưu thế về khả năng truyền sóng, vùng phủ sóng cũng như tiết kiệm chi phí cho nhà mạng nhưng số lượng thiết bị hỗ trợ băng tần 700 MHz còn rất hạn chế với chỉ 411 mẫu thiết bị, gần thấp nhất trong số các băng tần được áp dụng triển khai cho LTE tính đến thời điểm hiện tại.

Điều này cho thấy, việc triển khai 4G LTE trên băng tần nào không chỉ phụ thuộc vào những ưu điểm và lợi thế của băng tần đó mà còn phụ thuộc khá nhiều vào mức độ sẵn sàng và khả năng phổ biến của các thiết bị đầu cuối hỗ trợ có mặt trên thị trường.

Và điều này cũng cho thấy việc cả 4 nhà mạng Việt Nam vừa được cấp phép đều chọn 1800 MHz để triển khai và cung cấp dịch vụ 4G là những quyết định đã được nghiên cứu kỹ và cơ bản phù hợp với xu hướng chung của thế giới và qua đó đảm bảo tỉ lệ thành công cao một khi các dịch vụ thương mại được tung ra thị trường.

Lê Hường (tổng hợp)

Nguồn XHTT: http://xahoithongtin.com.vn/vien-thong-cntt/201610/vi-sao-ca-4-nha-mang-viet-nam-deu-chon-1800-mhz-de-trien-khai-4g-544910/