Vị làng ở Đường Lâm

Một sớm về Đường Lâm, hít hà cái cổ kính thâm nghiêm thấp đẫm trong từng viên đá ong trăm năm tuổi. Ăn vài món quê để thấy đây mới chính là làng trong ký ức của bao người.

Làng cổ Đường Lâm vẫn giữ được những nét đặc trưng của làng quê miền Bắc. Ảnh: Traveloka.

Vị làng nay đã mai một đi nhiều rồi. Về quê toàn thấy nhà tầng, bữa cơm cũng chẳng còn món quê nữa, ra chợ hiếm hoi lắm mới mua được vài thức về làm quà.

Nhưng về Đường Lâm, “vị làng” vốn đã đậm đà trong mùi tương nồng nàn tỏa ra từ những vại ủ giữa sân nhà, trong vệt nắng lấp lánh xiên qua những dây tóc tiên, trong mềm mại rơm rạ tời trên bánh xe lăn qua ngõ nhỏ. Nhưng vẫn còn phải kể đến những thứ theo đúng nghĩa đen là vị giác.

Thứ nhất là món bánh tẻ, thường được bán ở cổng chùa Mía. Tôi không thích bánh tẻ, thức quà vặt rất bứ miệng ấy, nhưng ngồi chiếc ghế con bên cổng chùa mà bóc lá bánh tẻ, lại đương lúc đói, thấy món ăn này trở nên có lý. Vừa ăn vừa thấy bình yên. Hoặc giả, mình đang nuốt cả miếng bình yên vào trong bụng, rồi thấy lòng chợt dậy lên nỗi ấm an và hạnh phúc.

Ngoài cổng chùa Mía, người ta bán đủ thứ quà quê, từ chuối ngự, mít mật, nhót chín cho đến các loại bánh kẹo quê, bánh gai, bánh tẻ, trứng gà và cả tương. “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”. Chả rõ câu ca dao này có phải được sáng tác ở đất hai vua hay không, nhưng tương Đường Lâm ngon cũng chẳng kém tương Bần, vốn đã nổi tiếng rằng tương phải đi với Bần.

Người làng này cũng rất sành món cà dầm tương, củ cải dầm tương, thịt lợn dầm tương rồi món gì cũng cho tương một cách ly kỳ. Canh cua cho thìa tương vào nấu, thịt lợn phải tẩm tương trước khi bắc lên than hoa. Giả cầy thêm tương thay mắm tôm. Thành thử cùng một món ăn, nhưng thưởng thức tại Đường Lâm bỗng thấy có vị đặc biệt.

Tương ăn thì ngon, nhưng khi trời nắng mọi thứ đều nhiệt tình bốc hơi, những vại tương ngoài sân luôn khiến cho khứu giác phải khó chịu, có lẽ chỉ kém lúc ngồi cạnh xưởng chế biến pho mát hay đậu phụ nhự (chao đỏ) tí thôi.

Tương được lên men qua hai giai đoạn, đầu tiên là bốc mùi thiu, sau nữa là bốc mùi… kinh hơn, nên ở đây mới có thành ngữ “Chồng thiu vợ thối khối người mê”. Mà chắc chỉ có vợ chồng nhà làm tương mê nhau thôi chứ ai mà dám.

Song đặc sản ấn tượng nhất Đường Lâm phải là chè lam. Gánh chè lam cả cô Hoa nằm ngay đầu làng, đối diện đình Mông Phụ. Thoạt đầu tôi không định nếm thử món quà quê muôn năm cũ ấy, dù ba mươi năm trước có lẽ đã rất thèm thứ quà vặt con nít này, nhưng nể cô Hoa sốt sắng chỉ đường vào nhà thờ, đành ngồi nán lại vài phút bên chõng tre đơn sơ, vài thức kẹo lạc rẻ tiền và nhón tạm một miếng chè.

Rồi không kìm được nhón thêm miếng thứ hai, thứ ba. Tôi ăn tì tì như trẻ thơ lạc bữa. Chè lam nguyên bánh to bằng chiếc mâm. Cô chủ cắt thành từng miếng nhỏ rồi ngào với bột thơm nức. Khách ăn nhanh đến nỗi chủ không kịp cắt bánh. Chè lam Đường Lâm mềm, mịn, thơm và ngậy vị bột nếp, vị gừng, vị lạc. Ấy là vị làng.

[…]

Di Li/ Thái Hà Books

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-lang-o-duong-lam-post1461536.html