Vì đâu khối ngoại bán ròng?

Nhiều yếu tố đang cùng hội tụ khiến khối ngoại bán ròng mạnh cả cổ phiếu và trái phiếu trong ngắn hạn.

Sự bất ổn tỷ giá trong những ngày gần đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân kích thích động thái bán ra của khối ngoại. Ảnh: TL SGT

Bán ròng mạnh cả cổ phiếu và trái phiếu

Động thái của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường tài chính Việt Nam thời gian gần đây đang phát đi những tín hiệu rất đáng chú ý. Cụ thể, trên thị trường cổ phiếu, khối ngoại đã bán ròng 11/12 phiên liên tiếp với giá trị 1.560 tỉ đồng trên sàn HSX. Còn tính riêng trong tuần qua (21 đến 25-11), nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong cả năm phiên giao dịch với tổng giá trị hơn 810 tỉ đồng, tăng 39% so với tuần trước đó.

Cổ phiếu Vinamilk (VNM) bị bán ròng mạnh nhất trong tuần với 4,72 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng đạt 583 tỉ đồng. Ngoài ra, khối ngoại còn bán thỏa thuận 1,68 triệu cổ phiếu VNM, giá trị 314,5 tỉ đồng. Diễn biến này khá bất ngờ khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mới đây đã tổ chức các buổi giới thiệu về cơ hội mua 9% vốn điều lệ Vinamilk (tương đương hơn 130 triệu cổ phiếu) mà SCIC dự định bán ra trong tháng 12.

Trước đó, một thông tin đáng tham khảo là ba quỹ đầu tư thành viên do Dragon Capital quản lý gồm DC Developing, CH SE Asia Investment và Amersham Industries đã có thông báo liên quan đến giao dịch của cổ đông lớn tại VNM. Cụ thể, DC Developing đăng ký mua 700.000 cổ phiếu VNM, Amersham Industries đăng ký bán 1,62 triệu cổ phiếu VNM và CH SE Asia Investment đăng ký bán toàn bộ 236.865 cổ phiếu VNM. Như vậy, tổng cộng, các quỹ thành viên của Dragon Capital đăng ký bán ròng 1,15 triệu cổ phiếu VNM. Cả ba giao dịch trên dự kiến thực hiện từ ngày 21-11 đến ngày 20-12. Như vậy, rất có khả năng một phần trong tổng giá trị bán ròng VNM của khối ngoại tuần qua xuất phát từ ba quỹ do Dragon Capital quản lý. Nếu đúng như vậy thì sau khi bán xong, Dragon Capital hiện chỉ còn nắm giữ 0,8% vốn điều lệ VNM.

Mặc dù các yếu tố đang cùng hội tụ, khiến giá trị bán ròng của khối ngoại đang bị khuếch đại lên khá lớn nhưng điểm tích cực là các yếu tố này đều chỉ mang tính ngắn hạn.

Đứng ở vị trí bị bán ròng mạnh tiếp theo trong tuần qua là các cổ phiếu lớn khác như HPG (1,68 triệu cổ phiếu, giá trị 69,8 tỉ đồng); VIC (1,6 triệu cổ phiếu, giá trị 67,4 tỉ đồng); BID (1,55 triệu cổ phiếu, giá trị 14,7 tỉ đồng). Như vậy, tính trên sàn HSX, sau khi mua ròng nhẹ 71 tỉ đồng trong tháng 10, khối ngoại đã ngay lập tức quay trở lại bán ròng trong tháng 11 với giá trị tính đến hết ngày 25-11 là 1.224 tỉ đồng. Và tính từ đầu năm đến nay thì giá trị này đã là 6.500 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái khối này mua ròng lên tới 3.900 tỉ đồng.

Trên thị trường trái phiếu, nhà đầu tư nước ngoài cũng đã có 8/9 tuần bán ròng liên tiếp. Đặc biệt, chỉ trong ba tuần gần đây, khối này đã bán ròng 6.500 tỉ đồng trên thị trường thứ cấp. Đây là động thái khá quyết liệt nếu biết rằng khối này đã liên tục mua ròng trong 10 tháng đầu năm. Diễn biến này đã khiến tổng giá trị mua ròng của họ trên thị trường trái phiếu kể từ đầu năm đến nay chỉ còn 10.460 tỉ đồng, bằng một nửa so với thời điểm cuối quí 3.

Nhiều yếu tố cùng hội tụ!

Việc khối ngoại bán ròng liên tiếp trong các tuần gần đây có thể xuất phát từ một số yếu tố sau:

Thứ nhất là khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong tháng 12 khiến dòng vốn ngoại đang có xu hướng rút ra khỏi các thị trường cận biên và mới nổi. Trong cuộc điều trần mới nhất tại Ủy ban Tài chính Hạ viện Mỹ, Chủ tịch Fed, bà Yellen, cho biết Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) sẽ không từ bỏ ý định nâng lãi suất vào tháng 12. Còn theo khảo sát mới nhất của CME Group, xác suất cho khả năng này hiện đã tăng lên mức rất cao (trên 90% thay cho mức 81% hồi đầu tháng 11). Quỹ ETF V.N.M, niêm yết trên thị trường Mỹ, có tỷ trọng đầu tư chủ yếu vào Việt Nam, đã liên tục bị rút vốn trong thời gian gần đây. Tài sản ròng của quỹ đã giảm 28,6 triệu đô la Mỹ (tương đương khoảng 650 tỉ đồng) trong thời gian từ 31-10 đến 25-11. Giá trị giao dịch của quỹ đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước cũng giảm khoảng 6% so với hồi đầu tháng 11, chỉ còn khoảng 13,43 đô la Mỹ/CCQ, thấp hơn mức NAV (giá trị tài sản ròng) của quỹ (13,8 đô la Mỹ/CCQ). Như vậy, chắc chắn một phần giá trị bán ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam những tuần qua đến từ quỹ này.

Thứ hai, một số quỹ ngoại có thể đang xem xét chốt lời các khoản đầu tư trong danh mục hiện tại, chuẩn bị nguồn tiền đầu tư vào một số doanh nghiệp nhà nước chuẩn bị IPO hoặc lên sàn. Đây là một trong những chủ đề đầu tư được coi là hấp dẫn nhất trong năm 2017. Những cái tên như Sabeco, ACV, Novaland, Petrolimex... nếu sớm được niêm yết sẽ thu hút rất lớn sự quan tâm của khối ngoại. Ước tính, tổng giá trị vốn hóa của 15 doanh nghiệp dự kiến IPO hoặc lên sàn trong thời gian tới vào khoảng 15 tỉ đô la Mỹ. Đấy là còn chưa kể các đợt thoái vốn của SCIC tại 10 doanh nghiệp lớn như VNM, BMP, NTP, BMI... Tái cơ cấu danh mục đầu tư, chuẩn bị nguồn lực cho các cơ hội hứa hẹn mức sinh lời cao hơn trong tương lai có thể đang là một trong những ưu tiên của khối ngoại.

Thứ ba, bất ổn tỷ giá những ngày gần đây cũng được xem là nguyên nhân kích thích động thái bán ra của khối ngoại. Tỷ giá liên tục nhảy múa, leo thang lên mức cao nhất gần 22.800 đồng/đô la Mỹ trong tuần qua. Diễn biến mạnh lên rõ rệt của đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới cùng kỳ vọng “sóng” tỷ giá trong nước vào thời điểm cuối năm đang gây áp lực không nhỏ lên tiền đồng. Khi tỷ giá biến động, các nhà đầu tư cũ thường có xu hướng rút vốn ra để bảo toàn lợi nhuận trong khi nhà đầu tư mới thì tạm dừng giải ngân và chờ đợi. Hệ quả của việc rút vốn lại càng gây sức ép, khiến tiền đồng mất giá mạnh hơn.

Mặc dù các yếu tố đang cùng hội tụ, khiến giá trị bán ròng của khối ngoại đang bị khuếch đại lên khá lớn nhưng điểm tích cực là các yếu tố này đều chỉ mang tính ngắn hạn. Sau khi Fed chính thức tăng lãi suất hoặc biến động tỷ giá qua đi, nhiều khả năng khối ngoại sẽ dừng bán ròng. Về lâu dài, yếu tố quan trọng nhất giúp Việt Nam thu hút vốn ngoại vẫn phải là nền tảng vĩ mô ổn định, triển vọng kinh tế khả quan cùng quyết tâm IPO, tăng tính minh bạch cho khối doanh nghiệp nhà nước. Mà những điều này vẫn chủ yếu phụ thuộc vào chính chúng ta.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/154427/vi-dau-khoi-ngoai-ban-rong.html/