Vì đàn em thân yêu

'Cánh én hồng' là phần thưởng cao quý của Hội đồng Đội Trung ương dành cho các giáo viên Tổng phụ trách Đội xuất sắc cả nước. 'Cánh én hồng' cũng trở thành một biệt danh dễ thương để gọi tên họ. Đóng vai trò quan trọng không kém so với các giáo viên đứng lớp, công việc của một Tổng phụ trách Đội không chỉ đòi hỏi những kỹ năng chuyên môn đặc thù mà còn cả tình yêu thương, sự gần gũi, thấu hiểu tâm lý của học sinh, để từ đó dẫn dắt các em bằng những phong trào, hoạt động ý nghĩa.

Học sinh là niềm vui trong công việc

Cô Nguyễn Thị Ánh Nụ đã có thâm niên gần 10 năm gắn bó với công tác đội tại Trường tiểu học Thiện Hưng C, huyện Bù Đốp. Những ngày đầu nhận nhiệm vụ tại huyện biên giới, cô giáo trẻ gặp nhiều khó khăn. Trường tiểu học Thiện Hưng C có nhiều yếu tố đặc thù, vừa ở khu vực biên giới vừa đông học sinh dân tộc thiểu số, học sinh thường không đến lớp ổn định, bỏ học sớm. Tuy nhiên, tình yêu với học sinh là động lực để cô gắn bó lâu dài. "Với vai trò là Tổng phụ trách Đội, tôi nghiên cứu nhiều cách để giúp học sinh vừa chơi vừa học và các em được đến trường với tâm thế vui vẻ nhất. Đặc biệt, khi có quà các mạnh thường quân gửi về, tôi lồng ghép vào đó và chia đều cho tất cả học sinh. Từ đó tự các em sẽ truyền tai nhau niềm vui đến trường… Cứ như thế, các em đến lớp đều đặn và ổn định qua từng năm" - cô Nụ lấp lánh niềm vui khi chia sẻ bí quyết "dụ dỗ" học sinh của mình.

Cô Nguyễn Thị Ánh Nụ hướng dẫn học sinh cách phân biệt rác thải nhựa, bảo vệ môi trường ở Trường tiểu học Thiện Hưng C

Chính cách làm đó mà tình trạng học sinh bỏ học sớm ở xã biên giới Thiện Hưng đã được khắc phục. Năm 2015, Trường tiểu học Thiện Hưng C chỉ có hơn 300 học sinh thì đến nay số học sinh của trường hơn 500 em, thậm chí có những em ở các xã lân cận cũng đăng ký học tập ở đây. Góp phần vào thành công đó là sự đóng góp không nhỏ của công tác đội.

Từ khi đảm nhận công tác đội, cô Nụ không còn đứng lớp, chính vì thế, cô dành nhiều thời gian cho các hoạt động của học sinh, đặc biệt là ở các điểm lẻ. Hướng dẫn cách phân loại rác thải; dạy các em kiến thức xã hội hay đơn giản là cách tự chăm sóc, bảo vệ thân thể… những bài học được dạy theo phong cách của công tác đội, vừa học vừa chơi đã mang đến các em sự hào hứng, phấn khích. Từ đó hình ảnh cô Tổng phụ trách Đội thân thiện, gần gũi đã trở nên quen thuộc với học sinh nơi đây.

Gần 10 năm trong nghề, cô Nụ là một trong những “cánh én hồng” nổi bật của huyện biên giới Bù Đốp. Công tác đội của trường cũng đạt nhiều thành tích và được tuyên dương, khen thưởng từ các cấp. Đó cũng là cơ sở để cô tiếp tục hành trình của mình, truyền đạt thêm nhiều kỹ năng sống tích cực, giúp học sinh trưởng thành hơn trên đường đời.

Một giáo viên Tổng phụ trách Đội thường rất gần gũi và được học sinh đặt niềm tin để trò chuyện, noi theo. Vì thế, tất cả hành động và lời nói tôi đều tiên phong, chuẩn mực. Các em nhìn mình để trưởng thành, mình cũng thấy tự hào hơn.

"Cánh én hồng" NGUYỄN THỊ ÁNH NỤ, Trường tiểu học Thiện Hưng C, huyện Bù Đốp

"Người thân" của học sinh

Công tác đội là lĩnh vực hướng đến các em, vì đàn em thân yêu, bởi ngoài tổ chức các phong trào, hoạt động cho học sinh, giáo viên Tổng phụ trách Đội cũng là người mà học sinh gần gũi nhất và dễ bày tỏ cảm xúc, tình cảm nhất. Giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Tân Thành, huyện Bù Đốp Đinh Công Thịnh còn là "người thân" của chính học sinh. Sắp xếp thời gian hợp lý, anh Thịnh kiêm luôn công việc đưa đón học sinh, rồi đến tận nhà động viên để các em an tâm đi học. Bởi anh mong muốn, một việc nhỏ của mình sẽ là niềm khích lệ tinh thần to lớn cho các em.

Chú trọng vào kỹ năng, nên trong các tiết học ngoại khóa, thầy giáo Đinh Công Thịnh ưu tiên hướng dẫn học sinh những điều cần thiết, bổ ích cho cuộc sống

Ngoài thực hiện tốt các kế hoạch, nhiệm vụ đã đăng ký đầu năm, anh Thịnh cũng tỉ mỉ và chịu khó thực hiện nhiều hoạt động cho học sinh. Đó có thể là những công việc phù hợp với sức khỏe hay những kỹ năng mềm cần thiết để các em tích lũy vốn sống. “Những kỹ năng tôi dạy các em thường là mẹo vặt trong cuộc sống. Ví như cách rút dây để các em biết buộc dây giày; tôi dạy các em trò chơi tập thể để gắn bó nhau hơn… Và rất vui khi các buổi dạy của tôi được học sinh hưởng ứng và tham gia tích cực” - anh Thịnh bày tỏ.

"Làm tổng phụ trách rất cần sự nhiệt tình, tâm huyết và yêu trẻ. Thường xuyên vui đùa với học sinh và tôi chưa bao giờ áp đặt điều gì để các em phải sợ hãi và khó chia sẻ với thầy. Nhiều lúc tôi xem mình là người anh của các em, khi đó các em sẽ gần gũi, dễ dàng thổ lộ, tâm sự. Đó cũng là niềm vui của người Tổng phụ trách Đội".

"Cánh én hồng" ĐINH CÔNG THỊNH, Trường THCS Tân Thành, huyện Bù Đốp

Với đặc thù của nghề, phần lớn người làm công tác Tổng phụ trách Đội ở trường sẽ không đứng lớp với chuyên môn đã được đào tạo. Đến nay, anh Thịnh đã đảm nhận vai trò Tổng phụ trách Đội được 19 năm và không đứng lớp. Thay vào đó, anh tập trung nhiều cho các hoạt động ngoài trời, ngoại khóa của học sinh. Vì tiếp xúc nhiều với học sinh nên người làm công tác đội thường rất vui vẻ, hoạt bát, coi học sinh như những người bạn để cùng chuyện trò. Sự ngây thơ, hồn nhiên của học sinh cũng chính là động lực để anh Thịnh vui và gắn bó với công việc hơn.

Bất kể nghề nghiệp nào cũng có nỗi khổ mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu. Công việc của giáo viên Tổng phụ trách Đội cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, thành công của các hoạt động, phong trào, sự hồn nhiên, quấn quýt của học sinh luôn là niềm tự hào lớn nhất mà những giáo viên Tổng phụ trách Đội như cô Nụ, thầy Thịnh có được. Từ đó họ hạnh phúc hơn với nghề đã chọn và tiếp tục "truyền lửa", tiếp bước các em trong hành trình khôn lớn, trưởng thành.

Thanh Nga

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/139910/vi-dan-em-than-yeu