Vị cựu chiến binh một đời với Đảng và mảnh đất quê hương thứ 2

43 tuổi Đảng, 65 tuổi đời, cựu chiến binh Lê Văn Cẩn đã dành trọn cuộc đời cống hiến cho Đảng, cho đất nước, cho vùng đất Ea Wer, Buôn Đôn, Đăk Lăk.

43 tuổi Đảng, 65 tuổi đời, cựu chiến binh Lê Văn Cẩn đã dành trọn cuộc đời cống hiến cho Đảng, cho đất nước, cho vùng đất Ea Wer, Buôn Đôn, Đăk Lăk. Hơn 20 năm hoạt động cách mạng, gần 20 năm làm các chức vụ từ Bí thư xã cho đến Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc màu da cam huyện Buôn Đôn, ông đã đóng góp nhiều vào sự thay đổi bộ mặt thôn buôn nơi đây.

20 năm dành trọn cho Đảng, cho đất nước!

Cựu chiến binh Lê Văn Cẩn.

Sinh năm 1951 tại vùng đất nông thôn miền Bắc thuộc xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, năm 1969, khi đang là một học sinh lớp 8, lệnh nhập ngũ về đến mảnh đất quê hương, người thanh niên 18 tuổi Lê Văn Cẩn gác bút nghiên đi theo tiếng gọi của quê hương và đất nước.

Tham gia huấn luyện tại đại đội 2, tiểu đoàn 531, trung đoàn 7 thuộc Quân khu 3 tại Quảng Ninh. Sau thời gian huấn luyện, với tấm lòng nhiệt huyết, ông đeo ba lô lên đường vào mảnh đất Sơn Tịnh, Quảng Ngãi nhập ngũ vào tháng 2 năm 1970. Tại đây, ông đóng quân tại tiểu đoàn 406 của Quân khu 5. Sau 2 tháng, ông tham gia đánh trận đầu đánh trận quận Trà Bồng tỉnh Quãng Ngãi vào tháng 4 năm 1970.

Nhớ lại những năm tháng đầu hoạt động kháng chiến, ông Cẩn cho biết: “Vào năm 1971, tiểu đoàn đặc công 409 kết hợp với tiểu đoàn 403 thành trung đoàn đặc công, đánh trận lớn để chuẩn bị đánh trận lớn ở Đệ Đức, Bình Định. Mặc dù đây là trận đánh lớn, đánh thắng nhưng không đánh dứt điểm được vì địch mạnh.

Và trong trận đánh này, kỷ niệm mà tôi nhớ mãi không quên đó là khi đánh xong, trong quá trình rút quân, tôi vô tình gặp lại người bạn đồng hương Thái Bình tên Dũng – lúc bấy giờ anh Dũng bị đạn bắn xuyên qua bả vai. Tôi cùng một đồng chí khác tên Ngự vội vàng đưa anh Dũng di chuyển ra vùng an toàn, thực hiện các bước tiểu phẫu và băng bó, khi chuẩn bị đưa đi trung phẫu thì máy bay địch đến oanh tạc nên cả 3 người trong quá trình thoát khỏi vùng oanh tạc thì bị lạc trong rừng.

Bị lạc suốt 1 ngày 1 đêm, trong người lúc bấy giờ chỉ còn 1 hộp sữa, còn thức ăn thì trong quá trình bị máy bay oanh tạc đã phải vứt lại ở cánh đồng. Sữa để dành pha nước sôi cho anh Dũng vì anh ấy bị thương. Quá đói, tôi cùng anh Ngự bàn bạc cách chống đỡ qua cơn đói để tìm đường về đơn vị.

Vì anh Ngự là “lính mới”, tôi để anh ấy lại cùng anh Dũng, còn bản thân mình thì lần mò tìm về cánh đồng lúc bỏ lại lương khô để tìm chút thức ăn. May mắn là tôi tìm được một gói gạo rang, lúc này vì ngâm nước quá lâu đã bốc mùi chua khó chịu. Có còn hơn không, tôi tìm thêm được 1 hộp cá hộp sau đó đem về nấu cháo lên cho cả 2 anh em.

Cứ như vậy, vừa uống nước suối vừa ăn cầm chừng cho đến sáng hôm sau. Sau khi trinh sát đi tìm những đồng chí bị lạc thì gặp được chúng tôi. Vì quá mệt và đói nên anh Dũng được các trinh sát khiêng về trung phẫu và đưa lên bệnh viện quân khu”.

Trận đánh này cũng có 1 kỷ niệm khác mà ông Cẩn luôn mỉm cười mỗi khi nhớ lại, bởi đó là câu chuyện của 1 người lính trinh sát đánh trận đầu dù bỡ ngỡ nhưng tinh thần chiến đấu rất cao, luôn trong tinh thần sẵn sàng hi sinh bản thân mình. “Anh ấy tên là Khắc Dần, quê ở Hải Dương. Là 1 lính trinh sát nhưng trong trận đánh đầu tiên sau khi đưa đặc công vào thì anh bị lạc. Không tìm được đường ra thế là anh Dần bèn chui vào gầm giường của nhà một tên địch để nằm.

Lúc bấy giờ mọi người đều cứ nghĩ anh đã hi sinh, nhưng sau khi anh thoát ra được, về đơn vị thì mọi người mới biết được lúc anh nằm dưới gầm giường, trong người anh có 2 quả lựu đạn và 1 khẩu súng AK, nếu bị phát hiện thì anh sẽ cùng chết luôn. Bởi khi phía địch từ dưới hầm lên thì dùng chổi quét nhà, cây chổi cứ đưa xuống gầm giường nơi anh Dần nằm nhưng vẫn không bị phát hiện. Đến tối, tận dụng được thời cơ nên anh Dần bò ra và tìm về đơn vị”.

Sau thời gian đó, ông Cẩn còn tham gia rất nhiều trận đấu khác nhau. Đến tháng 8/1973, Quân khu 5 thành lập 1 trung đoàn thiết giáp, ông Cẩn được điều chuyển về đây để lo công tác hậu cần. Tại đây, nhiều công tác nhiệm vụ được ông Cẩn hoàn thành tốt. Khi tiểu đoàn của ông vào đến Nha Trang thì giải phóng Sài Gòn thì ông dừng lại tại đây.

Sau giải phóng, năm 1976, ông về quê lấy vợ, trong thời gian xin ra quân thì chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Thế là tháng 12/1978, ông Cẩn lại một lần nữa mang balo hành quân sang chiến trường Campuchia để phục vụ công tác hậu cần. Đến tháng 3/1980, ông về nước và ở lại trung đoàn cho đến tháng 8/1985, ông xin chuyển vùng về Quân khu 9 để được gần gia đình. Được bố trí công tác tại tỉnh đội Kiên Giang đến năm 1991 thì ông nghỉ hưu.

Về hưu được 3 tháng, lúc bấy giờ ông Cẩn chỉ vừa mới bước vào tuổi 40, không lãng phí người tài, chính quyền xã lại tiếp tục trọng dụng ông ra làm Chủ tịch hội cựu chiến binh kiêm chủ tịch mặt trận. Đến tháng 8/1995, sau một lần lên Buôn Đôn, tỉnh Đak Lak để thăm người thân, cuộc sống yên bình, người dân chân chất và đất đai màu mỡ nơi đây đã níu chân ông. Với ước mơ được xây dựng lên 1 trang trại nuôi bò, nuôi dê và sống những tháng ngày bên vợ con, nhưng ông lại 1 lần nữa đành gác lại khi mảnh đất này, người dân nơi này còn cần ông phục vụ.

Chung tay xây dựng nên một thôn buôn phát triển

Lúc bấy giờ các vùng thôn buôn ở Buôn Đôn còn khó khăn trong việc phát triển và xây dựng bộ máy chính quyền xã, nên khi biết ông là một sỹ quan quân đội nghỉ hưu, đại diện xã đã đến vận động ông ra phục vụ xây dựng vùng đất này. Là một người đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, ông Cẩn cũng nhận thấy được vùng đất này chưa phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Thế là ông lại 1 lần nữa ra chính quyền làm việc.

Từ một xã chỉ có 7 Đảng viên vào năm 1997, chỉ sau 1 năm đã phát triển lên đến 180 Đảng viên. Từ đó Đảng bộ được thành lập, ông giữ chức Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch hội đồng kiêm huyện ủy viên. Rồi thay vì 2 năm phục vụ như dự định ban đầu, ông tham gia vào các phong trào xây dựng chính quyền, xây dưng cuộc sống vùng thôn buôn xã Ea Wer ở đây đến 10 năm mới bắt đầu nghỉ hưu.

Ông Cẩn và vợ của mình (hình chụp năm 1978).

Có lẽ, nếu nói động lực nào để ông có thể làm tốt mọi công tác, thì có lẽ đầu tiên phải nhắc đến người vợ đã đồng cam cộng khổ cùng ông mấy chục năm qua. Nhắc đến người vợ của mình, ông Cẩn không giấu được niềm tự hào về người vợ đảm đang, khéo léo nuôi dạy con và làm kinh tế của mình. Nhờ có bà, ông mới có thể yên tâm chuyện nhà cửa để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Tháng 8/2005, ông về hưu, chăm lo ổn định cho cuộc sống gia đình cho vợ con. Nhưng đến năm 2013, ông lại một lần nữa được chính quyền huyện Buôn Đôn vận động ra giữ chức chủ tịch Hội nạn nhân chất độc màu da cam cho đến nay.

Nói đến những khó khăn những ngày đầu khi ông về vùng đất Ea Wer, Buôn Đôn này, Ông cho biết: “Buôn Đôn là một huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ nghèo, hộ cận nghèo còn rất nhiều nên hiểu biết và nhận thức của đa số người dân nơi đây có phần đơn giản, còn nhiều hạn chế. Vào những năm 1980 trở đi, số người từ miền Bắc vào Buôn đôn nhập cư lại rất đông”.

Nhận thấy những vấn đề nổi cộm ở đây, ngay từ khi đảm nhiệm vai trò làm Bí thư xã, ông đã cùng tham gia xây dựng nên nhiều chiến lược để phát triển để phát triển địa phương. “ Lúc bấy giờ Ea Wer cũng như những xã, thôn buôn khác của Buôn Đôn rất nghèo nàn. Cả xã cũng chỉ có 1, 2 cái ti vi trắng đen và vài ba chiếc xe 80, 81... trẻ em không được học hành, bệnh tật không có nơi khám chữa. Thế nhưng giờ đây, Ea Wer đã là 1 vùng 3 với điện, đường, trường, trạm khang trang, cơ sở hạ tầng sạch đẹp. Cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao”.

Ở tuổi 65 của cuộc đời, ông vẫn luôn đề cao trách nhiệm, tận tụy trong công việc. Và ở cái tuổi 65, cái tuổi mà tâm hồn con người dường như bình lặng, đã có thể chiêm nghiệm về cuộc đời, ông Lê Văn Cẩn vẫn lặng lẽ theo dõi những bước đi của thôn buôn nơi mình gắn bó, làm quê hương thứ 2. Trong nhiều năm liền, ông liên tục được các cấp chính quyền tặng bằng khen, giấy khen vì những đóng góp của mình.

Nhóm PVMĐ/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/vi-cuu-chien-binh-mot-do%cc%80i-voi-da%cc%89ng-va%cc%80-ma%cc%89nh-da%cc%81t-que-huong-thu%cc%81-2-p41378.html