Ra mắt cuốn sách 'Từ Việt Bắc về Hà Nội' - Tập 3 trong Bộ tiểu thuyết 5 tập 'Nước non vạn dặm' của tác giả Nguyễn Thế Kỷ

Ra mắt sách 'Từ Việt Bắc về Hà Nội' - Tập 3 trong Bộ tiểu thuyết 5 tập 'Nước non vạn dặm', nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tập sách của PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

Bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”, theo nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, sẽ có 5 tập, tập 3 vừa ra mắt bạn đọc, khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 5 giai đoạn quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người.

 Tập 3 “Từ Việt Bắc về Hà Nội” trong bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”, của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ.

Tập 3 “Từ Việt Bắc về Hà Nội” trong bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”, của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ.

Tập 3 “Từ Việt Bắc về Hà Nội” (2024), khắc họa hình tượng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ đầu năm 1941 đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Chiều 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong khoảng thời gian 5 năm đó, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhen nhóm và thổi bùng ngọn lửa cách mạng ở địa đầu Tổ quốc “Non xa xa, nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là/ Đây suối Lê Nin, kia núi Mác/ Hai tay xây dựng một sơn hà”.

Bối cảnh hiện thực đời sống của tập 3 diễn ra từ 1941 đến 1945, tình hình cách mạng Việt Nam tuy âm thầm bề ngoài nhưng sôi sục bên trong để chờ thời cơ bùng lên cơn bão táp lớn; tình hình của nước láng giềng Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc, của chính quyền Quốc dân; các nhân vật quan trọng của Liên Xô, của Mỹ hiện diện ở Trung Quốc; diễn biến cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2; gương mặt bạc nhược của một số chính khách của Việt Quốc, Việt Cách, Việt Nam Phục quốc quân…đang lưu vong ở Trung Quốc…

Tập sách thứ 3 cung cấp thêm cho người đọc về những hoạt động phong phú, tầm nhìn chiến lược, sắc sảo của lãnh tụ Hồ Chí Minh khi Người hoạt động ở Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên; những chuyến qua lại biên giới Việt - Trung như con thoi của Người để móc nối liên lạc với Đảng Cộng sản Trung Quốc, nắm tình hình của chính phủ Quốc dân; việc Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt và giam giữ hơn một năm, đày ải qua hàng chục nhà lao lớn nhỏ; hoàn cảnh ra đời của các bài thơ trong “Nhật ký trong tù”; tấm lòng quý mến của những người dân Trung Quốc với Hồ Chí Minh và các đồng chí của Người;

Người trở về nước, tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta đi đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945... Người đọc sẽ thích thú và bị cuốn hút khi đọc các trang viết về việc lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh; Người cho ra tờ báo Việt Nam Độc lập; Người chỉ đạo thành lập các đội du kích nhỏ, biên soạn tài liệu “Cách đánh du kích”; Người thiết lập các mối quan hệ khá sớm với đại diện nước Mỹ ở Trung Quốc và sau đó với nhóm “Con Nai” của Mỹ ở Tuyên Quang giữa năm 1945... Những chi tiết ấy từ lịch sử đã đi vào văn chương, tạo cho nhiều trang viết sự mới mẻ, hấp dẫn.

Ở phần cuối tập 3, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ khắc họa thật xúc động, hào hùng không khí đất nước ta trước ngày Tổng khởi nghĩa. “Sáng sớm ngày 22 tháng 8, Hồ Chí Minh rời Tân Trào xuôi về Hà Nội. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời ông được đặt chân đến thủ đô của đất nước mình. Sau 30 năm lênh đênh bốn biển, đã đi qua nhiều nước, nhiều châu lục, ông mới về tới mảnh đất thân thương nơi địa đầu Tổ quốc và 5 năm tiếp theo, bằng đường rừng là chủ yếu, ông đã đi từ Cao Bằng, qua Bắc Cạn, qua Tuyên Quang, Thái Nguyên rồi vượt sông Hồng về Hà Nội. Mấy hôm rồi, sức khỏe của ông vẫn chưa tốt, trận ốm kéo dài đúng vào lúc nhiều việc lớn, đầy khó khăn ập đến...”

“Về gần tới Hà Nội, nạn lụt đang hoành hành dữ dội. Nhiều ruộng đồng chìm nghỉm trong mênh mông nước. Nhìn nước nhấn chìm cả những ngôi nhà, bờ cây, ruộng nương, lòng ông quằn quặn một nỗi đau xót không tả xiết. Độc lập đã gần kề rồi, nhưng trong lòng ông chưa bao giờ quên câu nói của Lênin - người thầy vĩ đại của ông: "Giành được chính quyền đã khó, giữ được chính quyền còn khó hơn". Giành, giữ chính quyền, giải quyết nạn đói, nạn thất học, cải thiện lối sống lạc hậu tối tăm, và nữa, các thế lực ngoại bang đang rắp ranh tiếm quyền, xâm lược...”..(tập 3, tr 181, Từ Việt Bắc về Hà Nội).

 PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

Trước đó, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã ra mắt Tập 1 và Tập 2 của bộ sách.

Tập 1 có tên “Nợ nước non” (2022), khắc họa hình tượng Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành lớn lên cùng lời ru đau đáu của bà, của mẹ thuở lọt lòng: “Con ơi nhớ lấy câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch rách thơm/ Công danh là nợ nước non phải đền”. Hơn 5 tuổi, Cung cùng cha mẹ và anh Khiêm phải xa bà ngoại, xa chị Thanh vào kinh đô Huế, ở đó gần 6 năm (1895 - 1901); sau khi bà Hoàng Thị Loan qua đời ở độ tuổi 33 trong căn nhà trọ chật hẹp ở Huế, ba cha con ông Nguyễn Sinh Sắc quay trở lại Nam Đàn, Nghệ An.

Chuyến đi vào Huế lần thứ hai (1906 - 1909), tiếp đó là cuộc hành trình đi về phương Nam của hai cha con Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Tất Thành. Họ có cuộc gặp và chia tay tủi buồn, xa xót ở đất Bình Khê, Bình Định với lời dặn của cha “Nước mất thì nhà đâu còn…nước mất thì phải lo tìm nước, đừng mất công tìm cha” (tập 1, tr180, 181, NNN). Nguyễn Tất Thành vào trường Dục Thanh, Phan Thiết làm thầy giáo một thời gian ngắn rồi vào Sài Gòn để ngày 5/6/1911, rời thương cảng Sài Gòn vượt trùng khơi tìm đường cứu nước.

Tập 2 có tên gọi “Lênh đênh bốn biển” (2023) khắc họa hình tượng Nguyễn Tất Thành, trong tên mới Nguyễn Văn Ba, xuống con tàu biển mang tên Đô đốc Latouche Tresville sang phương Tây, như sau này Người kể lại “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”. Ở Pháp, Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và một số người yêu nước gốc Việt gửi “Yêu sách của nhân dân An Nam” đến Hội nghị Versaille (1919); Ngày 29/12/1920, cùng với đa số tuyệt đối đại biểu tham dự Đại hội XVIII của Đảng Xã hội Pháp tại Thành phố Tours, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ III, và Người là một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1922, Người sáng lập báo “Người cùng khổ” (Le Paria), ngay bài viết cho số đầu tiên, Người khẳng định sứ mệnh tờ báo là “giải phóng con người”.

Ở trời Tây, vừa vất vả lao động kiếm sống, vừa đau đáu tìm kiếm con đường cứu nước, cứu dân, Nguyễn Ái Quốc nhận rõ một sự thật đầy tủi buồn, uất hận: chính chủ nghĩa tư bản, bè lũ đế quốc thực dân là những kẻ gây ra mọi áp bức, bóc lột, đau khổ cho công nhân, nông dân và các tầng lớp khác ở thuộc địa và ở ngay cả chính quốc.

Sau này, Người kể: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ Ba”. Qua hoạt động yêu nước, tìm đường đi cho dân tộc, Người hiểu rõ “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ” . Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tiếp thu sơ thảo Luận cương của V.I. Lênin về các vấn đề dân tộc và các vấn đề thuộc địa. Năm 1925, Người xuất bản “Bản án chế độ thực dân Pháp”.

Đi trọn 30 năm từ Đông sang Tây, từ Tây về Đông qua Pháp, Anh, Mỹ, châu Phi, châu Úc, Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan…để có sự kiện ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng, Hồng Kông, Trung quốc, Người đại diện cho Quốc tế Cộng sản triệu tập Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản trong nước thành một chính đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng... do chính Người soạn thảo, đưa cách mạng Việt Nam bước vào trang sử mới. Ngày 28/1/1941, Người có chuyến trở về Tổ quốc như một mốc son chói lọi.

 3 tập sách trong 5 tập bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ.

3 tập sách trong 5 tập bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ.

Theo dự kiến của tác giả, tập 4 sẽ ra mắt trước ngày 2/9/2024 và tập 5 ra mắt trước ngày 19/5/2025. Bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” được đánh giá là tác phẩm văn học đương đại Việt Nam phản ánh đầy đủ, sâu sắc và sinh động về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là hình tượng Hồ Chí Minh, con người Hồ Chí Minh, con đường cách mạng Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh.

PV

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/ra-mat-cuon-sach-tu-viet-bac-ve-ha-noi-tap-3-trong-bo-tieu-thuyet-5-tap-nuoc-non-van-dam-cua-tac-gia-nguyen-the-ky-post289316.html