Vị chúa nào từng phải đào hầm để sống vì sợ sấm?

Tương truyền sau một lần bị sét đánh suýt chết, vị chúa Trịnh này đã cho lính đào hầm, làm nhà dưới đất để trốn, không dám tùy tiện đi ra ngoài.

1. Vị chúa này là ai?

Trịnh Sâm
Trịnh Doanh
Trịnh Giang
Trịnh Kiểm

Chính xác

Trịnh Giang (1711 – 1762) còn có tên khác là Trịnh Khương, là vị chúa họ Trịnh thứ 6 trong giai đoạn Lê Trung hưng của lịch sử Việt Nam.

Theo sách Vũ trung tùy bút của danh sĩ Phạm Đình Hổ, chúa Trịnh Giang từng bị sét đánh gần chết khiến hoảng loạn tâm thần, cứ nghe tiếng sấm là kinh hồn bạt vía. Từ đó về sau, chúa nghe theo lời hoạn quan trong cung, tự nhốt mình trong cung điện dưới lòng đất để trốn, bất chấp tình hình đất nước ngày càng rối ren với hàng loạt cuộc khởi nghĩa nông dân.

2. Vị chúa Trịnh này còn nổi tiếng bởi tính xấu nào?

Tham ăn
Hoang dâm
Thích cờ bạc
Thích hành hạ người khác

Chính xác

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi rằng sau khi phế truất, giết hại vua Lê Duy Phường, chúa Trịnh Giang ngày càng ăn chơi hưởng lạc, dâm loạn không có chừng mực.

Theo một số tài liệu, Trịnh Giang thậm chí còn thông dâm với bà Kỳ viên phi họ Đặng, vợ lẽ của Trịnh Cương (bố của Trịnh Giang). Khi mọi chuyện vỡ lở, mẹ chúa là bà Vũ Thái phi đã ép người vợ lẽ này tự tử.

Chúa cũng là người thích phô trương. Trịnh Giang đặt ra lệ khi lên chầu hay du tuần đề phải có phường nhạc tấu inh ỏi, cờ lệnh đi trước dẫn đường. Khi Chúa ngủ dậy cũng phải có lính bắn ba tiếng súng để báo hiệu.

3. Ai là người đã thay Trịnh Giang nắm quyền nhà Chúa?

Trịnh Doanh
Trịnh Kiểm
Trịnh Cán
Trịnh Bồng

Chính xác

Chúa Trịnh Giang ăn chơi hưởng lạc, sau lại ở ẩn dưới hầm khiến chính trị trong triều rối loạn. Bấy giờ, thái giám Hoàng Công Phụ lộng quyền, các đại thần liên tiếp bị giết hại, thuế khóa nặng nề, lòng dân li tán.

Trước hoàn cảnh đó, bà Trịnh thái phi họ Vũ đã cho triệu Nguyễn Quý Cảnh, nhờ đến khuyên Trịnh Doanh, em ruột của Trịnh Giang, lên nắm quyền thay anh.

Tiết chế Trịnh Doanh vốn là người sáng suốt, quả quyết, văn võ toàn tài, nhưng nhiều năm bị Hoàng Công Phụ ngăn cản nên không gây được ảnh hưởng. Nhờ sự ủng hộ của bá quan, Trịnh Doanh đánh bại thế lực chống đối, tự tiến phong Nguyên soái Tổng quốc chính, Minh Đô vương, tôn Trịnh Giang làm Thái thượng vương. Từ đó, quyền lực của họ Trịnh lại được củng cố.

4. Quê hương của các chúa Trịnh thuộc vùng nào ngày nay?

Thái Bình – Nam Định
Thanh Hóa
Bắc Giang
Bắc Ninh

Chính xác

Vùng đất cổ Biện Thượng (xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa ngày nay) nằm ở tả ngạn sông Mã, là đất tổ của dòng dõi 12 đời chúa Trịnh. Tương truyền, vùng này trước mặt là sông, sau lưng là núi, có thế “sơn quần thủy tụ”, dễ phát tích công hầu, khanh tướng.

Về sau, khi đã nắm quyền Đàng Ngoài, chúa Trịnh cũng tuyển những người lính tinh nhuệ từ các phủ xung quanh vùng này để làm thân binh, chuyên bảo vệ cho nhà Chúa. Những binh lính này được cấp bổng lộc rất hậu, con cháu được miễn thuế và lao dịch.

Tuy nhiên, sự ưu ái của chúa Trịnh với binh lính đồng hương cũng làm những người này trở nên kiêu ngạo, lộng hành, gây ra tình trạng “kiêu binh” trong quân ngũ. Điển hình là sự kiện nhóm thân binh đòi giết Nguyễn Quý Cảnh, người có công lớn giúp Trịnh Doanh lên nắm quyền, khiến Quý Cảnh phải trốn vào phủ chúa mới thoát nạn.

5. Vị chúa cuối cùng của nhà Trịnh là ai?

Trịnh Cán
Trịnh Bồng
Trịnh Sâm
Trịnh Doanh

Chính xác

Trịnh Bồng (1749-1791) là con của Trịnh Giang, cũng là vị chúa Trịnh cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Khi ông lên nắm quyền, cơ nghiệp của nhà Chúa đã suy yếu. Phía Bắc có nạn kiêu binh hoành hành, triều đình bất lực. Phía Nam có quân Tây Sơn của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ với binh lực áp đảo.

Năm 1786, Nguyễn Huệ tiến ra Bắc với danh nghĩa “Phù Lê diệt Trịnh”. Quân Trịnh yếu đuối nhanh chóng tan rã, để mất Thăng Long vào tay quân Tây Sơn chỉ trong một tháng. Trịnh Bồng khi đó đã ngoài 40 tuổi, phải bỏ trốn về Hưng Yên.

Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi, lấy hiệu là Quang Trung, tiếp tục Bắc tiến để đánh tan thế lực vua Lê, chúa Trịnh, cùng hàng vạn quân Thanh tại Thăng Long.

Kết thúc chiến dịch, vua Lê Chiêu Thống phải trốn sang Trung Quốc, Trịnh Bồng cũng bị truy đuổi gắt gao, lánh sang Ai Lao và qua đời tại đây. Theo sách Hoàng Lê nhất thống chí, Trịnh Bồng được mô tả là người thật thà, không có hùng tâm làm chúa. Khi biết cơ nghiệp cha ông không thể cứu vãn, ông bỏ đi tu hành, không có ý định cầu viện ngoại bang để xây dựng lại thế lực họ Trịnh.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vi-chua-trinh-nao-tung-phai-dao-ham-de-song-vi-so-sam-2257629.html