Vị bác sĩ già 25 năm khám bệnh miễn phí cho người nghèo

83 tuổi ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng TS. BS y học Nguyễn Văn Chương vẫn miệt mài với công việc khám bệnh miễn phí cho mọi người ngay tại ngôi nhà nhỏ của mình.

Trong quá trình công tác tại ngành y học lao động, được tiếp xúc nhiều với nhiều công nhân, nông dân nghèo khổ, bệnh tật, không có điều kiện khám chữa bệnh đầy đủ nên sau khi về hưu TS. BS y học Nguyễn Văn Chươngđã mở ngay một phòng khám riêng tại nhà ở số 7 Đông Hồ - ngõ 424 Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội, mong muốn được khám bệnh miễn phí cho những người lao động nghèo, hi vọng họ được khám chữa bệnh một cách đầy đủ và tốt nhất.

Bởi thế, phòng khám của ông được nhiều người mệnh danh là “phòng khám của người nghèo”.

Vị bác sĩ già khám bệnh miễn phí cho mọi người

Năm 1992, sau khi nghỉ hưu tại ban y tế của bộ năng lượng, từ chối nhiều lời mời ở lại làm việc của các bệnh viện lớn, bác sĩ Nguyễn Văn Chương đã bắt tay ngay vào việc thực hiện mong muốn của mình.

Phòng khám có nhiều máy móc, thiết bị y tế

“Làm trong bệnh viện thì có cái gò bó của bệnh viện. Điều quan trọng là mình không thể khám miễn phí cho người ta được, người dân đến khám phải mất tiền, dù ít dù nhiều thì vẫn phải trả phí khám. Mình tự mở phòng khám thì mình được tự do khám miễn phí cho tất cả mọi người và giúp được cho những người lao động vất vả, nghèo khó. Còn ở bệnh viện thì phải làm theo quy định của Nhà nước”, ông chia sẻ.

Và cũng từ những trăn trở đó, nhà riêng của ông đã trở thành phòng khám dành cho mọi người.

Trong căn nhà nhỏ 3 tầng, tầng một với tổng diện tích 50 m2 đã được ông “trưng dụng” biến thành phòng khám với đủ các loại máy móc, thiết bị y tế và được ngăn thành 2 phòng khám, chữa bệnh và một khu vực vệ sinh. Các thiết bị trong phòng khám của ông một phần do ông mang về từ những ngày đi học ở nước ngoài, một phần là ông trích lương hưu để mua sắm thêm.

Ban đầu mới mở, thiết bị máy móc cũng chưa đầy đủ, sau đó, cứ một vài năm ông lại mua thêm dần vì công nghệ máy móc y khoa phát triển nên ông cũng thay đổi theo để phù hợp với thời đại: “Máy móc chữa bệnh mua ngay từ khi mở, mà các máy chỉ tồn tại, dùng được trong khoảng thời gian là 5-6 năm thôi nên hết thời hạn là lại phải thay ngay. Năm nào cũng phải thay lấy vài ba cái, năm thì cái này, năm thì cái kia cho nó phù hợp với khoa học công nghệ”, ông nói. Số tiền để đổi mới trang thiết bị đa phần là số tiền mà ông tích góp được và một phần là nhờ sự ủng hộ của các con ông.

Không quản ngày nắng hay ngày mưa, thứ 7, chủ nhật hay ngày lễ, phòng khám của ông luôn mở rộng cửa từ 7h sáng đến 21h hàng ngày. Bệnh nhân đến thăm, khám đều được ông khám bệnh, kê đơn thuốc và tư vấn các phương pháp bảo vệ sức khỏe miễn phí.

Phòng khám chữa bệnh phục hồi khả năng lao động bằng y học hiện đại và y học cổ truyền của ông chữa tất cả các bệnh mãn tính từ dạ dày, xương khớp, thần kinh, thận, viên họng, viên mũi…. Đặc biệt là đi sâu vào đau và liệt cơ xương khớp, tai biến, hay trẻ em bị khuyết tật. Thay vì sử dụng phương pháp châm cứu thông thường, BS Nguyễn Văn Chương sử dụng phương pháp điều trị bằng máy vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, nhẹ nhàng và các biện pháp tác động cột sống, day bấm huyệt, rung lắc cơ bằng tay mà không cần tiêm thuốc chống đau. Thời gian điều trị bệnh cho một buổi kéo dài từ 1h30 đến 2h đồng hồ.

Cụ Trịnh Thị Tuyết (80 tuổi, ngụ tại phố Đại La, Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị thoái hóa xương khớp đã bị lâu. Trước đây, cụ đã khám và chữa ở một số bệnh viện nhưng không đỡ, lúc nào cũng đau nhức khớp, đi lại khó khăn. "Nghe mọi người nói ở đây chữa được nên tôi đến cũng thử đến một lần. Tôi khám ở đây được 9 ngày rồi, hiệu quả thấy rõ. Mới có từng đó hôm mà tôi đã đi lại được, không còn đau nữa", cụ Tuyết tâm sự.

Bác sĩ Chương vừa là bác sĩ vừa là hộ lý cho phòng khám của mình

Tận tụy, hết lòng với bệnh nhân

Đến nay đã 25 năm, phòng khám của ông vẫn luôn mở rộng cửa đón những bệnh nhân đến thăm, khám bệnh miễn phí.

Còn đối với những bệnh nhân đến chữa bệnh, phục hồi chức năng trong thời gian kéo dài, ông lấy “viện phí” cho có lệ coi như trừ tiền điện, nước hoạt động máy cũng như trừ đi sự hao mòn máy móc.

“Người có lương thì tôi lấy 150 nghìn đồng, người không lương thì lấy 100 nghìn đồng, còn trường hợp là trẻ em, người già đến điều trị thì tôi lấy 50 nghìn hoặc một nửa của 150 nghìn. Ở các bệnh viện hiện nay, chi phí trung bình cho mỗi lần trị liệu bao gồm 3 đến 4 liệu pháp kéo dài 30 – 45 phút là khoảng hơn 300 nghìn đồng, một số cơ sở phòng khám có thể lấy 400 đến 500 nghìn. Tôi không có ý định làm giàu, chỉ lấy một ít để trừ tiền điện nước và hao mòn máy móc, dành dụm để đổi sang thiết bị y tế mới hơn phục vụ cho công các khám bệnh thôi còn sinh hoạt hàng ngày thì đã có lương lo rồi”, bác sĩ Chương cho biết.

Bé Phạm Minh Ngọc (2 tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội) là một trong những bệnh nhân đặc biệt nhất trong phòng khám của ông, bé Ngọc bị bại não, bị liệt bẩm sinh, nhưng do bé quá yếu nên không chữa trị sớm được, lúc 15 tháng tuổi, gia đình đưa đến nhiều bệnh viện như viện Nhi, viện châm cứu Trung ương, châm cứu, kết hợp uống thuốc nhưng tiến triển bệnh chậm. Mỗi lần đi chữa, Ngọc lại đau và hết sức mệt mỏi nên quấy khóc nhiều. Sau 4 tháng chữa ở bệnh viện không có chuyển biến tích cực, gia đình được mọi người giới thiệu đến bác sĩ Chương, gia đình đưa em đến điều trị thử.

Bé Phạm Minh Ngọc bệnh nhân nhí quen thuộc của phòng khám.

Ngày nào hai mẹ con cũng đi bằng xe máy từ Mỹ Đình lên nhà bác sĩ Chương để khám bệnh. Mỗi lần chữa bệnh kéo dài gần 2 tiếng cho cô bé 2 tuổi, bác sĩ Chương chỉ lấy 50 nghìn đồng vẫn với đầy đủ các bước: massage bằng máy, châm cứu điện tử, ngồi máy vận động cột sống, xoa bóp trực tiếp.

“Đến hiện tại bé đã chữa ở đây được 4 tháng rồi, lúc mới đến đây bé chỉ có 7,5 kg thôi nhưng giờ đã được gần 9,5 kg rồi, tinh thần của bé cũng tốt hơn nhiều. Giờ bé Ngọc đang tập nói, có tiến triển tốt”, đó là những dòng tâm sự của mẹ bé Ngọc.

Có những loại thuốc đặc hiệu do ông và các giáo sư, bạn của ông cùng nhau nghiên cứu từ lâu, giá bán 10 năm nay vẫn không thay đổi. Ông tâm niệm đơn giản rằng: “Hạnh phúc của tôi chính là đem lại hạnh phúc cho những người bệnh. Cuộc sống với tôi thế là đủ”.

Ngoài việc mở phòng khám miễn phí, bác sĩ Chương cũng tổ chức những đợt khám định kì cho người già trong khu phố. Mỗi năm 1 lần ông cũng về Thái Bình để tổ chức đợt khám bệnh miễn phí cho người dân quê mình, rồi hỗ trợ cho hợp tác xã ở quê máy móc, thuốc men để phục vụ khám chữa bệnh cho người dân.

Tiến sĩ y học Nguyễn Văn Chương sinh năm 1935, tốt nghiệp bác sĩ Đa khoa Đại học Y Hà Nội năm 1959.Tốt nghiệp ra trường công tác tại đảo Cô Tô tại cơ sở y tế Hải Ninh cũ từ 1961- 1965. Từ 1967 đến 1969 dạy học tại trường y sĩ Quảng Ninh. Từ 1970 – 1975 dạy và làm chuyên gia cho bộ y tế Lào, chiến trường C.

Năm 1976- 1980 làm nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ y học phục hồi ở Viện Hàn Lâm y học Bungari. Sau khi về nước công tác tại Ban y tế bộ mỏ và than sau đó làm việc ở bệnh viện Bộ năng lượng từ năm 1980 – 1992 sau đó về hưu.

Mai Linh/Khỏe 365

Trong quá trình công tác tại ngành y học lao động, được tiếp xúc nhiều với nhiều công nhân, nông dân nghèo khổ, bệnh tật, không có điều kiện khám chữa bệnh đầy đủ nên sau khi về hưu TS. BS y học Nguyễn Văn Chươngđã mở ngay một phòng khám riêng tại nhà ở số 7 Đông Hồ - ngõ 424 Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội, mong muốn được khám bệnh miễn phí cho những người lao động nghèo, hi vọng họ được khám chữa bệnh một cách đầy đủ và tốt nhất.

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/vi-bac-si-gia-25-nam-kham-benh-mien-phi-cho-nguoi-ngheo-p44805.html