VGG – Gần 1 năm bị lãng quên sau niêm yết, nhà đầu tư đã bắt đầu chú ý lại

May Việt Tiến công bố kết quả kinh doanh 2016 khá ấn tượng, doanh thu đạt hơn 7.500 tỷ đồng, LNST công ty mẹ là 376 tỷ đồng. Như vậy, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) trong vòng 5 năm trở lại đây là hơn 17% cho cả 2 chỉ tiêu trên.

Là cổ phiếu đầu ngành nhưng gần như bị lãng quên sau hơn 1 năm niêm yết. VGG đang dần thu hút nhiều ánh mắt của nhà đầu tư. Điều này được thể hiện qua thanh khoản, khối lượng giao dịch bình quân trong 3 tháng gần nhất chỉ ở mức 29 nghìn đơn vị/phiên thì trong các phiên gần đây, con số này đã tăng lên gần 60 nghìn đơn vị. Vậy điều gì đã gây được sự chú ý của nhà đầu tư?

Cơ cấu cổ đông “lành mạnh”

Tổng công ty Cổ phần May Việt Tiến (VGG - VTEC) là một thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), được thành lập từ năm 1977. Tới năm 2008, May Việt Tiến được chuyển thành công ty cổ phần với vốn điều lệ là 230 tỷ đồng, sau đó, tăng vốn lên 280 tỷ đồng trong năm 2011.

Tới tháng 3/2016, 28 triệu cổ phiếu của Việt Tiến chính thức được niêm yết trên UpCoM, mã cổ phiếu VGG. Cùng với đó, tới tháng 5/2016, VGG niêm yết thêm 14 triệu cổ phiếu từ trái phiếu chuyển đổi. Đây là số trái phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu từ cuối năm 2012.

Cho tới thời điểm hiện tại, VGG đang có 44,1 triệu cổ phiếu được niêm yết. Trong đó, cổ đông lớn nhất thuộc về Vinatex với 13,4 triệu cổ, tương ứng 30,4%. Tiếp theo là hai đối tác chiến lược, South Island Garment SDN.BHD - một công ty của Malaysia nắm giữ gần 4 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 9% và Tung Shing Sewing Machine Co.,Ltd (Hồng Kông) nắm giữ gần 2,8 triệu cổ phiếu.

Như vậy, ước tính số lượng cổ phiếu free float là khoảng 22,6%, tương ứng gần 10 triệu cổ phiếu. Được xem là khá cô đặc về cổ đông nên kể từ khi niêm yết VGG chưa xuất hiện bất kỳ giao dịch nào từ cổ đông nội bộ.

May Việt Tiến được biết đến là công ty đầu ngành trong lĩnh vực hàng may mặc hiện nay với lịch sử phát triển lâu dài và danh tiếng tốt.

VGG hiện đang sở hữu 7 thương hiệu bao gồm Viettien (thời trang công sở nam), Viet Tien smart Casual (thời trang thông dụng nam), San Sciaro (thời trang nam cao cấp theo phongcách Ý), T-up (thời trang nữ), Việt Long (thời trang trung cấp), Camellia (chăn drap gối cao cấp) và Manhattan (thời trang nam cao cấp theo phong cách Mỹ).

Hiện tại, sản phẩm Việt Tiến được xuất khẩu đi trên 20 nước. Thị trường lớn nhất đều là những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu…

Tốc độ tăng trưởng kép doanh thu và lợi nhuận trên 17% trong vòng 5 năm

Năm 2016, VGG đạt mốc doanh thu 7.526 tỷ đồng, hơn gấp đôi so với thời điểm những năm 2011 (3.300 tỷ đồng). Doanh thu đạt mức tăng trưởng kép (CAGR) là hơn 17% trong vòng 5 năm trở lại đây.

Nguồn: Tổng hợp – Đơn vị: nghìn tỷ đồng

Theo báo cáo cổ đông của May Việt Tiến, tỷ trọng xuất khẩu đang chiếm 80% doanh thu, còn lại là 20% là tiêu thụ trong nước. Năm 2016, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Nhật Bản với 32%, Mỹ là 22%, EU là 18%, thị trường Asean là 3%, còn lại 25% là các thị trường khác. Cơ cấu xuất khẩu qua các thị trường không có nhiều sự thay đổi từ năm 2015 sang năm 2016.

Nguồn: VGG

Nhưng nhìn lại năm 2014 con số này đã thay đổi khá nhiều. Khi đó, thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 26%, sau đó mới là thị trường Nhật Bản 23% và EU là 21%, còn lại 30% là thị trường khác.

Cho thấy trong 2 năm vừa qua, VGG đang đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, trong khi đó thị trường Mỹ và Châu Âu lại giảm nhẹ. Đây cũng là xu hướng chung của ngành, khi năm 2016, dệt may cả nước là mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Nhật Bản, chiếm 19,7% tổng kim ngạch và đạt khoảng 2,9 tỷ USD.

Còn trong nước, theo thống kê sơ bộ, VGG đang chiếm giữ khoảng 3% thị phần với 7 thương hiệu kể trên. Hệ thống phân phối gồm 1.500 cửa hàng.

Về cơ cấu sản xuất, tỷ trọng gia công trong tổng doanh thu của Việt Tiến đang có xu hướng giảm đi. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng định hướng tăng tỷ trọng hàng ODM lên 5 - 7% (ODM (Original Design Manufacturing)- phương thức sản xuất xuất khẩu bao gồm khâu thiết kế và cả quá trình sản xuất từ thu mua vải, nguyên phụ liệu, cắt, may, hoàn tất, đóng gói đến vận chuyển).

Nguồn VGG – Đơn vị: đồng

Cùng với tăng trưởng về doanh thu là quá trình gia tăng về lợi nhuận. Năm 2011 lợi nhuận sau thuế của VGG mới chỉ ở mức 175 tỷ đồng, 5 năm sau con số này đã lên tới gần 400 tỷ đồng.

Nguồn VGG – Đơn vị: tỷ đồng

Như vậy tốc độ tăng trưởng kép của lợi nhuận trong thời gian đó cũng lên tới gần 18%. Giá trị lợi nhuận tăng mạnh trong năm 2013 nhưng sau đó chững lại vào năm 2014 và 2015. Tới năm 2016, con số lợi nhuận mới thực sự đồng hành cùng doanh thu.

Kỳ vọng biên lãi gộp cải thiện hơn

Ngành may mặc được xem là ngành có sự canh tranh rất cao giữa các quốc gia xuất khẩu khác như Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ hay các quốc gia mới nổi lên như Campuchia, Myanmar và cạnh tranh xuất hiện ngay ở các doanh nghiệp trong nước. Chính vì điều này, biên lợi nhuận của toàn ngành ở mức độ khá thấp.

Thống kê trong 5 năm trở lại đây, biên lợi nhuận gộp các công ty may mặc trên sàn chỉ dao động quanh mức từ 12-18%. Trong đó, VGG ở mức thấp nhấp trong nhóm 4 công ty được liệt kê, chỉ ở mức 12%. Điều này nói lên khả năng quản lý giá vốn của VGG chưa được hiệu quả so với các công ty khác.

Nhưng đây cũng chính là điểm kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư. Nếu biên lợi nhuận được cải thiện bằng các công ty cùng nghành thì con số lợi nhuận của VGG sẽ tăng cao hơn nữa.

Nhìn vào cơ cấu chi phí của VGG, có thể thấy được một phần là do chi phí khấu hao nhanh mà Công ty đang sử dụng. Năm 2016, Công ty chi tới hơn 142 tỷ đồng cho khấu hao. Hiện tại, tài sản cố định của VGG chỉ còn hơn 350 tỷ đồng, với tốc độ này thì chưa đầy 3 năm nữa sẽ hết khấu hao.

Nguồn: VGG – Đơn vị: đồng

VGG đang vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành về cơ cấu tài chính. Kết thúc năm tài chính 2016, May Việt Tiến có 568 tỷ đồng tiền và tương đương tiền cộng thêm 244 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn. Trong khi đó, khoản nợ vay ngắn hạn chỉ là 134 tỷ đồng và không có vay dài hạn. Sau khi khoản trái phiếu 140 tỷ đồng được chuyển đổi thành cổ phiếu thì VGG gần như không phải chi trả lãi vay.

Nguồn: Tổng hợp – Đơn vị: tỷ đồng

Ngoài ra, VGG cũng thu được khoản lợi nhuận đều đặn từ các công ty liên doanh liên kết. Hiện tại VGG đang đầu tư hơn 301 tỷ đồng vào 18 công ty liên doanh liên kết. Lợi ích của công ty mẹ VGG thu về hàng năm là khoảng 60 tỷ đồng.

Nhờ các yếu tố trên, biên lợi nhuận ròng của May Việt Tiến lại đứng đầu các công ty được so sánh trong ngành dệt may.

Được đánh giá là công ty hàng đầu nhưng cũng có nhiều yếu điểm. Trong đó, nhà đầu tư dài hạn vẫn đang kỳ vọng vào khả năng cải thiện biên lợi nhuận gộp lên mức trung bình ngành. Nếu làm được điều này, thì lợi nhuận sau thuế của VGG không chỉ dừng ở mức gần 400 tỷ đồng.

Đồng thời ban lãnh đạo và cổ đông lớn cũng cần phải có cách nhìn “công bằng” hơn trong cách phân chia miếng bánh lợi nhuận mà doanh nghiệp tạo ra. Nếu như năm 2016, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của VGG là gần 377 tỷ đồng. Như vậy, EPS cho mỗi cổ phiếu đạt hơn 8.500 đồng. Nhưng với việc trích quỹ khem thưởng phúc lợi lên tới 25%, nên thu nhập trên mỗi cổ phiếu suy giảm xuống chỉ còn mức gần 6.700 đồng.

Tuy vậy, trong kỳ Đại hội cổ đông tới, VGG vẫn giữ nguyên đề xuất chia quỹ khen thưởng phúc lợi là 25% và cổ tức được giữ là 30%. Một công ty ăn nên làm ra thì việc chia thưởng cho ban lãnh đạo là điều bình thường nhưng cũng không ở mức quá cao mà ảnh hưởng tới lợi ích của những cổ đông nhỏ. Còn với giá trị cổ phiếu đầu ngành, VGG có thể được chấp nhận với mức P/E cao hơn.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/moi-tuan-mot-co-phieu-vgg-gan-1-nam-bi-lang-quen-sau-niem-yet-nha-dau-tu-da-bat-dau-chu-y-lai-20170425113946254p4c146.news