Vết đốt nhỏ khiến cụ ông nhập viện sau 1 tuần sốt cao

Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện tại vị trí bẹn phải có nốt điển hình do ấu trùng đốt, nốt hình bầu dục, viền đỏ ở giữa, đóng vảy đen.

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, người bệnh nam 65 tuổi (trú tại Phù Ninh, Phú Thọ) được phát hiện sốt mò ngay khi đến Khoa Cấp cứu của bệnh viện.

Hơn một tuần trở lại đây, bệnh nhân N.V.T xuất hiện sốt cao kèm đau đầu, đã tự dùng thuốc kháng sinh tại nhà nhưng không thuyên giảm.

Tại Khoa Cấp cứu, qua thăm khám, bác sĩ phát hiện tại vị trí bẹn phải có nốt điển hình do ấu trùng đốt với đặc điểm nốt hình bầu dục, viền đỏ ở giữa, đóng vảy đen.

Người bệnh được định hướng chẩn đoán sốt mò, chuyển điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, điều trị kháng sinh theo phác đồ điều trị sốt mò.

Sau thời gian điều trị 6 ngày, sức khỏe người bệnh ổn định và đã được ra viện.

Hình ảnh nốt sốt mò của người bệnh.

Bệnh sốt mò là gì?

Bệnh sốt mò còn có tên gọi sốt bụi rậm, sốt phát ban rừng… Nguyên nhân gây bệnh bắt nguồn từ loại vi khuẩn thuộc họ Rickettsia. Đây là vi trùng lây truyền từ các loài gặm nhấm mà chủ yếu là từ chuột sang người thông qua vết cắn của ấu trùng con mò. Bệnh không lây lan từ người sang người.

Bệnh thường gặp ở những khu vực rừng núi có cây cối rậm rạp, đất mùn ẩm ướt, hang hốc trong núi đá hay những nơi như hai bên bờ suối. Nơi đây có khí hậu nóng ẩm, thích hợp cho con mò phát triển. Bệnh có thể rải rác quanh năm, nhưng thời điểm thích hợp nhất là khoảng tháng 6 đến tháng 9.

Đối tượng dễ mắc bệnh bao gồm những người sinh sống gần khu vực ổ dịch, hay đi vào rừng, vào hang, lội sông suối hoặc phát quang cây cối, làm nương rẫy… Bệnh nhân ở độ tuổi nào cũng có nguy cơ nhiễm sốt ve mò, kể cả trẻ em hay người lớn khi đã bị ấu trùng mò tấn công.

Bệnh sốt mò dễ nhầm và bỏ sót

Biểu hiện đặc trưng của sốt mò là người bệnh bị sốt cao liên tục (trên 38 – 40 độ C), kiểm tra trên cơ thể phát hiện vết loét do mò đốt điển hình ở vị trí da mỏng mềm. Triệu chứng kèm theo có thể là nhức đầu chóng mặt dữ dội, phát ban và nổi hạch sưng đau. Bệnh có diễn tiến từ nhẹ đến nặng, có thể gây tử vong.

Chẩn đoán bệnh rất dễ bị bỏ sót nếu không để ý đến yếu tố dịch tễ, không quan sát kỹ nốt loét, theo dõi biểu hiện lâm sàng nên rất dễ nhầm với các bệnh khác. Đôi khi, bệnh sốt mò không xuất hiện nốt loét (thể ẩn) nên dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh sốt rét, thương hàn, Bệnh Leptospira…

Việc chẩn đoán phân biệt là rất quan trọng nhằm đưa ra phương hướng chữa bệnh chính xác, đòi hỏi phải thăm khám cẩn thận và làm một số xét nghiệm cần thiết.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Ngập lụt tại rốn lũ thôn Xuân Tùy (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) khiến giao thông đi lại khó khăn.

P.Chinh (t/h)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vet-dot-nho-khien-cu-ong-nhap-vien-sau-1-tuan-sot-cao-16923101111243857.htm