Vẹn nguyên ký ức Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu' là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. 70 năm trôi qua, Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên trong ký ức của mỗi một chiến sĩ Điện Biên… 'Di sản vô giá tiếp lửa truyền thống cho gia đình'

Tranh Panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Trịnh Xuân Tư

Lần theo số điện thoại để liên hệ với nhân vật, bên kia vang lên giọng nói trầm ấm, mạch lạc khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết ông đã gần 100 tuổi. Người lính ấy là Lê Ngọc Lưu (SN 1925) trú tại tổ tự quản Cầu Roòng, xã Hồng Hóa (Minh Hóa).

Giữa tiết trời tháng 4 nắng như đổ lửa, người chiến sĩ Điện Biên năm nào vẫn nghiêm trang khoác lên mình bộ quân phục và tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà nhỏ. Quãng thời gian 70 năm, bằng cả một đời người đủ để xóa nhòa ít nhiều những ký ức chiến trận nhưng với ông Lưu đó là khoảng thời gian đáng sống, đáng cống hiến nhất. Những câu chuyện được ông kể lại về một thời hoa lửa, một thời hào hùng có những quãng ngắt, nghẹn lại bởi sự hy sinh của những người đồng chí, đồng đội chung chiến hào.

Ông Lưu quê ở xã Triêu Dương, huyện Tĩnh Gia (nay là xã Phú Lâm, huyện Nghi Sơn, Thanh Hóa). Năm 1946, ông rời quê nghèo tham gia bộ đội chống Pháp ở Tiểu đoàn 34 Tây Bắc, thuộc Đại đoàn 304. Sau nhiều lần chuyển đơn vị, cuối năm 1953, đơn vị ông được điều động tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhiệm vụ của đơn vị là tập kết, chuẩn bị lương thực, thực phẩm ở Thanh Hóa sau đó hành quân hướng về Điện Biên. Ông Lưu nhớ lại, đơn vị hành quân bộ hơn một tháng mới tới được điểm tập kết và chủ yếu đi vào ban đêm, bí mật tuyệt đối để che mắt thám báo, biệt kích của địch.

Chiến sĩ Điện Biên Lê Ngọc Lưu và người vợ thủy chung.

Đầu năm 1954, đơn vị ông tham gia kéo pháo vào chiến trường. Những khẩu pháo nặng vài tấn được kéo bằng sức người vào trận địa. Gian khổ là vậy nhưng ai cũng quật cường với niềm tin tất thắng. Cuối tháng 1/1954, khi các trận địa pháo hướng về lòng chảo Điện Biên đã sẵn sàng nhả đạn thì bất ngờ nhận được lệnh kéo pháo ra để bố trí lại trận địa.

Ông kể lại, thời điểm nhận lệnh kéo pháo ra nhiều người lính cũng rất tâm tư nhưng khi vào trận và giành thắng lợi sau này, ông mới hiểu rõ. Nếu cứ để nguyên vị trí trận địa pháo như lúc đầu thì rất dễ bị động bởi hỏa lực mạnh hơn nhiều lần của đối phương và bộ đội sẽ vấp phải tổn thất lớn...

Nhắc đến sự hy sinh của đồng đội, giọng người lính già như nghẹn lại. 70 năm trôi qua, ông vẫn nhớ rõ những cái tên của đồng đội từng sát cánh bên chiến hào. Lần giở tấm ảnh chụp chung những chiến sĩ Điện Biên trong lần dự lễ kỷ niệm mấy năm trước, giọng ông như thắt lại, bởi gần như những gương mặt ấy đã lùi vào lịch sử theo thời gian.

Chia tay với chúng tôi, ông Lê Ngọc Lưu khoe tấm giấy mời dự lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ do Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Ông chia sẻ: “Tôi rất xúc động khi nhận được giấy mời. Dù sức khỏe không còn “dồi dào” nhưng với niềm tự hào của người lính Điện Biên, tôi quyết tâm đi dự lễ lần này để gặp lại đồng đội và ôn lại kỷ niệm hào hùng của thời trai trẻ. Bởi, đồng đội của tôi-những người lính đã làm nên “trận chiến thế kỷ” mang tên Điện Biên Phủ ngày càng ít dần theo năm tháng...” .

Được đứng trong hàng ngũ của Đảng là mong mỏi và vinh dự của rất nhiều người, nhất là với những người chiến sĩ đang trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường. Cựu chiến binh (CCB), thương binh Đỗ Như Quán (SN 1934) là một trong những người có được vinh dự lớn lao đó. Ông được kết nạp Đảng ngay trong lòng một hố bom ở chiến hào trước những ngày diễn ra Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Trong những ngày cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ của CCB Đỗ Như Quán ở thôn Trung Vũ, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch). Ở tuổi 90, sức khỏe và trí nhớ đã giảm sút, đôi mắt do bị thương đã không còn nhìn thấy gì nữa, nhưng khi chúng tôi nhắc đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, những ký ức về năm tháng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” lại lần lượt hiện về trong tâm trí của người lính già.

Ông Đỗ Như Quán sinh ra trong một gia đình ngư dân ở làng biển Cảnh Dương anh hùng. Năm 1947, lúc mới 13 tuổi, ông theo anh trai rời làng vào học ở Sở quân giới Liên khu 4 và hai năm sau được vào Trường thiếu sinh quân Liên khu 4. Năm 18 tuổi, ông Đỗ Như Quán nhập ngũ vào Trung đoàn 44.

Cựu chiến binh, thương binh Đỗ Như Quán chia sẻ với phóng viên về những kỷ niệm đáng tự hào khi ông tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tháng 10/1952, ông được biên chế về Đại đội 1480, Tiểu đoàn 439, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316, lần lượt tham gia các Chiến dịch Tây Bắc; Thượng Lào; giải phóng thị xã Lai Châu và truy kích địch lên Mường Tè. Trong trận Pu Nậm Hỏn (tỉnh Lai Châu) ông bị thương lần thứ nhất. May mắn vết thương chỉ ở phần mềm nên sau phẫu thuật, ông nhanh chóng bình phục.

Trở lại đơn vị, ông tham gia nhiều trận đánh trước khi diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trận đánh đáng nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông là trận tập kích vào phía đông Điện Biên. Sau trận đánh này, ngày 9/2/1954, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Lễ kết nạp được Chi bộ Đại đội 1480 tổ chức trong lòng một hố bom do máy bay địch vừa ném xuống dãy núi Pú Hồng Mèo.

Ngày 13/3/1954, Quân đội ta nổ phát súng đầu tiên vào tập đoàn cứ điểm quân địch, mở màn 56 ngày đêm của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sáng 2/5/1954, trong khi cùng đơn vị tiến đánh đồi C2, ông Quán đã bị thương lần thứ 2. Đó là vết thương khá nặng, đặc biệt là đôi mắt do trúng phải đạn pháo của địch...

Sau thời gian điều trị, đầu năm 1956 ông được chuyển ngành, đi học và kết hợp điều trị mắt. Năm 1980, tức là sau hơn 25 năm kể từ ngày bị thương lần thứ 2 ở Điện Biên Phủ, ông nghỉ hưu, về sinh sống ở quê hương. Do vết thương ngày càng nặng, năm 1993, đôi mắt bị mờ hẳn, ông được giám định lại thương tật và xếp hạng thương binh 1/4.

Mặc dù điều kiện đi lại, sinh hoạt khó khăn nhưng ông luôn tích cực động viên gia đình, con cháu học tập, lao động, xứng đáng với truyền thống của gia đình, quê hương. Ông Đỗ Như Quán có 5 người con, tất cả đều học hành thành đạt.

Những năm trước đây, khi sức khỏe còn tốt, những dịp kỷ niệm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Đỗ Như Quán thường được Hội CCB xã Cảnh Dương mời đi nói chuyện “Hồi ức Điện Biên” tại các trường, lớp bồi dưỡng hay hội nghị... Những lúc như vậy, chiếc huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” sáng ngời vẫn luôn được ông đeo bên ngực trái bộ quân phục. Với ông, đó là “báu vật” đáng tự hào của những năm tháng tuổi trẻ hào hùng nhất trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Phan Phương

Chúng tôi tìm gặp cựu chiến binh (CCB) Đỗ Xuân Tịch, ở thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch) vào một ngày cuối tháng 4, khi cả nước hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Năm nay, CCB Đỗ Xuân Tịch đã 102 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn và mạnh khỏe.

Trò chuyện với chúng tôi, khi nhắc đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, người CCB như được trở về thời trai trẻ, oanh liệt đầy tự hào. CCB Đỗ Xuân Tịch kể rằng, quê ông ở xã Hà Thành, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Ở địa phương, ông tham gia lực lượng dân quân tự vệ của xã. Năm 1953, khi chiến tranh ác liệt, ông Đỗ Xuân Tịch đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ.

Ông được biên chế vào Đại đội 834, Tiểu đoàn 396, Trung đoàn pháo cao xạ 367, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tiểu đoàn của ông có nhiệm vụ khống chế vùng trời phía đông-nam, tiêu diệt, không cho máy bay địch oanh tạc và thả dù tiếp tế cho quân lính của Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ. Tại đây, ông được phân công nhiệm vụ làm anh nuôi, chuyên lo lương thực, nước uống cho đồng đội.

Nhiệm vụ của anh nuôi thực sự rất khó khăn khi mọi thứ đều khan hiếm nhưng vẫn phải luôn bảo đảm bữa ăn hàng ngày. Ông phải vào rừng tìm bắp chuối, rau tàu bay… để nấu ăn cho đơn vị. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là việc tiếp nước uống cho đồng đội trong chiến đấu.

Cựu chiến binh Đỗ Xuân Tịch kể lại kỷ niệm Chiến dịch Điện Biên Phủ cho các con.

CCB Đỗ Xuân Tịch nhớ lại: “Khi chiến đấu trong môi trường khắc nghiệt, người lính rất dễ bị mất sức, do đó việc tiếp nước uống là rất quan trọng. Bởi thế, giữa lúc bom đạn xối xả, bất chấp nguy hiểm, chúng tôi vẫn tìm cách để tiếp cận đưa nước cho đồng đội. Sau mỗi trận đánh, đồng đội lập được chiến công là cả đơn vị quên hết mệt nhọc, nguy hiểm; cùng xốc lại tinh thần để chuẩn bị cho trận đánh tiếp theo”.

Với những nỗ lực, quyết tâm của tất cả cán bộ, chiến sĩ, đơn vị của ông đã lập nhiều thành tích, và được cấp trên khen thưởng. Bản thân ông Đỗ Xuân Tịch cũng vinh dự nhận nhiều huân chương, huy chương các hạng…

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Đỗ Xuân Tịch được điều động vào tỉnh Quảng Bình, là nông binh tham gia làm kinh tế mới ở thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch). Ông đã cùng cán bộ, nhân dân thị trấn khai hoang phục hóa, trồng những cánh đồng cao su xanh bạt ngàn, trù phú. Khi nghỉ hưu, CCB Đỗ Xuân Tịch vẫn rất tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương.

Chủ tịch Hội CCB thị trấn Nông trường Việt Trung Nguyễn Văn Bình cho biết: “Ngay khi thành lập Hội CCB thị trấn vào năm 1990, ông Đỗ Xuân Tịch là một trong những thành viên đầu tiên tham gia hội; luôn tích cực, nhiệt tình, gương mẫu trong việc thực hiện các phong trào, hoạt động của hội và địa phương. Hiện nay, mặc dù tuổi cao sức yếu, không thể tham gia các hoạt động nhưng CCB Đỗ Xuân Tịch vẫn luôn giáo dục con cháu về truyền thống của gia đình, không ngừng học tập, lao động và cống hiến để xây dựng quê hương”.

Lê Mai

Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ nép mình bên cửa biển Nhật Lệ (số 105 Dương Văn An, phường Đồng Hải, TP. Đồng Hới), chiến sĩ Điện Biên Lê Văn Sâm (SN 1930, quê ở Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) đang được con cháu chăm sóc đặc biệt. Ông nay sức khỏe không được tốt, mọi điều có thể lúc nhớ, lúc quên, nhưng khi nhắc đến Chiến thắng Điện Biên Phủ, đôi mắt ông ánh lên niềm tự hào, xúc động...

Sơ yếu lý lịch đảng viên của người chiến sĩ Điện Biên Lê Văn Sâm ghi: Ngày vào Đảng chính thức 29/9/1960. Tham gia cách mạng từ tháng 1/1950. Năm 1954, tham gia chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau đó, được điều động trở lại miền Trung và công tác tại Đồn Công an giới tuyến Hiền Lương…

Năm 1960, được chuyển ngành, làm công nhân tại Ty Công nghiệp Quảng Bình. Năm 1968, được nghỉ chế độ hưu trí do đau ốm nặng (sốt rét kinh niên), mất sức lao động. Trong suốt quá trình tham gia cách mạng, luôn nỗ lực phấn đấu không ngừng, chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, đường lối của Đảng và Chính phủ; đoàn kết và đấu tranh thẳng thắn trong nội bộ.

Hai cha con ông Lê Văn Sâm chuyện trò và hát cho nhau nghe mỗi ngày.

Trở về cuộc sống đời thường, ông Sâm xây dựng gia đình với bà Võ Thị Cầm (SN 1940, công nhân tại Ty Kiến trúc Quảng Bình). Hiện, 4 người con của ông bà đều đã trưởng thành yên bề gia thất và có 8 cháu nội, ngoại. Ông cũng có 3 người con từng nối gót cha tham gia Quân đội.

An nhiên ở tuổi trên 90, ông bà có cuộc sống đầy đủ, hiếu thuận của các con cháu. Hiện, ông bà được vợ chồng người con trai thứ hai Lê Duy Hải (SN 1966) chăm sóc chu đáo mỗi ngày.

“Kỷ niệm của cha tôi về Điện Biên như một kho báu. Khi còn khỏe, ông thường kể cho chúng tôi nghe ngày tháng gian khổ ác liệt, hào hùng đó. Mỗi lần có khách ghé thăm, ông cũng tự hào ôn lại kỷ niệm Điện Biên... Có một điều mà tất thảy anh, chị em chúng tôi đều thuộc làu và in sâu trong trí nhớ là bài hát “Hò kéo pháo” mà cha tôi thường hát ru, dỗ dành chúng tôi lớn lên cùng năm tháng. Khi cha tôi cất lên tiếng hát với những ca từ dứt khoát, hùng hồn, bao hiểm nguy, gian nan vất vả, tấm gương hy sinh anh dũng của bộ đội ta ngày đêm kéo pháo vượt núi, vượt đèo trong Chiến dịch Điện Biên Phủ hiện lên, ghi dấu ấn trong tâm khảm tuổi thơ tôi đến tận bây giờ... Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo/... Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi/Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù…”, anh Hải vừa kể, tay vừa chăm sóc và hát cho cha của mình nghe.

Tuy cơ thể đã rất yếu, nhưng khi trò chuyện, hỏi ông có muốn đến thăm chiến trường xưa Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng không, CCB Lê Văn Sâm ngân ngấn nước mắt, gật đầu đồng ý.

Công tác nhiều đơn vị, vợ chồng ông Sâm cũng nhiều lần di chuyển chỗ ở, nhưng những kỷ vật dù đã nhuốm màu thời gian được ông trân quý và cất giữ cẩn thận; trong đó có các phần thưởng cao quý do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng, như: Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Ba... và nhiều giấy khen, bằng khen của các đơn vị quân đội, cơ quan nơi làm việc.

“Ông Lê Văn Sâm là tấm gương mẫu mực về sự trung thành với Đảng, chấp hành nghiêm túc chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương nơi cư trú, hết lòng yêu thương vợ con, sống hòa đồng và trách nhiệm với bà con lối phố…”, Chủ tịch UBND phường Đồng Hải Nguyễn Hữu Thuyết khẳng định thêm.

Trong căn nhà nhỏ ở thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh (Quảng Ninh), cựu chiến binh (CCB) Phạm Tinh Vi vẫn luôn dành một vị trí trang trọng để treo tấm bằng khen gắn liền với những cống hiến của ông trong những năm tháng khói lửa chiến tranh. Và kỷ vật được ông giữ gìn cẩn thận gần 70 năm qua là chiếc huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”. Với ông, được góp mặt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử là niềm vinh dự, tự hào.

Ông Vi kể, ông xung phong nhập ngũ khi vừa tròn 20 tuổi. Sau đó, ông được điều động ra Bắc làm nhiệm vụ vận tải, mở đường. Cuối năm 1953, đại đội của ông xuất phát từ Thanh Hóa hành quân lên biên giới nhận vũ khí để mở đường từ biên giới về Tuần Giáo (Điện Biên).

Ông cùng đồng đội và lực lượng dân công hỏa tuyến xuyên rừng mở đường mặc mưa bom, bão đạn của thực dân Pháp. Từ những bụi rậm, cây cối chằng chịt được khai phá thành đường, những con đường nhỏ xuyên rừng được khai thông, nối thẳng ra tuyến đường chính. Dưới bàn tay của chiến sĩ công binh, từ những con đường bị máy bay địch cày nát, nhanh chóng trở thành đường mới, bảo đảm vận tải thông suốt vũ khí, lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch.

Cựu chiến binh Phạm Tinh Vi (ở giữa) kể về những ngày đêm khói lửa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

“Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, để ngăn chặn bộ đội ta mở đường, máy bay địch bắn phá ác liệt ngày đêm. Trên trời, máy bay địch quần thảo; dưới đất, bộ đội ta vẫn say sưa mở đường, gấp rút làm việc cho kịp thời gian. Chúng tôi thay nhau làm cả ngày cả đêm, không lúc nào nghỉ, miệt mài đào đất, tay cuốc, tay xẻng mặc gian khổ, hiểm nguy để kịp tiến độ hoàn thành cung đường cho xe qua. Những tuyến đường cứ thế được mở sâu vào lòng Điện Biên, giữ vững mạch máu giao thông thông suốt, góp phần quan trọng tạo nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử”, ông Vi tâm sự.

Cùng với nhiệm vụ mở đường, ông Vi và đồng đội còn trải qua những ngày tháng “mưa dầm, cơm vắt” chốt giữ bảo vệ vũ khí. Tại các điểm tập kết vũ khí, máy bay địch bắn phá ác liệt, hòng cắt đứt, không cho bộ đội ta vận chuyển vũ khí vào chiến trường. “Anh em chúng tôi luân phiên nhau túc trực, cùng với các lực lượng vận chuyển vũ khí, sẵn sàng cho trận đánh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Lúc đó, ai nấy đều hừng hực khí thế “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” không màng sống chết. Khi vũ khí được bàn giao xong, chúng tôi lại tiếp tục mở những tuyến đường mới”, ông Vi bồi hồi nhớ lại.

Trong câu chuyện của mình, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa luôn bộc lộ lý tưởng sống cao đẹp. Sau chiến dịch, ông về công tác tại Tổng cục Hậu cần, qua Cục Xăng dầu rồi trở về địa phương nghỉ hưu theo chế độ.

Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào hay trở về với cuộc sống thời bình, CCB Phạm Tinh Vi vẫn tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” để xây dựng quê hương, tích cực tham gia xây dựng chính quyền tại địa phương, giáo dục con cháu trở thành người có ích cho xã hội.

Tên ông là Nguyễn Văn Thu (SN 1931, ở thôn Mốc Thượng 1, xã Hồng Thủy, Lệ Thủy). Biết chúng tôi gặp gỡ, tìm hiểu để ôn lại kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), người cựu chiến binh (CCB) dù không minh mẫn được như trước đây nhưng vẫn say sưa tự hào kể về ông, về những người đồng đội cùng đơn vị: Nói chung, nhiệm vụ chính của chúng tôi là dùng địch vận để đánh thắng địch…

Cũng trong cuộc trò chuyện, với sự “hỗ trợ” của người con trai đầu là Nguyễn Anh Sơn, ông Nguyễn Văn Thu vẫn nhớ như in về quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác binh-địch vận và chủ trương rất nhân đạo của Quân đội nhân dân Việt Nam, đó là: “Đánh mà thắng địch là giỏi. Không đánh mà thắng địch càng giỏi hơn. Không đánh mà thắng là nhờ địch vận”.

Trên cơ sở đó, ông Thu cho biết, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cùng nhiều đồng đội khác đã từng tham gia tích cực vào đội vũ trang tuyên truyền khu Hạ Lào. Hoạt động tại khu Hạ Lào, ông Thu cùng các đồng đội đẩy mạnh đấu tranh chính trị và công tác địch vận, làm cho tinh thần của giặc Pháp bị lung lay, dao động, trở thành mũi giáp công góp phần làm tan rã hàng ngũ địch.

Chân dung chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Thu.

Tự hào về người cha của mình, anh Nguyễn Anh Sơn đưa cho chúng tôi xem tờ khai lý lịch của cha còn “sót lại”, có sự xác nhận của UBND xã Hồng Thủy vào ngày 12/9/1999. Theo đó, từ tháng 12/1949 đến tháng 9/1954, ông Nguyễn Văn Thu công tác, chiến đấu tại khu Hạ Lào và đảm nhiệm cương vị cán bộ dân vận.

Anh Sơn kể thêm: “Hồng Thủy quê tôi lũ lụt triền miên nên nhiều giấy tờ, lý lịch của cha tôi đều bị lũ cuốn trôi, làm hư hỏng gần hết, chỉ sót lại mỗi tờ khai này. Hồi nhỏ, cha tôi thường hay kể rằng, do đói khổ, năm lên 7 tuổi, cha tôi phải sang ở với bà o (em gái của ông nội) tại Lào. Năm 18 tuổi tham gia nhập ngũ tại Lào và hoạt động ở đó cho đến cuối năm 1954 thì tập kết ra miền Bắc, sau đó về quê cưới vợ, sinh con…

Hiện nay, cha tôi đang thờ cúng liệt sỹ Nguyễn Văn Trang (em ruột của ông Nguyễn Văn Thu-P.V), hy sinh tại mặt trận phía Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tự hào là người lính Cụ Hồ, trong cuộc sống thường nhật, cha tôi thường khuyên dạy con, cháu trong gia đình, dòng họ phải luôn tin tưởng, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho cộng đồng, quê hương.

Đã 70 năm trôi qua, nhưng trong tâm trí của cựu chiến binh (CCB) Đặng Văn Duy, thôn Trung Quán, xã Duy Ninh (Quảng Ninh), ký ức về những năm tháng vẻ vang, tự hào của Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn như nguyên vẹn.

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp đến thăm CCB Đặng Văn Duy, người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Qua lời kể của ông, Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” được tái hiện như một bức tranh sống động, rõ nét.

Năm 1949, ông Duy nhập ngũ khi vừa tròn 19 tuổi. Sau khi tham gia đánh trận Xuân Bồ (Xuân Thủy, Lệ Thủy), ông được cử đi học tại phân khu Bình Trị Thiên. Sau 6 tháng, ông được đề bạt làm trung đội phó và tiếp tục được lệnh thuyên chuyển về Đại đoàn 304. Ông đã cùng với đồng đội tham gia các chiến dịch: Biên Giới, Hà Nam Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc.

Cựu chiến binh Đặng Văn Duy nhớ về Điện Biên Phủ qua những kỷ vật còn lưu giữ.

Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông giữ vai trò là trung đội phó phụ trách khẩu đội sơn pháo 75mm. Ngày đó, pháo được vận chuyển vào trận địa hoàn toàn bằng sức người. Một trung đội có 15 người khiêng pháo và 15 người vác đạn đi giữa đường núi gồ ghề, khúc khuỷu, dốc cao vực thẳm nhưng không ai nản chí, luôn cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ.

“Sau khi kéo pháo vào trận địa sẵn sàng chiến đấu thì trung đội nhận được lệnh kéo pháo ra với mục tiêu phải “đánh chắc, thắng chắc”. Lúc kéo pháo vào gian nan, vất vả bao nhiêu thì lúc kéo ra càng khó khăn gấp bội. Có những đoạn đường một bên là sườn núi chênh vênh, một bên là vực sâu, nếu lỡ trượt bánh lăn pháo thì người và pháo chẳng còn cách nào cứu vãn được”, ông Duy nhớ lại.

Thời điểm đó, việc quân ta đưa được những khẩu pháo nặng hàng tấn vượt qua bao núi cao, vực sâu vào mặt trận Điện Biên Phủ là một kỳ tích rất lớn. “Tôi là một trong những chỉ huy khẩu đội pháo 75mm vinh dự được phát hỏa đầu tiên để mở đường cho bộ binh tiến vào. Đến bây giờ nhớ lại khoảnh khắc lịch sử đó, tôi vẫn thấy hồi hộp, xúc động”, ông Duy chia sẻ.

Sau khi thực hiện mệnh lệnh bắn loạt pháo đầu tiên mở đầu chiến dịch, trung đội pháo nhận lệnh làm nhiệm vụ nghi binh kéo pháo qua Nam Lào rồi kéo pháo về, ngày đi vào đêm đi ra cho đến khi kết thúc chiến dịch. Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, ông về Quân khu 3, đến năm 1958 về Trung đoàn pháo binh 68, Sư đoàn 304 với quân hàm thiếu úy. Những năm 1959-1960, ông được cử đi học để về dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ và phục viên trở về địa phương.

Khi trở về quê hương, với sự tín nhiệm của bà con, ông phụ trách mảng kế hoạch của hợp tác xã và đội trưởng sản xuất nông nghiệp. Với phẩm chất người lính Điện Biên năm xưa từng xông pha nơi lửa đạn hiểm nguy, không có khó khăn nào làm ông nản chí. Ông luôn nỗ lực hết mình, tìm tòi, sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển của quê hương.

Giờ đây, tuy đã bước vào tuổi 94 nhưng ông Duy vẫn rất minh mẫn và luôn vui vẻ bên gia đình, bà con lối xóm. Khi được hỏi, ông có tâm nguyện gì muốn nhắn nhủ với thế hệ trẻ sau này, ông cười hiền chia sẻ: “Tôi chỉ mong Quân đội ta ngày càng lớn mạnh, hiện đại hơn để bảo vệ đất nước. Thế hệ trẻ sau này luôn cống hiến hết mình cho Tổ quốc, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp”.

70 năm trôi qua, trong ký ức người chiến sĩ Điện Biên Võ Văn Vang (SN 1934), ở thôn Thượng Phong, xã Phong Thủy (Lệ Thủy) vẫn vẹn nguyên những hình ảnh, ký ức hào hùng về những ngày tháng chiến đấu khốc liệt ở Điện Biên Phủ. Với ông, Điện Biên Phủ luôn là kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời.

Buổi sáng những ngày tháng 4, nắng vàng rải nhẹ trên đường vào con hẻm nhỏ ở xóm 8, thôn Thượng Phong. Mấy hôm nay, đông đảo cựu binh khắp nơi trong huyện về đây để thăm hỏi, động viên, khơi lại dòng ký ức của người thương binh, chiến sĩ Điện Biên Võ Văn Vang.

Trong ngôi nhà khang trang, rộng rãi, dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, trí nhớ suy giảm, không còn nhớ được tường tận chi tiết từng trận đánh, nhưng khi biết chúng tôi muốn nghe về Chiến dịch Điện Biên Phủ mà ông đã trực tiếp tham gia của bảy thập kỷ trước, người lính già tỏ ra nhanh nhẹn hẳn, bởi với ông, đó là cả tuổi thanh xuân và cả sự cống hiến cho Tổ quốc.

Chiến sĩ Điện Biên Võ Văn Vang.

Ngược dòng lịch sử về thời khắc thiêng liêng của 70 năm trước, ông Vang kể rằng, năm 1950, ông theo học Trường thiếu sinh quân Liên khu 4; khi vừa tròn 20 tuổi, ông được biên chế vào c315, d240, e174, Đại đoàn 316. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị của ông Vang được giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia đánh đồi A1.

“Sau năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, khi lá cờ “Quyết chiến-Quyết thắng” của bộ đội ta tung bay trên nóc hầm Đờ-cát, mọi người trong đơn vị ai nấy đều hồ hởi, phấn khởi. Bởi, vượt qua biết bao gian lao, vất vả, hy sinh, đến nay chiến dịch đã thắng lợi...”, ông Vang nhớ lại.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Võ Văn Vang bị thương trong trận đánh đồi A1 nên được đưa trở về tuyến sau ở tỉnh Thái Bình. Tại đây, ông bắt đầu công tác dạy học cho các thương binh trong trại thương binh Thái Bình. Năm 1960, ông Võ Văn Vang xây dựng tổ ấm cùng bà Lã Thị Thoa (SN 1939, quê Thái Bình). Không lâu sau đó, ông cùng vợ con trở về quê hương Lệ Thủy và tiếp tục tham gia dạy học, làm quản lý giáo dục tại địa phương cho tới khi nghỉ hưu vào năm 1985.

Ông Vang lật giở cho chúng tôi xem những phần thưởng, kỷ vật của mình. Những tấm huân chương, huy chương lấp lánh về một thời hào hùng ở mặt trận Điện Biên được ông cất giữ cẩn thận. Với ông, tất cả đã là quá khứ nhưng đầy kiêu hãnh và tự hào…

Anh Võ Văn Quân (SN 1965), người con thứ 3 của ông Võ Văn Vang chia sẻ: “Với ba tôi, ký ức vẹn nguyên về từng trận đánh, từng chiến công và cả mất mát, hy sinh vẫn luôn được kể lại trong những lần sum họp gia đình... Đó là di sản vô giá tiếp lửa truyền thống cho gia đình cũng như thế hệ trẻ hôm nay và mai sau...”.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi/202405/ven-nguyen-ky-uc-dien-bien-phu-2217802/