Vẽ xanh cho cuộc sống

Từ bộ sưu tập (BST) tuổi ô mai Mối tình đầu được hoa hậu hoàn vũ Khánh Vân giới thiệu rồi đến BST Hồn sen được hoa hậu Đoàn Thiên Ân trình diễn và bộ áo choàng - khăn lụa nhuộm vẽ Câu chuyện một dòng sông được hoa hậu môi trường Nguyễn Thanh Hà đem sang dự thi tại Ai Cập năm 2023, tất cả đều được họa sĩ Trần Thiên Thanh tỉ mỉ thể hiện trong từng nét vẽ bằng tất cả tình yêu thiên nhiên môi trường.

Họa sĩ Trần Thiên Thanh

Nữ họa sĩ được ví là người chuyên vẽ áo cho hoa hậu đã có cuộc trao đổi với Đồng Nai cuối tuần.

Sáng tạo vì yêu thích thiên nhiên môi trường

Được ví là người chuyên vẽ áo cho hoa hậu, chị có thể chia sẻ với bạn đọc về con đường đến với nghề họa sĩ của mình?

- Con đường đến với nghề họa sĩ của Thanh khá suôn sẻ. Do gia đình có sẵn truyền thống về nghề mộc, sơn mài truyền thống (ba là họa sĩ Trần Năm, tốt nghiệp Khoa Sơn dầu của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - nay là Trường đại học Mỹ thuật và có các bác, các chú làm trong ngành kiến trúc, thủ công mỹ nghệ) nên từ nhỏ Thanh học hỏi kinh nghiệm từ ba, phụ gia đình vẽ quảng cáo, vẽ áo dài, làm đồ thủ công, dạy vẽ cho trẻ em, vẽ minh họa cho báo…

Sau khi tốt nghiệp THPT, Thanh thi vào Trường đại học Mỹ thuật Khoa Sơn dầu, theo nghề của ba.

Tuy học sơn dầu, nhưng trong quá trình học đại học, Thanh vẫn tiếp tục mở công ty quảng cáo, thiết kế và nhận vẽ gia công các sản phẩm thủ công từ gỗ, trang sức mỹ nghệ, thiết kế nội thất, thiết kế sân vườn… cho nên đã chọn đề tài luận văn tốt nghiệp tại Trường đại học Mỹ thuật là Ứng dụng của hội họa điêu khắc trong chế tác trang sức. Sau này, Thanh tiếp nối đam mê chế tác trang sức với thương hiệu trang sức Lam Jew - Thanh Lam Jewellery Art cùng xưởng gia công chế tác đá quý, trang sức vàng - bạc.

Ngoài công việc chính là thiết kế, thợ chế tác, quản lý thương hiệu Lam Jew, Thanh vẫn theo đuổi đam mê với các tác phẩm tranh sáng tác chất liệu sơn dầu, acrylic, lụa, tổng hợp… và có nhiều bộ áo dài áo dài vẽ bằng chất liệu acrylic, nhuộm lụa.

Mối tình đầu có phải là bộ sản phẩm đầu tiên chị vẽ áo cho hoa hậu? Mối tình đầu cũng có phải là câu chuyện cá nhân của chị muốn kể lại?

- Năm 2017, nhận được lời mời của đạo diễn Long Áo Dài, Thanh tham gia vẽ BST cho cuộc thi Tìm kiếm hoa khôi sư phạm của Trường đại học Sư phạm TP.HCM với chủ đề Hoa phượng, gợi nhớ về thời mộng mơ của tuổi học trò. Sau này, BST áo dài Hoa phượng đã được hoa hậu Khánh Vân tái hiện lại trong BST mang tên Mối tình đầu năm 2018.

Sản phẩm của họa sĩ Trần Thiên Thanh

BST Mối tình đầu không phải là BST đầu tiên Thanh vẽ, nhưng lại là BST mà Thanh yêu thích, vì nó gửi gắm những ký ức và kỷ niệm đẹp về lứa tuổi học trò, về mái trường và thầy cô yêu thương, về cả loài hoa gắn bó 12 năm học với tất cả học trò, từng ngắm nhìn, nhặt về ép những cánh hoa rơi vào trang vở, vào những quyển lưu bút đầy kỷ niệm yêu thương.

Thanh đến với việc vẽ trang phục áo dài từ nhỏ là do ba của Thanh chỉ dẫn. Thanh từng nhận thêm việc vẽ áo dài về làm trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Thời đó, những người mặc áo dài thường xuyên là các cô giáo. Những kinh nghiệm, những yêu thương tâm huyết dành cho tà áo dài, cho quốc phục của Việt Nam được nhen nhóm trong Thanh từ khi đó.

“Suy nghĩ của Thanh về nghệ thuật nói chung và bộ môn hội họa nói riêng: nghệ thuật hay hội họa chân chính đều phải xuất phát từ đam mê, cần được nuôi dưỡng từ bé một cách đúng hướng”.

Vui nhất, hạnh phúc nhất là được ngắm những chiếc áo dài do mình vẽ ra được mặc trong những buổi lên lớp, những khi Tết đến và những dịp lễ trang trọng. Thanh càng nhận ra, tà áo dài thật sự gắn bó và tôn vinh vóc dáng của người phụ nữ Việt Nam, cho dù là người có vóc dáng bình thường, vóc dáng trung bình và sau này được mặc lên người các người mẫu, hoa hậu, hoa khôi… tà áo càng đẹp hơn, trở nên trang trọng hơn trong mắt các quốc gia khác. Đó cũng là sự tự hào nhất trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của Thanh, mang trách nhiệm góp phần giữ gìn - tôn vinh - làm đẹp hơn, phong phú hơn cho trang phục truyền thống của Việt Nam, cùng với việc áo dài của Thanh được các người đẹp chọn mặc.

Nghề “vẽ áo cho hoa hậu” của chị là “nghề chọn người” hay “người chọn nghề”?

- Từ trước tới nay, do yêu thích thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên, cây cỏ, nên Thanh thường chọn nội dung sáng tác trên áo dài, khăn lụa cũng khởi nguồn ý tưởng từ những loài hoa đẹp, phong cảnh gần gũi với cuộc sống, mang nhiều kỷ niệm, ký ức đẹp về các loài hoa ấy, cảnh vật ấy vào trong tác phẩm. BST Hồn sen ra đời từ những yêu thích và kỷ niệm đẹp như BST Mối tình đầu - Hoa phượng vậy.

Vẽ áo cho hoa hậu là cái duyên, tất cả những BST hay áo dài được vẽ theo ý tưởng của họa sĩ, nhưng có duyên được các hoa hậu mặc. Đến với việc vẽ trang phục cho hoa hậu là cái duyên may góp thêm động lực và niềm vui cho Thanh tiếp tục công việc và theo đuổi đam mê sáng tác trên chất liệu áo dài lụa và khăn lụa.

Sống xanh trong từng nét vẽ

Trong Câu chuyện một dòng sông, chị đã đưa cả đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lên tác phẩm?

- Nhờ cơ duyên, Thanh được họa sĩ Hà Hùng Dũng kết nối với ba hoa hậu Nguyễn Thanh Hà, đang trong quá trình chuẩn bị hành trang cho con gái lên đường dự thi ở đấu trường thế giới tại Ai Cập. Là người con của ĐBSCL, ba của Hà khắc khoải với những lo toan về thiệt hại mà nông dân nói riêng, người dân ĐBSCL nói chung phải gánh chịu trước sự thay đổi lớn về biến đổi khí hậu, hạn hán, hạn mặn tăng nặng và kéo dài, gây thiệt hại suốt nhiều năm qua.

Cảm thông trước yêu cầu, gửi gắm của ông tới tác phẩm, cần truyền tải một thông điệp bảo vệ môi trường thế giới, bảo vệ nước sạch cho người dân Việt Nam, đặc biệt là người dân ĐBSCL, Thanh đã thể hiện tác phẩm là dòng sông xanh mát uốn lượn, ngập tràn hoa lục bình tím biếc, một bên là bầu trời xanh ngắt, ruộng đồng tốt tươi cò bay thẳng cánh; một bên là đồng ruộng chịu hậu quả của hạn mặn mà nứt nẻ khô cằn, tán lá dừa khô sạm.

Tác phẩm nói lên lợi ích và tác hại của nguồn nước ngọt và nước nhiễm mặn lên ĐBSCL; mang thông điệp lớn, mong cả thế giới, cũng như các nước trên lưu vực dòng chảy của sông Mê Kông có ý thức giữ gìn, sử dụng nguồn tài nguyên nước tiết kiệm và hợp lý để tất cả các quốc gia gắn liền với hệ thống sông Mê Kông được chia đều lợi ích từ dòng sông đem lại.

Không chỉ là áo dài mà cả nón lá, khăn choàng qua tay chị đều biến thành những tác phẩm có thông điệp rõ ràng?

- Đối với Thanh, mỗi sản phẩm, tác phẩm dù nhỏ nhất cũng mang một dấu ấn, một thông điệp rõ ràng, một tình cảm đặc biệt dành riêng cho từng tác phẩm.

Đa phần các sản phẩm, tác phẩm của họa sĩ thể hiện sở thích mộc mạc, đơn giản với tình yêu thiên nhiên, cỏ cây hoa lá, với mỗi thay đổi nhỏ trong thế giới thu nhỏ của họa sĩ như: nắng, như mưa, như mùa xuân hoa nở, mùa thu lá rơi…

Hay là sự ngưỡng mộ tài năng sáng tạo của tạo hóa, phủ lên cho mỗi cây, mỗi loài hoa, mỗi chiếc lá, mỗi loài động vật một màu sắc, một vẻ đẹp kỳ ảo mà không có thứ nghệ thuật nào theo kịp, họa sĩ đã cố gắng đưa sự ngưỡng mộ ấy vào tác phẩm của mình.

Với chị, nghệ thuật có thể vơi bớt rất nhiều cảm xúc tiêu cực, khơi mở và có thêm nhiều ý tưởng tích cực hơn cho cuộc sống?

- Cuộc sống hiện tại của Thanh cố gắng sống và gắn bó với nghề thủ công, từ vẽ, thiết kế quảng cáo, nội thất, thời trang, trang sức đá quý, vẽ quần áo, khăn lụa, áo dài, tranh decor, tranh trang trí, dạy vẽ… từ lúc tốt nghiệp để sinh sống và được theo đuổi đam mê nghệ thuật một cách tự do và thoải mái nhất. Đó là cả một quá trình phấn đấu, theo đuổi đam mê để họa sĩ vừa thỏa sức tự do hòa mình với thế giới nghệ thuật của riêng mình, vừa đảm bảo được cuộc sống cho gia đình.

Bộ sưu tập Mối tình đầu do họa sĩ Trần Thiên Thanh vẽ

Cuộc sống tuy chưa thật sự ổn định, nhưng Thanh vẫn cố gắng để duy trì không gian thư giãn và sáng tác cho mình và các bạn, một không gian thật sự gần gũi với thiên nhiên với cây cỏ, chim muông và những con thú cưng mèo, chó. Với mong muốn mạnh mẽ để giữ gìn không gian nghệ thuật và thư giãn, Thanh càng có thêm động lực để cố gắng nhiều hơn.

Qua mỗi giai đoạn thăng trầm trong cuộc sống, mỗi khó khăn vất vả trong nghề, Thanh dần trưởng thành, mạnh mẽ hơn, tự tin hơn với con đường đã chọn; có thêm nhiều ý tưởng sáng tác, nhiều hoạch định, nhiều hướng phát triển mới để theo đuổi đam mê và cống hiến.

Bài học duy nhất rút ra được là phải luôn dùng hết 100% cố gắng, 100% đam mê mới có thể vượt qua khó khăn, thử thách; theo đuổi và sống được với nghề; được sự công nhận của người đam mê nghệ thuật.

Xin cảm ơn chị!

Lê Việt Nhân (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202307/hoa-si-tran-thien-thanh-ve-xanh-cho-cuoc-song-3172315/