Về Tà Số vui Tết cổ truyền dân tộc Mông

Vào đầu tháng Chạp âm lịch hằng năm, khi những cánh hoa mận nở bung trắng xóa nương đồi, cũng là lúc bà con dân tộc Mông ở bản vùng cao Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu rộn ràng đón tết.

Trẻ em dân tộc Mông chơi tu lu trong dịp tết.

Bản Tà Số là nơi sinh sống của trên 330 hộ đồng bào dân tộc Mông. Từ năm 2013, bản được chia tách thành 2 bản Tà Số 1 và Tà Số 2. Cùng với khí hậu mát mẻ, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, bà con dân tộc Mông ở Tà Số còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo và đặc sắc, được bảo tồn và trao truyền qua nhiều thế hệ.

Ngày cuối cùng của tháng 11 âm lịch, cũng như bao hộ người Mông khác ở bản Tà Số 2, gia đình ông Mùa A Sếnh thức dậy từ lúc gà chưa gáy để chuẩn bị các thủ tục đón tết cổ truyền. Một trong những công việc đầu tiên là dọn dẹp nhà cửa, chọn một cành tre còn xanh lá để quét quanh nhà với ý nghĩa sẽ quét đi những điều không may của năm cũ và đón năm mới với nhiều điều may mắn. Sau đó, những người đàn ông trong gia đình tiến hành các thủ tục nơi bàn thờ gia tiên và dùng giấy đỏ dán lên nhiều vị trí như cửa nhà, cột nhà, bếp, chuồng trại và các dụng cụ sản xuất như cuốc, thuổng. Đồng bào dân tộc Mông làm việc này thể hiện lòng biết ơn với những công cụ sản xuất đã giúp họ làm nương, rẫy, mang lại lương thực, thực phẩm và cuộc sống no đủ cho gia đình. Đồng thời, cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Ông Mùa A Sếnh cho biết: Mặc dù cuộc sống có nhiều đổi thay, nhưng bà con dân tộc Mông nơi đây vẫn gìn giữ nguyên vẹn những nét văn hóa tốt đẹp trong ngày tết truyền thống. Năm qua, công việc làm ăn thuận lợi nên gia đình mua sắm được nhiều đồ dùng sinh hoạt tiện nghi phục vụ cuộc sống. Tết này, gia đình mổ con lợn gần 1 tạ để cúng tổ tiên và thết đãi anh em họ hàng.

Nét ẩm thực ngày tết của bà con dân tộc Mông ở bản Tà Số cũng hết sức phong phú, trong đó, bánh dày là món ăn không thể thiếu. Theo quan niệm của bà con, bánh dày hình tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên trái đất. Vì vậy trong dịp tết, nhà nào cũng gói thật nhiều bánh, vừa để gia đình ăn, vừa để biếu khách. Ngoài ra, các gia đình thường mổ lợn, gà để làm mâm cơm cúng trong 3 ngày tết. Tùy vào điều kiện của từng gia đình sẽ mổ con lợn to hoặc nhỏ để cúng gia tiên và mời anh em họ hàng. Phần thịt lợn ngon nhất được tẩm ướp các loại gia vị rồi đem nướng; thịt nạc và xương được chế biến thành các món luộc, xào hoặc nấu canh củ quả, mỡ lợn sẽ đem rán để dùng quanh năm.

Những ngày tết, bản Tà Số rộn ràng trong những hoạt động văn hóa đặc sắc, như múa khèn, thổi sáo, đàn môi, ném pa pao, đánh tu lu, đánh yến... các chàng trai, cô gái Mông diện những bộ trang phục truyền thống đầy màu sắc giao lưu, trò chuyện, tự do tìm hiểu. Hòa giữa khung cảnh thiên nhiên thơ mộng với hoa đào, hoa mận đang khoe sắc, bức tranh văn hóa trên vùng cao Tà Số hiện lên thật sinh động và tràn đầy sắc xuân.

Ông Mùa A Lứ, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Tà Số 2, cho biết: Hiện nay, các gia đình đều thực hiện nếp sống văn hóa mới, phong tục đón tết cũng thay đổi nhiều, thủ tục tổ chức ngắn gọn và văn minh hơn. Bên cạnh đó, huyện, xã cũng thường xuyên đến thăm, chúc mừng bà con trong dịp tết truyền thống, khuyến khích người dân gìn giữ và phát huy những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Những năm gần đây, bản Tà Số 1 và Tà Số 2 trở thành điểm du lịch hấp dẫn với nhiều mô hình homestay, du lịch cộng đồng. Dịp Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông hằng năm đã thu hút một số lượng lớn du khách thập phương đến tham quan khám phá và trải nghiệm, tạo động lực giúp bà con tiếp tục giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, góp phần đa dạng các sản phẩm du lịch của Mộc Châu.

Bài, ảnh: Hoàng Giang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/ve-ta-so-vui-tet-co-truyen-dan-toc-mong-mdyfdg5Ig.html