Về Sóc Sơn 'ăn Tết lại'

Đã thành thông lệ, ngoài 3 ngày Tết chính (từ Mùng 1 đến Mùng 3 tháng Giêng âm lịch), bắt đầu từ ngày 4 - 22 tháng Giêng, người dân nhiều địa phương ở ngoại thành Hà Nội còn tổ chức ngày 'ăn Tết lại'. Tuy Tết lại chỉ diễn ra trong vòng một ngày nhưng người dân các địa phương vẫn gói bánh chưng và chuẩn bị nhiều món ăn truyền thống của dân tộc Việt. Nói về Tục ăn Tết lại, người xưa có câu rằng: Ai về với đất Sóc Sơn; Để ăn tết lại còn hơn tết đầu; Hòa chung không khí muôn mầu; Từ thời các cụ rất lâu truyền thành.

Trong cái se lạnh của rằm tháng Giêng, trên khắp các nẻo đường của thôn Đức Hậu, xã Đức Hòa dường như vẫn còn vẹn nguyên không khí của những ngày Tết Nguyên đán. Từ sáng sớm, mọi người đã luôn tay luôn chân để chuẩn bị đón cái Tết lớn nhất năm - "Tết lại". Không ai rõ nguồn gốc của "Tết lại" có từ đâu, họ chỉ biết đó là tục lệ từ thời ông cha để lại.

Cho dù đến nay, tục ăn "Tết lại" vẫn chưa có lời giải đáp chính xác. Nhưng tục ăn "Tết lại" đã trở thành nét văn hóa - đậm đà bản sắc và độc đáo, ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Ngày Tết lại, mỗi người một việc, gói bánh chưng, luộc gà, người thì nấu cỗ. Ngoài việc đóng góp dâng lễ tại đình làng, mỗi gia đình đều chuẩn bị bữa cơm, để mời người thân, bạn bè, đồng nghiệp… Mâm cỗ thiết đãi khách đều là những món ăn quen thuộc của các gia đình mỗi khi Tết đến xuân về, nhưng điều đáng quý, ngày Tết lại, khách đến ăn Tết dù quen hay lạ, hàng chục người hay chỉ có một người, chủ nhà vẫn dọn cơm, mời chào nhiệt tình. Chủ - khách cùng ngồi chung một mâm, hỏi thăm gia cảnh, tâm sự chuyện làm ăn, nhà cửa… như những người bạn lâu năm.

Tục ăn "Tết lại" đã trở thành nét văn hóa - đậm đà bản sắc và độc đáo, ăn sâu vào tiềm thức của người dân

Người dân nơi đây là vậy, luôn hiếu khách, nhiệt tình và cuộc sống của họ cũng luôn giữ được nét đẹp truyền thống mang tính cộng đồng, gắn bó, hòa thuận. Dù không còn sinh sống ở địa phương nhiều năm, nhưng mỗi dịp Tết lại, anh Hùng vẫn sắp xếp thời gian cùng gia đình về dự với họ hàng để tìm lại không khí ấm áp, ký ức của tuổi thơ.

Cùng với việc duy trì phong tục, tập quán của người dân bản địa, việc duy trì một phong tục lành mạnh, không là hủ tục cũng được chính quyền địa phương coi trọng.

Tục ăn "Tết lại" hàng năm được coi như một hoạt động văn hóa giúp phát huy nét đẹp truyền thống của địa phương, đồng thời giúp thế hệ trẻ biết trân trọng các giá trị truyền thống của dân tộc.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ve-soc-son-an-tet-lai-221563.htm