Về nơi thành lập Ban Quân sự tỉnh Mỹ Tho

Xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành (xưa thuộc làng Long Hưng, quận Châu Thành) từng là nơi diễn ra nhiều hoạt động cách mạng sôi nổi trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây cũng là nơi Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức cuộc họp để thành lập Ban Quân sự tỉnh - tổ chức tiền thân của Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Tiền Giang ngày nay.

BỐI CẢNH THÀNH LẬP

Dưới ánh sáng Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11-1939), ngay từ tháng 3-1940, Xứ ủy Nam kỳ đã phổ biến đề cương chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền đến các địa phương. Các địa phương đều hưởng ứng và tích cực chuẩn bị ráo riết.

Ông Nguyễn Văn Tiết (áo trắng) miêu tả lại căn nhà của ông Tư Tĩnh, nơi thành lập Ban Quân sự tỉnh Mỹ Tho.

Từ tháng 5-1940, Tỉnh ủy Mỹ Tho đã triển khai xây dựng và phát triển lực lượng tự vệ, nhiều làng mở ra các lớp luyện tập võ thuật để tập hợp, giáo dục thanh niên và hầu hết các võ sư, võ sinh đều trở thành lực lượng tự vệ của làng. Đặc biệt, ở vùng nông thôn, lực lượng tự vệ phát triển rất nhanh và mạnh, tự trang bị vũ khí thô sơ, tập trung vào 2 quận Châu Thành và Cai Lậy. Những nơi hệ thống kìm kẹp của địch còn mạnh thì ta tổ chức đội tự vệ mật.

Đầu tháng 8-1940, Xứ ủy tổ chức Hội nghị tại Gò Đen bàn về công tác quân sự chuẩn bị cho khởi nghĩa do đồng chí Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ chủ trì. Hội nghị đã bàn về công tác xây dựng hệ thống tổ chức Quân sự từ Xứ ủy đến phân khu; đồng chí Tạ Uyên làm Tư lệnh Nam kỳ.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Châu Thành Phan Văn Tư cho biết, một thời từng khó khăn, chiến tranh nguy hiểm như vậy, nhưng nhân dân nơi đây đã đùm bọc, che chở, canh gác cho cán bộ cách mạng tổ chức họp, làm việc; bà con chỉ lối cho cán bộ thoát vòng vây hoặc tìm cách đánh lừa địch. Đặc biệt hơn, chính tại ấp Miễu Hội, xã Thạnh Phú đã được Tỉnh ủy lúc bấy giờ thành lập Ban Quân sự tỉnh - tổ chức tiền thân của LLVT tỉnh Tiền Giang ngày nay. Do vậy, Hội Cựu chiến binh huyện sẽ có những đề xuất với cấp trên để xây dựng Bia ghi dấu ấn địa điểm thành lập, nơi ghi dấu mốc son lịch sử của LLVT tỉnh Tiền Giang. Hy vọng rằng, thời gian tới, huyện Châu Thành có thêm “địa chỉ đỏ” để các thế hệ hôm nay và mai sau học tập phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”.

Nam kỳ lúc bấy giờ được chia làm 2 khu: Miền Đông và miền Tây. Miền Đông chia làm 2 phân khu: Phân khu 1 gồm Tây Ninh, Biên Hòa, Thủ Dầu Một; Phân khu 2 gồm Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre, Gò Công và 2 đặc khu Sài Gòn, Cap Saint Jacques (Vũng Tàu); có Bộ Tư lệnh khu, Bộ Tư lệnh phân khu. Phân khu 2 do đồng chí Trần Bá Thọ làm Tư lệnh phó Thường trực tại Mỹ Tho, làm Ủy viên Quân sự trong Ban Khởi nghĩa Mỹ Tho và được giao nhiệm vụ thành lập 1 đại đội hỗ trợ cho Sài Gòn đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất.

Những công việc cần làm trước mắt như: Kiện toàn cơ quan lãnh đạo các cấp, phát triển lực lượng quần chúng trong Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế, tổ chức lực lượng du kích và luyện tập quân sự, đẩy mạnh công tác vận động binh sĩ địch… đã được hội nghị bàn đến. Một số Ban cần thiết trong lúc khởi nghĩa như: Ban Tham mưu, Ban Phá hoại, Ban Giao thông, Ban Tuyên truyền, Ban Quân báo, Ban Binh vận, Ban Tài chính, Ban Cứu thương… cũng được gấp rút chuẩn bị.

Ngày 12-8-1940 (ngày này trở thành Ngày truyền thống của LLVT tỉnh Tiền Giang), tại nhà ông Tư Tĩnh ở xóm Vườn, ấp Miễu, làng Long Hưng, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là ấp Miễu Hội, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), Tỉnh ủy đã mở Hội nghị xúc tiến công tác tổ chức LLVT, mua sắm và chế tạo vũ khí, dự trữ lương thực, thuốc men, may cờ, in tài liệu, luyện tập quân sự để chuẩn bị chờ ngày khởi nghĩa. Hội nghị gồm các đồng chí: Nguyễn Hữu Thường, Nguyễn Thanh Phong, Nguyễn Văn Ghè, Lê Văn Giác, Huỳnh Văn Chín và đồng chí Hòa, đồng chí Kỉnh. Hội nghị do đồng chí Phan Văn Khỏe, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì.

Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban Quân sự tỉnh, gồm 7 đồng chí; đồng chí Nguyễn Hữu Thường, Thường vụ Tỉnh ủy làm Chỉ huy trưởng. Ban Quân sự thành lập 4 Ban chính và phân công các đồng chí phụ trách, gồm: Ban Tham mưu do đồng chí Nguyễn Hữu Thường kiêm Tham mưu trưởng, đồng chí Huỳnh Văn Chín và đồng chí Lê Văn Quới làm Ủy viên; Ban Quân nhu do đồng chí Nguyễn Văn Tân phụ trách; Ban Quân báo do đồng chí Trần Bá Thọ phụ trách; Ban Phá hoại do đồng chí Nguyễn Văn Ghè và đồng chí Lê Văn Quới phụ trách.

Các nghị quyết của Xứ ủy đã tác động mạnh mẽ tới Đảng bộ và nhân dân Mỹ Tho. Đảng bộ đã khẩn trương triển khai Nghị quyết của Xứ ủy. Từ đầu tháng 8-1940 cho đến trước ngày khởi nghĩa, Tỉnh ủy Mỹ Tho đã 3 lần tổ chức hội nghị (đầu tháng 8, 10 và 11) tại xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành nhằm bàn những biện pháp cụ thể cho việc chuẩn bị khởi nghĩa…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đùm bọc, nuôi dưỡng của nhân dân, chỉ trong một thời gian ngắn, những đội du kích tự vệ đã phát triển lên thành đại đội, tiểu đoàn, rồi nhiều tiểu đoàn; cùng nhân dân làm nên những chiến công oanh liệt như: Cổ Cò, Giồng Dứa, Kinh Bùi, Ba Rài, Ấp Bắc…

Bằng chiến tranh du kích, kết hợp với tác chiến tập trung của các đơn vị chủ lực, tạo thành sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân đánh diệt nhiều tiểu đoàn địch, có cả tiểu đoàn lính Mỹ ở Hậu Mỹ - Cái Bè, căn cứ Đồng Tâm, Vành đai Bình Đức; tiến công tổng hợp mở mảng chuyển vùng căn cứ cách mạng năm 1972, góp phần vào chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đó, ngày 6-11-1978, LLVT tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) đã vinh dự được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân...

DẤU TÍCH XƯA VÀ NIỀM TỰ HÀO

Nhân kỷ niệm 83 năm Ngày truyền thống LLVT tỉnh Tiền Giang (12-8-1940 - 12-8-2023), chúng tôi về lại vùng đất giàu truyền thống cách mạng, tìm lại căn nhà nơi Tỉnh ủy Mỹ Tho thành lập Ban Quân sự tỉnh - tổ chức tiền thân của LLVT tỉnh Tiền Giang ngày nay. Chúng tôi may mắn được gặp ông Nguyễn Văn Tiết (tên thường gọi là Tám Tiết, sinh năm 1944, ấp Miễu Hội, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành) là một trong số ít người ở gần nhà và từng tiếp xúc với ông Tư Tĩnh. Vì tuổi cao, trí nhớ không còn như xưa, nên những lời người lớn kể lại và hình ảnh về ông Tư Tĩnh trong trí nhớ của ông Tám Tiết không còn nhiều.

Ông Tư Tĩnh sống cùng với mẹ là bà Năm Hiếm. Gia đình ông cất căn nhà nhỏ ở nhờ trên đất của bà Hôn Sáu. Căn nhà 3 gian, mái lợp lá, cây cối rậm rạp, được cán bộ cách mạng đánh giá là nơi có vị trí thuận lợi, có nhiều đường rút lui khi bị địch phát hiện. Tổ chức đã chọn nhà ông Tư Tĩnh làm nơi sinh hoạt, hội họp.

Căn nhà của ông Tư Tĩnh, nơi Tỉnh ủy Mỹ Tho mở Hội nghị thành lập Ban Quân sự tỉnh.

Lúc cán bộ tổ chức hội họp tại nhà ông Tư Tĩnh, thì ông Tư Tĩnh cùng các thanh niên khác cầm tầm vông nhọn, mõ tre canh gác đi vòng ngoài. Trong số thanh niên tham gia bảo vệ vòng ngoài đó có anh thứ Năm của ông Tám Tiết. Có lần địch nghi ngờ, nên ông Tư Tĩnh bị bắt, bị đánh đập nhưng chúng không khai thác được gì từ ông.

Sau này, gia đình ông Tư Tĩnh trả đất lại cho bà Hôn Sáu, thấy gia cảnh khó khăn nên cha của ông Tám Tiết đã cưu mang cho ở nhờ và thuê ông Tư Tĩnh làm ruộng vườn. Trước năm 1975, ông Tư Tĩnh mất và được chôn tại vườn nhà ông Tám Tiết. Với tính cách ít nói và tình hình cách mạng lúc bây giờ, nên ông Tư Tĩnh không chia sẻ nhiều về việc cán bộ cách mạng tổ chức các cuộc họp quan trọng tại nhà mình.

Hiện nay, vị trí căn nhà của ông Tư Tĩnh là vườn dừa của người dân. Ông Tư Tĩnh không có đất đai và con cháu, nên ông Tám Tiết chăm sóc phần mộ của ông và thân mẫu của ông trên mảnh vườn của mình.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thạnh Phú Lê Xuyên Tâm chia sẻ: “Trong quá trình tìm kiếm tư liệu về lịch sử Đảng bộ xã Thạnh Phú, tôi có nghe các chi tiết về nhà ông Tư Tĩnh, nhưng không ngờ rằng đây còn là nơi các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy họp bàn việc thành lập Ban Quân sự tỉnh. Tôi cảm thấy tự hào và sẽ cố gắng phát huy những giá trị lịch sử, tinh thần bất diệt đến hội viên cựu chiến binh, cựu quân nhân và thế hệ trẻ của quê hương anh hùng”.

HÀ NAM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202308/ve-noi-thanh-lap-ban-quan-su-tinh-my-tho-987905/