Về nơi di tích 'Hầm năm cửa'

Với sự hướng dẫn của Trung tá Ma Công Thực, Trợ lý Ban Thanh niên Quân đội (Tổng cục Chính trị), chúng tôi về xã Định Biên (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) thăm Sở chỉ huy Tổng cục Chính trị trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Trung tá Ma Công Thực là cháu nội cụ Ma Công Điền, Bí thư chi bộ đầu tiên của xã Định Biên. 70 năm trước, chính cụ Điền là người chỉ huy lực lượng thanh niên, dân quân địa phương dẫn đường đưa cán bộ Cục Chính trị (Tổng cục Chính trị ngày nay) về Định Biên xây dựng lán trại bí mật và phân công lực lượng canh phòng tuần tra cảnh giới cùng bộ đội. Cụ Điền đã mất năm 2010, nhưng Trung tá Ma Công Thực vẫn nhớ lời kể của ông nội mình rằng, thời điểm Cục Chính trị về xã Định Biên lập doanh trại, các phòng của cục đóng quân rải rác ở sườn đồi thuộc các thôn Thâm Tắng, Khau Lầu, Nong Nia, Khau Diều, Làng Vẹ, Làng Quặng.

Cán bộ quân đội và nhân dân địa phương dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ hy sinh tại khu vực di tích “Hầm năm cửa”.

Để bảo đảm bí mật cho Cục Chính trị hoạt động, xã Định Biên thành lập 10 trạm kiểm soát di động ở các ngả đường, cùng bộ đội tuần tra canh gác, nhằm phát hiện Việt gian, chỉ điểm. Ở từng xóm bản đều cử người canh phòng, khi có người lạ vào địa bàn thì gõ mõ, thổi tù và làm tín hiệu báo cho cán bộ cách mạng. Người dân ở các thôn đều hiến đất, ủng hộ gỗ, lá cọ, tre, nứa, công lao động giúp các phòng của Cục Chính trị xây dựng nhà làm việc, nhà ở, hội trường, hầm trú ẩn… Nhiều gia đình còn nhường nhà cho bộ đội, huy động con cháu giã gạo, may vá quần áo giúp bộ đội.

Trong khoảng thời gian từ năm 1950 đến 1954, Tổng cục Chính trị đặt sở chỉ huy tại đồi Co Tý, thuộc thôn Thẩm Tắng, xã Định Biên. Nơi đây hiện vẫn còn di tích lịch sử cách mạng “Hầm năm cửa”. Tại hầm này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng ở và làm việc, giúp Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành CTĐ, CTCT, củng cố, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, xây dựng quân đội mạnh về chính trị, góp phần quan trọng đánh thắng thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trong Chiến dịch Đông-Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Bà Triệu Thị Cầm, nhà ở gần "Hầm năm cửa", kể với chúng tôi rằng, trước kia nhân dân ở rất thưa thớt, khi thấy bộ đội về xây dựng doanh trại, nhân dân kéo đến giúp rất đông. Bà con lúc đó cũng chưa biết đơn vị bộ đội đóng quân là cơ quan của Tổng cục Chính trị, chỉ biết rằng, đó là là một cơ quan rất quan trọng của quân đội và đã tự nguyện chuyển nhà đến ở bao quanh khu đồi, thành một “vành đai bảo vệ”.

Đồng chí Hoàng Thị Quyên, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Định Biên cho biết: Định Biên tự hào nằm trong quần thể ATK-Định Hóa, với nhiều địa danh, di tích lịch sử gắn liền với Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là nơi diễn ra lễ hợp nhất Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Đội Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân (năm 1945). Đây cũng là nơi làm việc của cơ quan Cục Chính trị (sau này là Tổng cục Chính trị) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Báo Quân đội nhân dân ra số báo đầu tiên cũng tại nơi này (ngày 20-10-1950). Định Biên thực sự trở thành đất võ, đất văn. Nhiều con em của Định Biên đã xung phong vào bộ đội, nhiều người sau đó phát triển thành cán bộ cao cấp của quân đội; trở thành nhà thơ, nhà văn, nhà báo... Dù điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng tỷ lệ các cháu đỗ đại học hằng năm của Định Biên rất cao. Định Biên đang nỗ lực phấn đấu sớm trở thành xã nông thôn mới.

Bài và ảnh: PHÚ THỌ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/ve-noi-di-tich-ham-nam-cua-507831