Về nhà đổi lấy bình yên

Khoảng cách thế hệ cùng những khác biệt trong lối sống khiến con cái cảm thấy khó hòa với cha mẹ. Trải qua nhiều thăng trầm, gia đình luôn là điểm tựa vững vàng.

Tiểu thuyết Hãy về với cha của nhà văn Hàn Quốc Shin Kyung-Sook. Ảnh: N.N

Tiểu thuyết Hãy về với cha đánh dấu sự trở lại của nhà văn người Hàn Quốc Shin Kyung-Sook sau một thập kỷ vắng bóng trên văn đàn. Trở lại với đề tài gia đình, tác giả ăn khách xứ kim chi tiếp tục đào sâu, khai thác mối quan hệ giữa cha mẹ và những đứa con đã trưởng thành, cùng nỗi cô đơn của con người trong xã hội hiện đại.

Cha mẹ vẫn ở đó chờ con

Sau khi con gái qua đời, nữ nhà văn Heon muốn trốn tránh thực tại bằng cách giam mình trong cô độc. Cô hạn chế liên lạc với người thân và không về quê nhà trong suốt nhiều năm trời. Dù lo lắng cho con gái, nhưng cha mẹ Heon tôn trọng quyết định của cô, họ giữ khoảng cách với đứa con tội nghiệp.

Mẹ của Heon bị bệnh, phải lên Seoul dài ngày để thăm khám. Không yên tâm để người cha đã ngoài tám mươi ở một mình, cô con gái thứ tư trở về quê nhà ở J để chăm sóc cha trong những ngày mẹ vắng nhà. J giờ đã là một thành phố, nhưng trong ký ức của Heon, vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh một ngôi làng hẻo lánh, với những con đường đất mờ mịt bụi mà mỗi sáng anh em cô vẫn đạp xe đi học.

Người cha rất vui khi thấy đứa con gái mà ông luôn mong nhớ trở về nhà. Đã lâu, cha con họ chưa được gặp nhau. Mỗi lần, cha mẹ gọi điện lên thành phố cho Heon, cô đều nói sẽ về thăm nhà vào một ngày gần nhất. Nhưng ngày đó là khi nào, chính Heon cũng không biết. Là một người mẹ mất con, cô loay hoay với nỗi đau của mình, mà quên mất rằng trái tim cha mẹ đang rỉ máu vì thấy con gái bị giam cầm trong đau khổ.

Sống xa nhà quá lâu, hiếm khi liên lạc với cha mẹ, khiến Heon có cảm giác cô và đấng sinh thành đã trở thành hai thực thể tách biệt. Cha mẹ có cuộc sống của riêng mình, còn những đứa con cứ thế lầm lũi đi theo con đường mà chúng đã chọn. Thế nhưng, trở về nhà người con gái ấy bỗng nhận ra bao nhiêu năm qua, cha mẹ vẫn âm thầm dõi theo cô.

Nhìn thấy đứa con yêu quý bị bao nhiêu đau khổ bủa vây, họ rất muốn tiến lại để ôm con vào lòng. Nhưng cha mẹ cô lại sợ sự quan tâm của mình khiến con cái cảm thấy khó xử. Heon đã rất xúc động khi mẹ cô dặn dò cha đừng hỏi han con gái nhiều. Bà nhận ra đứa con gái tội nghiệp vẫn chưa bình tâm sau biến cố, sự quan tâm của người cha vô tình khơi lại những ký ức đau buồn.

Yêu thương cha mẹ theo một cách khác

Người già thường sống bằng ký ức, trở về J sống cùng cha, Heon thấy mình sống như một bà cụ.Trong đầu cô tràn ngập những hoài niệm về gia đình. Nhiều kỷ niệm tuổi thơ tưởng đã tan ra trong tâm trí bỗng hiện về thật sắc nét, gần gũi. Quãng thời gian mấy chục năm, cả nửa đời người mà hóa ra rất gần, như mới xảy ra ngày hôm qua thôi.

Trong những ký ức ấy luôn thấm đượm hình ảnh của một người cha cần mẫn, sẵn sàng làm đủ nghề để lo cho đàn con thơ được sống đủ đầy hơn. Ông lúc nào cũng sợ rằng: Nếu bản thân lười biếng một ngày thôi, những đứa con sẽ phải chịu cảnh đói rét, thua thiệt với bạn bè. Nghĩ đến điều ấy thôi, người cha cũng đủ đau lòng.

Cha của Heon là một đứa trẻ mồ côi. Ông đã mất cả cha lẫn mẹ vào năm 14 tuổi vì một dịch bệnh khủng khiếp quét qua ngôi làng. Sống trong cảnh thiếu thốn tình thương, nên ông luôn cố gắng trở thành người cha tốt. Trong lòng lão nông nghèo ở làng J luôn có một ám ảnh, ông sợ mình chăm lo cho các con chưa chu toàn. Thuở nhỏ, ông không được đến trường, nên ông luôn muốn các con học hành đầy đủ.

Những ngày trở về J là một may mắn lớn với Heon, cô được sống bên cha, được hồi tưởng lại một phần cuộc đời mình, từ những ngày tháng vô ưu của một cô bé, đến tuổi thiếu nữ đầy mơ mộng. Những ký ức tươi đẹp ấy được vun đắp từ tình yêu thương vô bờ của cha mẹ. Từng góc nhỏ trong ngôi nhà ấm êm đó đầy ắp những kỷ niệm của sáu anh chị em.

Trong tác phẩm, nhà văn Shin Kyung-Sook có nhắc đến món cơm trộn mà người cha vẫn làm cho các con. Nhiều nguyên liệu được cho vào một tô lớn, trộn đều cùng gia vị, đơn giản vậy thôi nhưng nó còn đọng mãi trong ký ức của cô con gái.

Tiểu thuyết mới nhất của Shin Kyung-Sook cũng mang tinh thần của món ăn bình dân ấy. Bà kể nhiều câu chuyện cùng lúc, nhưng chúng đan cài vào nhau rất vừa vặn, các tuyến truyện nâng đỡ cho nhau, tạo nên một tổng thể hài hòa và cảm động.

Hãy về với cha không chỉ là câu chuyện về tình cảm gia đình, nó còn là trang sử của một thế hệ, những người đã lớn lên trong chiến tranh, vượt qua bao gian khó để sống tốt cuộc đời mình như cha của nhân vật Heon. Phảng phất trong câu chuyện còn có nỗi cô đơn thầm lặng của những người già, sống xa con cái khiến họ luôn cảm thấy bơ vơ và bất an.

Giống như nhân vật Heon, những đứa con đã trưởng thành phải học cách yêu thương cha mẹ bằng một trái tim kiên nhẫn và tận tụy. Không bao giờ là quá muộn để về bên những người thân yêu, hưởng không khí đầm ấm của gia đình. Mái nhà luôn là cội nguồn yêu thương không khi nào vơi.

Thụy Oanh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ve-nha-doi-lay-binh-yen-post1443477.html